“Đá… xế”

27/11/2011 16:24 GMT+7

Đó là từ lóng của những tên tội phạm chuyên bẻ khóa ăn cắp xe gắn máy mà thời gian “ra tay” chỉ trong nháy mắt. Khổ chủ chỉ cần lơ là một tí xíu, chiếc xe máy đắt tiền bị “đá” mất tăm.

Đó là từ lóng của những tên tội phạm chuyên bẻ khóa ăn cắp xe gắn máy mà thời gian “ra tay” chỉ trong nháy mắt. Khổ chủ chỉ cần lơ là một tí xíu, chiếc xe máy đắt tiền bị “đá” mất tăm.

Trộm cắp hoành hành nhất là vào thời điểm giáp Tết, do vậy tôi đã đi theo những trinh sát hình sự đặc nhiệm vào cuộc giăng lưới bắt bọn “đá xế” với nhiều “chiêu” mới lạ... !

Xế xịn hay bị... “nghía”

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng là hết năm, Tết đến, và đến hẹn lại… làm, ngành công an lại triển khai công tác tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm hoạt động mạnh vào dịp này.


Đây là “nữ tướng” cầm đầu băng nhóm chuyên trộm cắp tài sản vừa sa lưới. Ảnh: Phùng Bắc 

Trong kế hoạch tấn công, trấn áp các loại tội phạm “tháng củ mật”, thì loại tội phạm trộm cắp luôn được Ban giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, quan tâm chỉ đạo các lực lượng trong ngành tập trung đấu tranh xử lý, từ việc tuyên truyền đến từng hộ dân, đề cao cảnh giác nạn trộm cắp, bẻ khóa đột nhập vào nhà lấy tài sản, đến việc triển khai đồng bộ kế hoạch, phương án tấn công loại trộm cắp “đá xế” có chiều hướng diễn ra mạnh vào cuối năm.
 
Đại úy H, tổ trinh sát hình sự đặc nhiệm cho biết: “Để triệt phá bọn “đá xế” chuyên nghiệp, tổ trinh sát phải bỏ công sức rất nhiều. Từ việc theo dõi đối tượng, đến việc lập một vòng vây để đón lõng, bắt cho được tên trộm khi hắn vừa gây án cũng là cả một vấn đề cần sự kết hợp của nhiều đồng đội”.
 
Cũng theo đại úy H, loại xe gắn máy tay ga đắt tiền luôn là tầm ngắm của bọn trộm cắp, chủ xe chỉ cần lơ là, chểnh mảng, để xe nơi không người trông giữ, hoặc để xe ở vỉa hè để vào mua thứ gì đó trong cửa hàng, chỉ trong tích tắc là bọn “đá xế” ra tay mau lẹ, vù mất tăm trong dòng xe cộ nườm nượp ở TP.Hồ Chí Minh.
 
Trong nhiều vụ phá án mà đại úy H từng tham gia, có vụ triệt phá băng nhóm tội phạm do Hồ Văn Lùng (SN 1977) cầm đầu, mà Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an quận Bình Thạnh triệt phá gần đây. Đây là băng nhóm tội phạm khét tiếng, ban đầu chúng là băng trộm “đá xế” cực nhạy và chỉ chuyên nhắm vào những chiếc “xế” đắt tiền, tay ga.
 
Sau khi trộm cắp được những chiếc xe, chúng làm giấy tờ giả kèm theo những chiếc xe này đi cầm cố, bỏ luôn xe, hoặc lấy xe trộm cắp được, gắn biển số giả tổ chức đi cướp tài sản trên đường phố. Theo điều tra vụ án, băng cướp này đã gây án kinh hoàng tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nhưng bọn chúng đã sa lưới toàn bộ, với 19 tên.
 
