Hai nỗi lo của xuất khẩu VN

13/12/2005 22:57 GMT+7

11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước đạt trên 29,1 tỉ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn không thể giúp cơ quan quản lý và các doanh nghiệp (DN) nhẹ đi những nỗi lo.

Nỗi lo bị kiện bán phá giá

Trong 11 tháng qua, ngành giày dép đạt kim ngạch XK 2,63 tỉ USD, bằng 85% kế hoạch năm và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành được dự đoán có thể không đạt kế hoạch XK đã đề ra. Nguyên nhân lớn nhất là những ảnh hưởng từ vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da tại châu u (EU) dù vụ kiện này chưa có kết quả chính thức. EU là thị trường truyền thống, chiếm gần 70% tổng kim ngạch XK da giày Việt Nam. Ảnh hưởng của vụ kiện này đang lan rộng trong khi các DN lại chưa có sự chuẩn bị để có thể chuyển hướng XK vào những thị trường khác. Vì vậy, năm 2006 sẽ là một năm nhiều khó khăn hơn cho ngành da giày Việt Nam. Một ngành hàng khác cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của vụ kiện chống bán phá giá là xe đạp và phụ tùng. Đến hết tháng 11, kim ngạch XK của ngành hàng này chỉ đạt 44,5% kế hoạch năm với 129 triệu USD.

Chưa phải lâm vào một vụ kiện như ngành da giày nhưng nhiều DN gỗ vẫn lo về khả năng xảy ra một vụ kiện tương tự tại thị trường Mỹ. Tính đến thời điểm hiện nay, ngành gỗ VN đã XK đạt 1,34 tỉ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước và sẽ đạt được kế hoạch của cả năm nay 1,5 tỉ USD (tăng 50% so với năm 2004). Mỹ đang là thị trường chính của Việt Nam với 54% sản lượng hàng XK vào thị trường này. Ước tính cả năm 2005, kim ngạch XK của ngành gỗ vào thị trường này đạt khoảng 550 triệu USD, chiếm gần 2% lượng nhập khẩu sản phẩm gỗ của nước này. Với tốc độ tăng trưởng "nóng" đó, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng đồ gỗ sẽ bị Mỹ xem xét để đưa ra một vụ kiện chống bán phá giá. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội chế biến gỗ và mỹ nghệ TP.HCM (Hawa) cho rằng các DN phải hết sức quan tâm đến vấn đề này: "Chúng ta nên coi việc kiện bán phá giá là một nghiệp vụ cần tìm hiểu thường xuyên, kỹ càng hơn".

Bấp bênh nguyên liệu

Với mức khai thác được phép từ 200.000-300.000 m3/năm, nguồn gỗ trong nước hiện chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu nguyên liệu của cả ngành chế biến gỗ XK. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu bấp bênh, nhiều DN nhỏ phải mua lại nguyên liệu từ các nhà nhập khẩu trung gian khiến giá nguyên liệu tăng thêm 7-8%. Nguồn nguyên liệu của ngành da giày và ngành nhựa Việt Nam cũng hoàn toàn nhập từ nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu nhựa liên tục tăng khiến các DN nhựa gặp rất nhiều khó khăn. Nếu giá nhập khẩu trung bình của hạt nhựa PEHD là 0,5-0,6 USD/kg ở cùng thời điểm năm trước thì đến nay đã tăng lên 1,1 USD/kg, thậm chí có lúc lên gần 1,3 USD/kg. Trong tình hình đó, ông Phan Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Sài Gòn cho rằng chỉ có việc cắt giảm mạnh chi phí và lợi nhuận thì mới mong cạnh tranh được với sản phẩm của các nước khác.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.