Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất: Giao cho cơ quan độc lập soạn thảo luật

16/12/2009 01:05 GMT+7

Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan đã có nhiều cố gắng để đảm bảo việc ban hành văn bản quy định chi tiết đúng thời hạn.

Đó là đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại cuộc họp công bố kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chiều qua 15.12.

Từ 60% số văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành vào thời điểm giữa năm 2006 đã giảm xuống còn khoảng 10% vào cuối năm 2007. Theo thống kê của đoàn giám sát, trong 63 luật, 18 pháp lệnh, 1 nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực thi hành, có 704 nội dung cần được quy định chi tiết, các cơ quan được giao chỉ mới quy định chi tiết được 437 nội dung, còn 274 nội dung chưa được quy định chi tiết.

Để khắc phục những tồn tại trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Pháp luật đưa ra 7 kiến nghị, trong đó nhấn mạnh: “Phải kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những quy định trái luật, pháp lệnh. Nghiên cứu xây dựng cơ chế soạn thảo dự án luật, pháp lệnh theo hướng giao cho một cơ quan độc lập chuyên trách “gác cổng” cho Chính phủ, cho Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, không giao cho các bộ, ngành như hiện nay”. Việc giao cho một cơ quan độc lập soạn thảo luật sẽ khắc phục được tình trạng bảo vệ quan điểm để đưa những lợi ích cục bộ của ngành vào luật, ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng luật.

Ở nước ta mà để tòa án giải thích luật thì tôi sợ lắm, tôi cực kỳ sợ

Ủy viên Ủy ban TVQH Trần Thế Vượng

Về kiến nghị này, Phó chánh án TAND tối cao Trần Văn Tú nhận xét: “Giao cho một cơ quan chuyên trách để xây dựng luật trong tương lai thì phù hợp còn hiện nay thì tính khả thi chưa cao”. Theo ông Tú, việc xây dựng luật vẫn nên giao cho các bộ, ngành chủ trì nhưng cần thay đổi cơ chế thẩm định. “Thay vì giao cho các ủy ban chuyên ngành thì nên giao cho Ủy ban Pháp luật thực hiện việc thẩm định dự án luật. Còn phản biện thì thống nhất giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phản biện tất cả các luật”, Phó chánh án Trần Văn Tú góp ý. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu ý kiến: “Mặt trận Tổ quốc phản ánh tâm tư của quần chúng nhân dân thì đúng rồi nhưng phản biện luật pháp và cơ chế chính sách thì phải có cả các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, phải phát huy cả kênh đó để thẩm định luật”.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nếu chúng ta còn giữ quan điểm luật phải quy định tất cả những gì chi tiết nhất để khi có hiệu lực là đi vào cuộc sống ngay thì rất khó, không nhà làm luật nào có thể đáp ứng được. Bộ trưởng Cường cho biết: “Những cái gì cụ thể, những cái gì đáp ứng cho cuộc sống, đấy là vai trò của tòa án”. Người đứng đầu ngành tư pháp đề nghị giao cho TAND tối cao chịu trách nhiệm giải thích văn bản luật pháp. Nhưng từ thực tế đã chứng kiến, Ủy viên Ủy ban TVQH Trần Thế Vượng lại bày tỏ: “Ở nước ta mà để tòa án giải thích luật thì tôi sợ lắm, tôi cực kỳ sợ”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.