Đại úy H nhớ lại quá trình tham gia trinh sát, theo dõi đối tượng băng nhóm của tên Lùng ròng rã nhiều tháng trời. Vào trước năm 2008, ba anh em Lùng, Tý và Hồ Văn Ten câu kết với nhiều đối tượng ngụ ở quận Bình Thạnh lập thành băng trộm, sau đó chúng chuyển thành băng cướp tài sản hoạt động dọc các tuyến sông, rạch trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
 
Do bị lực lượng phòng chống tội phạm đường thủy truy quét gắt gao, Lùng quyết định bán thuyền, đưa “quân” lên bộ gây án. Thủ đoạn của chúng là cho “quân” đi rảo khắp nơi, cứ thấy xe gắn máy loại đắt tiền để sơ hở là nhào vô “đá xế” trong nháy mắt. Sau khi “đá” được nhiều xe, một phần chúng mang đi cầm cố, còn lại chúng “trưng dụng” làm phương tiện đi cướp.
 
Ban ngày, băng nhóm này chuyên đi “đá xế”, đêm đến thì tập hợp tại nhà trọ của Lùng ở khu phố 2, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, sau đó sử dụng xe gắn máy tỏa đi khắp các tuyến đường và vươn ra các tỉnh miền Đông Nam Bộ gây án. Phát hiện người đi xe máy một mình vào ban đêm, chúng bám theo đến khu vực vắng vẻ, ép xe nạn nhân, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu nạn nhân để cướp tài sản.
 
Bằng thủ đoạn này, nhiều người đi đường cứ ngỡ chỉ là một vụ đánh nhau do va chạm xe, nhưng thực chất là gặp bọn cướp. Lùng cùng đồng bọn đã gây ra hàng trăm vụ trộm và hơn 40 vụ cướp, hiện bọn chúng đang chờ ngày ra tòa xét xử.
 
Dùng “chiêu” phá án!

Đối với loại “đá xế” lành nghề thì các trinh sát hình sự đặc nhiệm phải tự mày mò nghiên cứu ra “chiêu” để phá án. Thượng úy Thắng cho biết: “Nhanh và tốc độ, đó là hai biện pháp các trinh sát dùng để tóm được cả người lẫn tang vật. Do vậy, chúng tôi thường phải thiết lập một tổ, với nhiều anh em hỗ trợ lẫn nhau, khi tuần tra, trinh sát, thấy đối tượng khả nghi thì đeo bám, nhưng với những chiến thuật này vừa tốn sức vừa tốn nhiều thời gian và hay bị phát hiện.

 
Những chiếc xe tay ga đắt tiền là tang vật thu giữ của băng nhóm trộm. Ảnh: Phùng Bắc

Phá án ngay tại chỗ, bắt người và tang vật ngay sau khi hắn gây án mới là chiêu phá án… độc”. Đầu tiên phải dùng một chiếc xe gắn máy, loại “hút hàng” đối với bọn “đá xế”. Thông qua tay thợ lành nghề, chiếc xe được chế bộ điều khiển từ xa, khi tên trộm mở được khóa, phóng xe đi được vài mét, thì trinh sát ngồi bên kia đường chỉ cần nhấn nút, xe tắt máy, thế là tóm gọn quả tang.
 
Thêm một chiêu nữa, là chế kiểu khóa xăng, có nghĩa chiếc xe dựng đó, tên trộm xông vào bẻ khóa, nổ máy và cũng chạy được vài chục mét là hết xăng. Thế là tóm gọn cả người lẫn xe tang vật mang về đồn, có khi truy xét lần ra cả băng nhóm chuyên “đá xế”.
 
Tuy nhiên, theo các trinh sát, chiêu độc chỉ dùng vào những địa bàn quá phức tạp về nạn trộm cắp, bẻ khóa xe gắn máy, nhằm tìm cho ra những băng nhóm, những đối tượng chuyên “đá xế” có tay nghề cao. Trong một địa bàn tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, để tìm ra những tên ma lanh, trộm cắp trong nháy mắt này, thường thì công tác theo dõi rất vất vả và khó đạt hiệu quả bằng cách bủa lưới sẵn để chúng lọt vào rồi cất một mẻ vừa nhanh gọn vừa đầy đủ chứng cứ kết tội.
 
Bên cạnh việc bủa lưới, công tác tuần tra bí mật ngoài đường vẫn diễn ra thường xuyên để bắt nóng những tên trộm hoạt động theo dạng riêng lẻ, thấy chỗ nào sơ hở là ra tay chớp nhoáng. Do vậy, theo thượng úy Thắng, bên cạnh các cán bộ chiến sĩ chính quy, có một số đặc tình là những thanh niên tình nguyện, những “hiệp sĩ” đời thường, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng họ rất hăng say và có lòng dũng cảm cùng tham gia.
 
