Phiên tòa “lặng”

19/11/2010 09:38 GMT+7

Phiên tòa xét xử Tòng Văn Cường sáng 17-11 tại TAND TP.HCM diễn ra thật đặc biệt. Người đứng trước vành móng ngựa bị truy tố về tội giết người chỉ có thể trả lời thẩm vấn bằng những dấu hiệu của bàn tay hay biểu cảm nét mặt vì bị câm điếc bẩm sinh.

Ở vị trí “phiên dịch” hôm ấy không phải là người chuyển ngữ tiếng nước ngoài như thường thấy ở các phiên tòa khác mà là cô Trần Thị Ngời, hiệu trưởng Trường khuyết tật thính giác Hi Vọng 1. Bởi thế, khi cáo trạng được kiểm sát viên công bố, Cường chăm chú dán chặt mắt vào cô Ngời như không muốn bỏ sót bất cứ dấu hiệu nào. Thỉnh thoảng bị cáo chau mày căng thẳng, có khi gật gù tỏ ý đồng tình.

Bên dưới, cả khán phòng rộng lớn yên ắng một cách lạ thường dù tất cả băng ghế đều chật cứng người dự khán. Phần lớn là những em nhỏ trong bộ đồng phục học sinh màu xanh nhạt của trường khuyết tật. Cũng như bị cáo, những ánh mắt ngây thơ tập trung vào điệu bộ của một “phiên dịch viên” khác đang đứng để tường thuật lại phiên tòa cho các em.

Kết cục đau lòng từ vụ đánh nhau

Theo cáo trạng, Cường là người bị câm điếc bẩm sinh, đã có vợ con nhưng lại muốn cặp bồ với một cô gái tên K. trong nhóm khuyết tật. T.V. (bạn K.) biết chuyện nên tỏ ý không bằng lòng. Khuya

17-12-2009, V. cùng nhóm bạn đang phụ bán quán cà phê tại khu B công viên 23-9 (Q.1) thì thấy Cường, K. cùng một số người khác bước vào. Bực bội, V. đuổi Cường ra nhưng Cường không chịu còn lấy ghế nhựa đánh vào tay cô. Thấy vậy, anh P.N.B. (cũng là thành viên nhóm khuyết tật) đang ngồi nhậu gần đấy đứng dậy can ngăn làm Cường té ngã. Bị anh B. ngăn cản và ra dấu đòi đánh, Cường xông tới đấm vào mắt rồi ôm anh B. vật xuống đất mấy cái.

Sau khi Cường bỏ đi, nhóm bạn liền đỡ B. dậy lau máu, xoa dầu rồi tất cả ra về. Sáng hôm sau, bảo vệ công viên thấy B. nằm gục ở gốc cây nên đưa đi cấp cứu nhưng anh đã chết vì chấn thương sọ não. Cường bị bắt ngay ngày hôm sau.

Trình bày với tòa nhưng Cường nhìn cô Ngời là chủ yếu, ánh mắt day dứt lạ thường. Qua những dấu hiệu từ bàn tay của bị cáo được cô giáo phiên dịch lại, hội đồng xét xử hiểu rằng Cường xác nhận cáo trạng truy tố là đúng. Bị cáo “nói” chỉ vì tức giận khi bị anh B. xô ngã, còn đòi đánh nên mới tìm cách đánh lại. Lúc đó, Cường không nghĩ sẽ làm anh B. chết... Được cô Ngời “dịch” lại mức án 9-10 năm tù mà VKS đề nghị, Cường quýnh quáng quơ tay, miệng bật ra những âm thanh ú ớ. “Bị cáo cho rằng mức án quá cao, thưa tòa” - cô Ngời nói.

Cứ nhấp nhổm trên hàng ghế đại diện cho bị cáo khuyết tật, mẹ Cường hướng ánh mắt đau đáu lên hội đồng. Vẻ lo lắng tột bậc khiến gương mặt bà dúm dó hơn. Chưa đến 50 tuổi nhưng tóc bà đã bạc trắng.

Phận nghèo

Người câm điếc không nhận thức đầy đủ

Trong phòng xử, ngồi thừ người, cô Ngời trăn trở: “Dù có được đi học, biết đọc biết viết thì những người bị câm điếc bẩm sinh cũng không bao giờ có được nhận thức đầy đủ như người bình thường. Cách hiểu của họ thường rất hời hợt, thiếu kiềm chế và đôi lúc cư xử theo bản năng, nhất là khi nóng giận, bức bối vì không thể diễn tả hết được những điều muốn nói.

Ngay tại phiên tòa này, tôi cũng chỉ dịch được các ý chính chứ bị cáo không thể hiểu được cặn kẽ từng câu nói, ý tứ khác như người bình thường”. Giọng xót xa, cô tiếp lời: “Tôi từng tham dự nhiều phiên tòa xét xử người khuyết tật thật đau lòng. Họ không thể lường hết hậu quả hành vi của mình, không thể hiểu được sẽ phải bị trừng trị như thế nào”.

Có lẽ vì thế mà hôm nay cô đã xin phép hội đồng xét xử cho phép các em nhỏ (đang theo học từ lớp 2-7) của Trường Hi Vọng 1 đến tham dự phiên tòa để các em học hỏi về pháp luật.

Lau vội những giọt nước mắt loang lổ trên gò má sạm nắng, mẹ Cường đau khổ kể: bà sinh được hai người con, chẳng hiểu vì sao Cường bị câm điếc từ lúc lọt lòng. Thêm vào đó, Cường còn mang bệnh suyễn rồi đau ốm thường xuyên.

