Dubai

17/12/2005 16:55 GMT+7

Đối với hành khách của hãng hàng không Việt Nam đi Paris hoặc ngược lại, nhiều người đã từng ghé đến các chợ, siêu thị ở Dubai để mua hàng hóa bốn phương tụ họp lại với giá miễn thuế, rất rẻ, đủ chủng loại. Vậy Dubai là vùng đất nào, xuất phát điểm phát triển của nó như thế nào mà nay trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất nổi tiếng đến thế?

Dubai nằm trong Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, dân số chưa đến 1 triệu; đất sa mạc chỉ có cây chà là là mọc được, còn nước uống và sinh hoạt phải lọc từ nước biển. Cách nay trên 30 năm, người dân ở vùng đất này chỉ sống bằng nghề "mò cua, bắt ốc" dưới lòng biển.

Động lực nào và bắt đầu từ đâu mà xứ sở này có GDP đầu người lên đến 19.000 USD/năm? Và sau khi có quyết định cách đây 5 tháng của Tổng thống Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất chỉ 3 ngày sau đó Thủ tướng ban hành một nghị định cấp 40.000 USD cho những người dân chưa có nhà ở.

Diện tích là 83.600 km2, dân số trên 2 triệu người, thủ đô Abu Dhabi có 1 triệu dân, còn Dubai có 80 vạn dân. Chỉ có 3 khu chế xuất, thấp hơn rất nhiều so với các khu chế xuất ở Việt Nam. Nhưng chỉ trong vòng 8 năm qua đã có 1.300 công ty nước ngoài đầu tư vào các khu chế xuất; có đến 92 văn phòng đại diện hàng không nước ngoài đặt tại Dubai. Tổng sản phẩm quốc dân đạt tới 45 tỉ USD.

Cái gì đã khiến họ đạt được những thành tựu ghê gớm như thế? Anh Nguyễn Chấn - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Dubai - nói: "Họ bắt đầu từ chính sách, vì họ biết rằng chẳng có tài nguyên gì mà dầu lửa tập trung ở một vùng xa Dubai". Cho dù hiện nay họ thu được 100 triệu tấn dầu/năm, nhưng chỉ đạt 35% tổng sản phẩm quốc dân của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và chiếm 20% GDP của Dubai. Họ hiểu rằng, nguồn thu từ dầu lửa sẽ không ổn định bởi giá cả thường dao động và bấp bênh. Hiện nay, họ phát triển cảng biển tự do và hàng hóa vào Dubai gần như được miễn rất nhiều khoản thuế, cho nên khi không sản xuất vàng nhưng Dubai có một chợ vàng và kim cương mà tôi cho là lớn hơn cả Nam Phi, nơi chủ yếu sản xuất ra vàng và kim cương mà tôi đã có lần tới. Các hãng sản xuất hàng tiêu dùng từ giày Reebok, nước hoa Lancôme đến hàng hóa tiêu dùng cao cấp nhất trên thế giới - từ Pháp, Ý, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... - đều có mặt ở thị trường Dubai. Điều đó đã hấp dẫn mọi khách du lịch, cho dù hiện nay trên sa mạc mênh mông này, nhiệt độ lên tới 46 độ C - họ đã mở du lịch lán trại ra tận giữa những vùng sa mạc.

Các nhà doanh nghiệp Việt Nam đã từng đưa hàng sang đây triển lãm và bán. Hôm ở Dubai, các nhà doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm nghe đâu đã chào thêm được khoảng 2.000 tấn gạo và mì ăn liền cho siêu thị Tchoithram. Và Thương vụ VN ở đây đã tổ chức hai công ty Ả Rập về Việt Nam tìm hiểu thị trường qua Công ty phát triển ngoại thương của TP.HCM. Nghe nói họ trở về với lòng đầy hứng thú nhưng chưa biết các bước tiếp theo thế nào.

Kinh nghiệm của Dubai cho chúng ta thấy, mỗi lần họ sửa đổi luật đầu tư hoặc các luật lệ liên quan đến phát triển kinh tế thì sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, chứ không làm đầu tư có cảm giác bị "bó" lại và đặt dấu hỏi. Có nghĩa là chính sách của họ rất thông thoáng và càng ngày càng theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện dễ dàng cho bất cứ ai muốn vào làm ăn. Chính sách thông thoáng, ổn định và hạ tầng cơ sở của họ phải nói là tuyệt hảo. Các khu phố được quy hoạch trên sa mạc nhìn như những thành phố ở tiểu bang California của Mỹ.

Cách đây mấy năm chỉ có vài công ty Việt Nam vào Dubai tìm hiểu thị trường. Nhưng từ 1998 đến nay có tới 60 công ty vào đây tìm đối tác làm ăn. Hiện nay, thép của Việt Nam dư thừa, nhưng Dubai, thông qua Thương vụ VN đặt mua 670.000 tấn thép xây dựng vẫn chưa thấy Tổng công ty thép Việt Nam trả lời. Gạch men của Đồng Tâm cũng được thị trường này chiếu cố. Cả vùng Trung Đông và Bắc Phi có đến non triệu dân mà Dubai mà cửa ngõ đang chờ sự có mặt của hàng hóa VN và các doanh gia VN.

Dubai còn là một thị trường lớn về nhập khẩu lao động: hiện nay có 1,2 triệu người lao động Ấn Độ, Pakistan có 40 vạn, Bangladesh 120.000, Trung Quốc 600, Việt Nam mới chỉ có mặt chừng 300 người. Mỗi ngày, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Dubai chỉ mới cấp 1 visa du lịch sang VN.

Khác với Ai Cập là các nguồn thu phần lớn đều được cha ông để lại: nguồn thu du lịch 3,9 tỉ USD chủ yếu từ 2 kỳ quan là Kim tự tháp, ngọn hải đăng Alexandria và nguồn thu từ kênh đào Suez, kể cả 1,8 tỉ thu từ dầu lửa cũng là sự thừa hưởng của quá khứ. Nền kinh tế Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất thì ngược lại được sống và thu hút sự giàu có của thế giới hiện đại, có nghịch lý là bắt đầu từ một nơi không có tài nguyên sẵn, chỉ có nắng, cát sa mạc và biển - có chăng chỉ là dầu lửa nhưng dầu lại chiếm tỷ trọng không cao trong nền kinh tế chung.

Kết quả đó thật sự chỉ bắt đầu từ các chính sách và chủ trương của chính quyền nhằm thu hút các nguồn lực từ bên trong cũng như bên ngoài.

Dubai ngày 6/7/1999
TP.HCM, ngày 16/7/1999

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 17/7/1999)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.