Ấn Độ và đường đến cường quốc

15/06/2014 09:00 GMT+7

Chính phủ Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Narendra Modi đang vẽ nên hình ảnh một cường quốc đang trỗi dậy từ khu vực Nam Á.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: Reuters 

Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc bầu cử 9 vòng kéo dài từ 7.4 - 12.5 đã giành được 282/543 ghế quốc hội. Đây là chiến thắng ngoạn mục nhất trong lịch sử Ấn Độ suốt 30 năm qua. Tính chung cả Liên minh Dân chủ quốc gia cầm quyền do BJP dẫn dắt, ông Modi có đến 336 ghế. Điều này, theo các nhà phân tích, cho phép ông Modi tiến hành các kế hoạch và chiến lược táo bạo của mình một cách thuận lợi nhất.

Tự hào ngôn ngữ quốc gia

Báo chí quốc tế mấy ngày nay đã không bỏ qua chi tiết ông Modi dùng tiếng mẹ đẻ Hindi khi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 9.6. Là người thông thạo tiếng Anh, khi còn là Thủ hiến bang Gurajat với dân số gần bằng Thái Lan, ông Modi thường xuyên sử dụng ngôn ngữ này khi tiếp các quan chức nước ngoài, cũng như trong các chuyến công du ngoại quốc tìm kiếm nguồn đầu tư cho bang miền tây bắc của mình. Nhưng trong hai cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa và Tổng thống Maldives Abdulla Yameen, nhân dịp hai ông này cùng nhiều lãnh đạo các nước Nam Á khác đến New Delhi dự lễ nhậm chức của tân chính phủ, ông Modi đã trả lời họ bằng tiếng Hindi và cho người phiên dịch lại, mặc dù họ nói với ông bằng tiếng Anh. “Các vị khách đã không khỏi bất ngờ vì điều đó”, báo chí xứ Ấn cho hay. Người ta cũng để ý thấy trong các cuộc họp gần đây của chính phủ, bảng tên của các quan chức được ghi bằng tiếng Hindi, và nhiều bộ trưởng cũng dùng ngôn ngữ này, dù họ rất thông thạo tiếng Anh.

Hindi và tiếng Anh là hai ngôn ngữ chính thống trong nền hành chính của Ấn Độ. Nhưng trong hành lang quyền lực ở New Delhi, tiếng Anh luôn được ưa chuộng hơn. Khi nắm chính quyền từ năm 1984 - 1989, Thủ tướng Rajiv Gandhi của đảng Quốc đại cũng ra sức quảng bá để tiếng Hindi trở thành ngôn ngữ chính, nhưng đã thất bại. Chính quyền tiền nhiệm dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh cũng dùng tiếng Anh rất rộng rãi.

Vì vậy, việc ông Modi và các cộng sự sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong bộ máy chính quyền và ngoại giao cho thấy ông có vẻ đang áp dụng cách hành xử của lãnh đạo các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. “Đó là một bước phát triển tích cực, giúp nâng hình ảnh của một quốc gia châu Á tự hào vì các lãnh đạo nói bằng ngôn ngữ của chính mình”, nhà ngoại giao nghỉ hưu Rajiv Bhatia nói.

Mua láng giềng gần

Sau một thập niên dưới dự lãnh đạo của đảng Quốc đại với chủ trương “không liên kết”, làm nhạt nhòa hình ảnh, vị thế của New Delhi trên trường quốc tế bởi sự thiếu vắng những mối quan hệ khăng khít với đồng minh, đối tác lẫn láng giềng, chính quyền của ông Modi được tin là sẽ chủ động “liên kết cùng lợi ích” với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong khi Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang ra sức làm thân với New Delhi bằng nhiều tuyên bố công khai trên các diễn đàn song phương lẫn đa phương, ông Modi tỏ ra chừng mực và chưa vội vàng. Giới quan sát nhận thấy rõ ông đang chủ trương “thu phục” các nước láng giềng nhỏ hơn và kéo họ ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nhà quan sát Manaswini Ramkumar tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore nhận thấy trong cương lĩnh tranh cử của BJP chủ trương tăng cường sức mạnh mềm bằng cách tiến gần đến Hiệp hội Hợp tác khu vực các quốc gia Nam Á (SAARC), ASEAN, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)...