Căn nhà của gia đình bà tại Q.5 đã bị giải tỏa, cả nhà dắt díu nhau về ở chung với người anh tại Q.Bình Tân. Thế nhưng hằng ngày bà vẫn phải lặn lội về chỗ cũ, bám lấy xe bánh mì để kiếm đồng ra đồng vào. Người chồng còm cõi với nghề chạy xe ôm cũng chẳng giúp được nhiều cho vợ. Bà phải kiếm thêm chút tiền bằng việc lau dọn nhà cửa theo giờ, mỗi buổi được 50.000 đồng. Nhiều đêm hai vợ chồng già dọn chỗ ngủ cùng với xe bánh mì ở vỉa hè.

Thương con bệnh tật, ông bà cố gắng cho Cường theo học tại Trường khuyết tật Tương Lai ở Q.5 nhưng chỉ được tới lớp 3. Bà nói Cường rất thương yêu cha mẹ. Cường phụ mẹ buôn bán và làm bất cứ công việc gì, miễn là được thuê. Một ngày, Cường dẫn về một cô gái cũng bị câm điếc và tỏ ý muốn lấy làm vợ. Trời thương, đứa cháu nội của bà ra đời may mắn không bị khuyết tật như cha mẹ nó. Hạnh phúc này tưởng chừng sẽ rửa sạch được những khó khăn cực nhọc mà cả gia đình bà phải mang.

Ngày con bị bắt, bà bàng hoàng tưởng sét đánh ngang tai khi được công an thông báo con trai bà đánh chết người. Nước mắt lại rơi, mẹ Cường ngậm ngùi: “Biết con mình gây tội mà nhà tôi nghèo quá. Cha nó lại mới gặp tai nạn, chân phải gắn ốc vít, một phần lá lách bị cắt nên giờ yếu rớt. Ổng không chạy xe kiếm tiền được nữa rồi. Cả gia đình giờ chỉ trông vào mỗi xe bánh mì của tôi để đắp đổi qua ngày mà thôi. Cũng may còn có anh em giúp đỡ nên mới gom được 25 triệu đồng phụ lo ma chay cho nạn nhân chứ gia đình tôi làm sao lo được từng ấy tiền”.

Ngồi cạnh bên, người cha gầy guộc, đen nhẻm của Cường lặng lẽ cúi đầu. Ông để mặc dòng nước mắt lăn trên gương mặt hằn nỗi thống khổ, bất lực của mình.

Chẳng khá gì hơn, phía gia đình nạn nhân cũng rất nghèo. Cha mẹ chết sớm, bị tật, lại chẳng được học hành gì nên anh B. phải nuôi thân bằng nghề bốc vác. Cái nghèo, cái khổ thương nhau nên tại tòa người cô ruột của anh B. nhẹ nhàng cho biết: “Cháu tôi đã nằm xuống rồi, có xử tội Cường thì cháu tôi cũng không sống dậy được. Mong tòa xử nhẹ cho Cường để bị cáo còn về lo cho vợ con...”. Chuyện bồi thường chi phí ma chay, tổn thất tinh thần cô không đề cập nữa.

Bản án và dư vị đắng

Luật sư được tòa chỉ định bào chữa cho Cường day dứt đề nghị hội đồng xét xử xem lại ý thức chủ quan của bị cáo khi phạm tội. Bị B. đánh đau, Cường mới tức giận mà ôm anh này vật xuống ba lần, chứ không phải có ý muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Là người khuyết tật, Cường và những người có mặt lúc đó đều không thể ngờ hậu quả lại nghiêm trọng đến thế. Bằng chứng là sau khi bị cáo bỏ đi, bạn bè của anh B. còn tưởng anh bị thương tích nhẹ nên chỉ xoa dầu cho anh rồi tất cả ra về. Luật sư cho rằng nếu cấp cứu kịp thời thì chưa chắc anh B. phải bỏ mạng đáng tiếc như thế.

Vị luật sư cũng xin được hỏi cô Ngời, giáo viên đã có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy cho người khuyết tật. Bà cho biết tuy thần kinh bình thường nhưng những người khuyết tật câm điếc bị hạn chế nhiều về nhận thức. Từ đó, luật sư cho rằng hành vi của Cường chỉ phạm vào tội cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả nghiêm trọng) chứ không phải tội giết người.

Giờ nghị án, một phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, nước mắt lưng tròng cứ thập thò ngoài cửa phòng xử. Cô là vợ Cường. Mẹ Cường kể dù biết con trai bà đã từng xao lòng nhưng cô vẫn một lòng yêu thương, lo lắng cho chồng. Thấy vẻ đáng thương của người vợ trẻ, cảnh sát bảo vệ tư pháp đã phá lệ, cho phép cô được vào khu vực lưu phạm để gặp chồng. Hình ảnh đôi vợ chồng khuyết tật mừng mừng tủi tủi, vồn vã hỏi han nhau bằng điệu bộ khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi chạnh lòng.

Thời gian nghị án kéo dài thật lâu. Chắc hội đồng xét xử đã phải dành nhiều thời gian hơn thường lệ để bàn luận về tội danh, hình phạt dành cho bị cáo trong vụ án đặc biệt này. Thế nhưng, cuối cùng tòa vẫn tuyên phạt Cường 9 năm tù về tội “giết người”, dù nhận định bị cáo hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, nhân thân tốt, gia đình đã khắc phục hậu quả... Cường mấp máy môi, ánh mắt như rạn vỡ.

Phiên tòa kết thúc, người vợ nhỏ thó vạch đám đông, ú ớ lao nhanh đến chiếc xe tù để nhìn chồng. Nước mắt ngắn dài, cha mẹ Cường cũng dắt díu nhau tìm luật sư hỏi về thủ tục kháng cáo xin giảm án cho đứa con tội nghiệp. Họ mong lắm một bản án chung thẩm không nhiều dư vị đắng lòng...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.