Vượt qua một năm 2009 nhiều thách thức

25/12/2009 10:20 GMT+7

Vượt qua một năm 2009 nhiều thách thức, Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Cùng Lao Động nhìn lại những sự kiện kinh tế xã hội chính trong năm 2009 để có một cái nhìn tổng quát về một năm đã qua.

1. Việt Nam sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở lớn với thế giới thông qua kim ngạch xuất khẩu cũng như đóng góp của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong GDP. Thời điểm đầu năm 2009, đã có tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam chỉ tăng trưởng GDP 0,3% do khả năng sụt giảm xuất khẩu, thất nghiệp lan rộng, đầu tư sụt giảm, DN phá sản...

Tuy nhiên, bằng những quyết sách hợp lý và uyển chuyển, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn cho DN, nới lỏng tiền tệ, Việt Nam không những thoát khỏi khủng hoảng sớm, mà còn là một trong số ít nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP dương (5,2%). Dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp vẫn tiếp tục chảy vào và mới đây các quốc gia tài trợ vẫn cam kết mức vốn ODA cao nhất từ trước tới nay.

2. Gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục

 

 

Năm 2009, VN xuất khẩu (XK) được hơn 6 triệu tấn gạo, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, tăng hơn 33% so với năm 2007 (4,5 triệu tấn), tăng 30,4% so với năm 2008 (4,6 triệu tấn).

XK nhiều, nhưng nông dân làm ra hạt gạo chưa được hưởng lợi thích đáng. Theo Chủ  tịch Hội Nông dân VN - ông Nguyễn Quốc Cường - trong chuỗi giá trị làm nên hạt gạo, người nông dân làm trên 50% khối lượng công việc, giới kinh doanh gạo chỉ làm 10%, nhưng lại được hưởng tới 67% giá trị tăng thêm.

Căn cứ các yếu tố đầu vào có thể xác định giá thành khoảng 3.000đ/kg thóc. Để bảo đảm cho nông dân có lãi khoảng 30%, giá sàn xác định là 3.800 đồng/kg. Do nông dân không có điều kiện dự trữ, thu hoạch xong phải bán ngay nên đầu vụ còn bán được giá trên 3.000đ/kg, giữa vụ thu hoạch rộ giá chỉ khoảng 2.600-2.700đ/kg.

Do đó mục tiêu đẩy mạnh XK gạo, nhằm đảm bảo cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30% của Chính phủ chưa đến được tay nông dân trong năm 2009.

3. Cam kết ODA lần đầu tiên vượt ngưỡng 8 tỉ USD

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG-2009), cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam 8,063 tỉ USD vốn ODA trong năm tài khoá 2010. Đây là mức cam kết kỷ lục từ trước đến nay, đặc biệt trong bối cảnh kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận các nguồn vốn vay bị hạn chế.

Từ khi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động chương trình ODA cho Việt Nam tháng 11.1993 đến nay, đã có 22 tỉ USD được giải ngân trong tổng số 42,5 tỉ USD vốn cam kết, tính đến trước thời điểm diễn ra hội nghị CG lần này.

Trong nhiều năm trở lại đây, cam kết ODA cho Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới. Nếu như năm 2005 là 3,7 tỉ USD thì năm 2006 đã tăng lên hơn 4,4 tỉ USD; năm 2007 lên 5,426 tỉ USD và năm 2008 là 5,015 tỉ USD. Con số cam kết của năm 2009 này đã vượt xa mọi kỷ lục trước đó, chứng tỏ nền kinh tế VN được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và mức giải ngân được coi là có nhiều chuyển biến tích cực.

4. Thị trường tài chính, ngoại hối biến động mạnh

 
Chứng khoán biến động mạnh.

Năm 2009 là năm các kênh đầu tư này biến động thất thường chưa từng có do tác động của chính sách. Thị trường ngoại tệ gặp những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt các tháng cuối năm liên quan đến thâm hụt thương mại, sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Mặt khác, việc thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất vay bằng VND đã đã tạo ra tình trạng găm giữ ngoại tệ của DN khiến thời điểm cao nhất trên thị trường tự do lên tới 20.000VND/USD.