Bạn Nguyễn Hữu Khoa mà tôi gặp đi cùng tổ trinh sát hình sự đặc nhiệm bảo: “Em phụ giúp gia đình buôn bán kinh doanh, nhưng rảnh rỗi là tham gia với mấy anh hình sự đi phá án”. Để được “chấm” vào hàng ngũ đặc tình, Khoa cũng phải “tuyển” rất kỹ. tính cách, đạo đức, lòng dũng cảm, sự thật thà trong công việc... là những điều kiện mà anh em trinh sát “chọn” người giúp việc không công cho tổ làm nhiệm vụ.
 
Công việc của những “hiệp sĩ đường phố” này là đi theo tổ trinh sát khi truy đuổi đối tượng sau khi hắn bẻ khóa, “đá xế” bị phát hiện, lúc này phải có một người “phe ta” ở lại với nạn nhân để các trinh sát truy đuổi tên trộm. Khoa làm nhiệm vụ hướng dẫn khổ chủ đến công an phường trình báo vụ trộm, bởi không ít trường hợp nạn nhân bị mất xe, nhiều người tặc lưỡi “của đi thay người”, bỏ đi không cần khai báo.
 
Đến khi tên trộm bị bắt, thì Cơ quan CSĐT phải đi xác minh thân chủ chiếc xe bị mất, thậm chí chiếc xe qua tay nhiều đời chủ, quá trình truy tố tên trộm kéo dài thời gian và tốn rất nhiều công sức của cơ quan tiến hành tố tụng.
 
Nếu không được “phân công” ở lại với khổ chủ, Khoa đi theo tổ trinh sát truy đuổi tên trộm, đến khi bắt được hắn, Khoa chính là người tham gia hỗ trợ bắt đối tượng nếu tên trộm không chống trả bằng hung khí, còn gặp những tên trộm hung hãn, thủ theo dao, lê, mã tấu… thậm chí cả súng, thì Khoa được lệnh lùi lại tuyến sau, giữ hiện trường, trông giữ những chiếc xe của chính các trinh sát đang lao vào bắt đối tượng và cả chiếc xe mà tên trộm vừa “đá” xong.
 
Bởi không ít băng trộm, khi gây án, chúng có nhiều đồng bọn, từ cản đường truy đuổi của công an cho đến cướp xe tang vật, thậm chí “đá” luôn xe của trinh sát hình sự khi đang bận việc. Đó là vài “chiêu” trong nghề, mà các trinh sát cũng như các “hiệp sĩ đường phố” kể lại.
 
Điều đáng quan tâm là những “hiệp sĩ đặc tình” không công này luôn gắn kết với lực lượng công an tham gia phá án, chống những tên “đá xế” ngày càng tinh vi và hoạt động mạnh vào dịp cuối năm.

Theo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội-PC45 Công an TP.Hồ Chí Minh, vào dịp cuối năm, có nhiều hoạt động lễ hội, ở khu vui chơi giải trí, các trung tâm thương mại, các chợ tập trung nhiều người nên thường xảy ra bọn trộm trà trộn móc túi, trộm cắp tài sản. Bên cạnh đó, nhiều băng nhóm hoạt động bẻ khóa, đột nhập vào nhà dân, trụ sở làm việc, Cty để trộm cắp tài sản.

Còn ngoài đường phố, do lưu lượng xe đông đúc tăng đột biến, bọn trộm cắp cũng dùng những thủ đoạn như dàn cảnh va quệt xe và lợi dụng sơ hở của nạn nhân để cướp giật, móc túi... do vậy người dân cần đề cao cảnh giác, cẩn thận bảo vệ tài sản của mình. PC45 trong dịp này sẽ tăng cường trinh sát cùng công an các quận (huyện) theo dõi, nắm bắt tình hình để nhanh chóng triệt phá những băng nhóm trộm cắp, móc túi và đấu tranh ngăn ngừa loại tội phạm này.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.