Bằng việc mời tất cả lãnh đạo của các nước trong khối SAARC gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan, Sri Lanka đến dự lễ nhậm chức của mình, một hành động chưa có tiền lệ từ khi khối này chính thức thành lập năm 1985, ông Modi đã gián tiếp khẳng định Ấn Độ, quốc gia lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trong khối, sẽ hợp tác và hỗ trợ sự phát triển của các thành viên. Sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 7 nước nói trên, đặc biệt là của Thủ tướng của Pakistan - quốc gia có nhiều oán cừu với Ấn Độ và thân cận với Trung Quốc, được thế giới coi là một dấu ấn đáng ghi nhận của ông Modi.

Hôm nay 15.6, ông Modi sẽ đến Bhutan, quốc gia đầu tiên mà ông đi thăm trong cương vị thủ tướng. Chọn “vùng đệm” Bhutan, ông Modi một mặt tái khởi động những dự án thủy điện song phương bị đình trệ nhằm đảm bảo nguồn cung điện cho nền kinh tế quốc gia, đồng thời hướng nước này ra khỏi những hợp tác với Bắc Kinh, vốn hình thành sau khi chính quyền trước của New Delhi tỏ ra trì trệ. Sau Bhutan, ông Modi dự kiến sẽ thăm Nepal, quốc gia láng giềng khác cũng giàu tiềm năng thủy điện.

Tăng cường năng lực quân sự

Trong hai tuần cầm quyền, chính phủ Modi đã phê duyệt hàng loạt dự án trị giá hàng tỉ USD vốn bị giậm chân nhiều năm do vấp phải sự phản đối của các nhóm hoạt động môi trường. Hôm 12.5, chính phủ đã phê duyệt dự án nâng độ cao đầm nước Narmada nhằm tăng nguồn dự trữ nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và thủy điện. Bên cạnh đó, Bộ Môi trường đã duyệt dự án xây quân cảng Karwar ở bờ biển phía tây của tỉnh tây nam Karnataka trị giá 2,5 tỉ USD nhằm thay thế cảng Mumbai chật chội. Ngoài ra, bộ này cũng duyệt dự án xây dựng một hệ thống radar trên đảo Andaman và đảo Nicobar trong vùng Vịnh Bengal, như một đối trọng với việc Trung Quốc xây dựng hạ tầng quân sự trên đảo Coco do Myanmar kiểm soát và nằm ngay phía bắc đảo Andamans.

Bộ trưởng Môi trường Prakash Javadekar quả quyết rằng “chính phủ không thể nhượng bộ đối với những dự án xây dựng hạ tầng quân sự và dân sự thiết yếu” dọc biên giới với Trung Quốc cũng như gần vùng biển phía tây nam. Một nguồn tin quân sự cho Reuters hay, Ấn Độ cũng dự trù xây một con đường cao tốc dọc biên giới tranh chấp với Trung Quốc. “Nếu bạn đang trong tình trạng có Trung Quốc nằm ngay trên đầu mà không hành động gì thì làm sao bạn vận hành đất nước này được”, ông   Javadekar nói với Reuters.

Nan giải vấn đề nhà vệ sinh

Mặc dù sở hữu vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa ào ào vào vũ trụ, Ấn Độ lại rất thiếu nhà vệ sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 597 triệu trong tổng số dân 1,2 tỉ người của Ấn Độ đi vệ sinh ở ngoài trời. Lý do một phần là họ không xây nhà vệ sinh do thiếu hệ thống cấp thoát nước hoặc không thích ngồi trong nhà cầu tù túng. Việc phụ nữ ra đồng đi vệ sinh vào ban đêm và bị quấy rối tình dục là điều không hiếm ở nước này. Mới đây, việc hai thiếu nữ ở bang Uttar Pradesh bị hiếp dâm và giết chết khi đi vệ sinh ngoài trời đã gây rúng động thế giới. Tân thủ tướng Narendra Modi tuyên bố rằng ông muốn xây trong mỗi căn nhà một nhà vệ sinh song theo các chuyên gia, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Ấn Độ: Cảnh sát bị tố hiếp dâm tập thể một phụ nữ ngay tại đồn
>> Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng kết thúc tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ
>> Ấn Độ hướng đến chính sách đối ngoại mạnh mẽ
>> Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ
>> Trung Quốc 've vãn' Ấn Độ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.