Ngày 25.11, NHNN đã quyết định tăng lãi suất cơ bản, tăng tỉ giá giao dịch VND/USD trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời Chính phủ yêu cầu các TCty, tập đoàn lớn bán ngoại tệ ra để bình ổn thị trường. TTCK Việt Nam năm 2009 đã trở lại vị thế là thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới với mức tăng 152,3% trong vòng 8 tháng đầu năm.

Hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ đã kích thích thị trường tài chính phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên khi NHNN bất ngờ thực hiện tăng lãi suất cơ bản, thị trường đã có phản ứng rất mạnh và giảm với tốc độ kỷ lục 30% trong chưa đầy 2 tháng. Hiện tại, TTCK Việt Nam được đánh giá là rẻ trong khu vực với triển vọng tăng trưởng GDP trên 6% vào năm 2010.

Năm 2009 cũng đã ghi nhận kỷ lục về giá vàng ở thời điểm cuối năm khi mức giá cao nhất ghi nhận được lên tới 29,3 triệu đồng/lượng vào ngày 11.11 cùng với động thái đổ xô đi mua vào của người dân dẫn tới tình trạng hỗn loạn trên thị trường vàng. NHNN đã phải tuyên bố cho phép các DN nhập khẩu vàng trở lại để bình ổn thị trường.

5. Một năm nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng của tin đồn

Năm 2009 là năm xuất hiện nhiều tin đồn chưa từng có liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ thị trường tới các chính sách điều hành. Gần đây nhất là tin đồn hết gạo khiến giá gạo trên thị trường tăng mạnh ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Các tin đồn liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ như tăng lãi suất cơ bản, tăng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc... đã tác động lớn đến thị trường tài chính, trong đó có TTCK.

Trước hiện tượng lan tràn tin đồn thất thiệt, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành công bố thông tin kịp thời theo các kênh chính thống.

6. Triển khai đồng loạt các dự án kích thích kinh tế

Năm 2009, Chính phủ triển khai hàng loạt các giải pháp kính thích kinh tế. Hơn 30 dự án mở các tuyến đường không, đường sông, đường sắt, đường biển và đường bộ... với nguồn vốn hàng tỉ USD đã được khởi công hoặc chuẩn bị đầu tư là một kỷ lục về đầu tư hạ tầng giao thông.

Đặc biệt, chủ trương xã hội hoá đầu tư hạ tầng được thể hiện bằng nhiều chính sách ưu đãi cụ thể, thu hút vốn từ DN và cá nhân đầu tư các dự án lên tới 10.000 tỉ đồng, bên cạnh nguồn vốn ngân sách 8.500 tỉ đồng và vốn trái phiếu chính phủ 13.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên Chính phủ ra hẳn một nghị quyết với nhiều chính ưu đãi để kích cầu thị trường nhà ở, tập trung vào các đối tượng người thu nhập thấp, học sinh - sinh viên, công nhân các KCX, KCN.

Theo đó, chủ đầu tư các dự án này được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án, được tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất gấp 1,5 lần so với quy định. Nhà đầu tư xây nhà giá thấp được hỗ trợ tín dụng đầu tư từ các nguồn: Vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định; vay từ quỹ phát triển nhà ở của địa phương và các nguồn vốn vay ưu đãi khác; được UBND cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay.

Dự kiến, với chính sách trên, đến năm 2015, khoảng 60% số sinh viên các cơ sở đào tạo và 50% số công nhân lao động tại các khu công nghiệp sẽ được đáp ứng chỗ ở.

7. Thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ

 
Thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ.


Bất chấp một năm đầy ảm đạm của nền kinh tế do suy giảm, thị trường bất động sản (BĐS) VN vẫn lên cơn sốt, đặc biệt là phân khúc nhà ở với mức thu nhập trung bình, tính thanh khoản cao.

Các nhà đầu tư nhận định, bất động sản chuyển động mạnh do thị trường chứng khoán đang chững lại. Mặt khác, làn sóng đầu tư nước ngoài vào những khu đất có vị trí đắc địa đã tạo nên cơn sốt, vì lượng cầu đột biến tăng mà nguồn cung vẫn như cũ.

Xu hướng tăng giá nhà đất có thể làm lợi cho thị trường ở khía cạnh kích cầu, giúp thị trường nóng lên. Tuy nhiên, về lâu dài, nó cũng mang lại tác động tiêu cực đối với thị trường khi người mua nhà hầu hết nhằm mục đích tích trữ và những người có nhu cầu thực sự không có cơ hội mua được nhà.

Năm qua, chính sách đánh thuế thu nhập đối với việc chuyển nhượng BĐS cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường. Theo các chuyên gia nhận định: Chu kỳ tăng giá của thị trường BĐS VN sẽ khởi đầu vào đầu năm tới và ổn định kể từ năm 2011 trở đi.

8. Hai cơn bão tàn phá nặng nề miền Trung Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

 
Bão lũ gây nhiều thiệt hại về người và của.

Bão số 9 (Ketsana) và 11 (Mirinae) với cường độ mạnh liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, kéo theo sau là những trận lũ lịch sử nhấn chìm nhiều tỉnh. Thiên tai liên tiếp đã làm chết và mất tích 298 người, gây thiệt hại về vật chất ước tính lên tới gần 20.000 tỉ đồng. Đây là thiệt hại nặng nề nhất do bão lũ gây ra trong vòng 1 thập kỷ  qua.

Sau những thiệt hại nặng nề do 2 cơn bão gây ra, dư luận bắt đầu đặt dấu hỏi về sự liên quan của hàng loạt những công trình thủy điện ở miền Trung với mức độ tàn phá ngày càng lớn của lũ lụt.

9. Tỉ lệ tăng dân số thấp nhất trong 50 năm qua

Năm 2009, Việt Nam đạt mức gia tăng dân số chỉ còn 1,2%, mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, VN đã chạm đến thời kỳ có tỉ lệ tăng dân số thấp nhất trong 50 năm qua. Tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng cao, đạt đến ngưỡng 73 tuổi.

Chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang dân số già hoá với mức sinh giảm và tử vong thấp, VN cũng chính thức bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Từ năm 1979 – 2008, tỉ lệ dân số phụ thuộc (gồm trẻ và dưới 15 tuổi và người già trên 60 tuổi) giảm từ 98,5% xuống còn 53%. Từ năm 2010, tỉ lệ này sẽ giảm xuống tiếp 50% và duy trì ở mức 46 – 48% trong vòng 30 năm tới.

Điều này nói lên rằng, với tỉ lệ dân số phụ thuộc thấp nhất từ trước đến nay, VN sẽ có lợi thế nhân khẩu học tốt nhất: Một lực lượng lao động đông đảo và dồi dào nhất. Nhưng đó cũng là thách thức lớn: Làm sao để sử dụng và phát huy được nguồn tài nguyên đó một cách hữu hiệu và năng suất nhất, để đó thực sự là nguồn lực chủ chốt cho sự phát triển của đất nước.

10. Thông qua Luật Giáo dục sửa đổi

 
Luật Giáo dục sửa đổi đã được thông qua.

Năm 2009, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Luật sửa đổi đã tập trung giải quyết được ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như: Quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; quy định chặt chẽ hơn việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; quy định về công khai tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục, thẩm quyền cho phép thành lập trường ĐH, quy định cụ thể về quản lý hoạt động đầu tư giáo dục có yếu tố nước ngoài, quản lý dịch vụ du học, chương trình giảng dạy...

Theo Nhóm phóng viên kinh tế - thời sự bình chọn /
Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.