Ngẫm chuyện điện Phú Quốc

19/01/2014 02:10 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử, điện lưới đã ra đến Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất trong số các đảo của Việt Nam, nơi mà mỗi khi nhắc đến người ta hay so sánh nó với quốc gia phú cường Singapore về diện tích.

Đảo chỉ cách đất liền hơn 50 cây số, một quãng đường không đến nỗi dài lắm nhưng để Phú Quốc sáng bừng ánh điện từ lưới điện quốc gia hôm nay, cư dân trên đảo đã phải chờ đợi suốt mấy chục năm. Kể cũng hơi lâu.

Đã có thời, “điện đường trường trạm” là mục đích, phương tiện lẫn tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển của những vùng nông thôn nghèo, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Trong “tứ quý” ấy, điện được coi là điều kiện tiên quyết, mở đường cho những giá trị tiếp theo. Về cơ bản, suốt mấy chục năm qua, ánh sáng điện đã xua đi bao tăm tối đói nghèo trên nhiều vùng đất nước, thúc đẩy sự phát triển, đem lại cho người dân cuộc sống mới cả về kinh tế, xã hội lẫn văn hóa, tinh thần. Chỉ tiếc rằng, do điều kiện địa lý cách trở, nhiều hòn đảo có tầm quan trọng chiến lược về an ninh quốc phòng, kinh tế vẫn nằm ngoài vùng phủ điện, vẫn đói điện, thiếu điện triền miên năm này qua năm khác. Phú Quốc cũng vậy, dù đầy tiềm năng để xứng với cái tên của nó nhưng cũng không thoát khỏi vòng kim cô ấy, tình trạng đầu tư phát triển ở đảo nhiều năm dài chịu cảnh chợ chiều.

Chính vì vậy, tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, nối Hà Tiên đất liền tới đảo Phú Quốc có thể xem như một kỳ công. Công trình trị giá hơn 2.300 tỉ đồng này chính thức triển khai ngày 5.12.2013, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đường cáp ngầm đã liền mạch, dòng điện lưới đã nối đôi bờ, chắc chắn người dân và các cơ quan, công sở, nhà máy, xí nghiệp trên đảo sẽ đón Tết Nguyên đán 2014 tràn đầy ánh sáng mà không ngại lo chuyện cắt điện theo giờ quy định như nhiều năm qua. Và không chỉ dịp tết, mãi về sau, điện không còn là nỗi thắc thỏm thường trực của người dân Phú Quốc.

Vui thì vui thật nhưng ngẫm kỹ có chút lăn tăn. Một hòn đảo rộng gần bằng cả quốc gia bạn, sau suốt bao nhiêu năm dài kể từ ngày thống nhất đất nước, mới được dùng điện lưới, là quá chậm. Cứ ca ngợi nào đảo ngọc, thiên đường du lịch, chất chứa tiềm năng… vậy mà sự quan tâm lại cực kỳ đủng đỉnh. Cả nước điện khí hóa khẩn trương nhưng đảo ngọc vẫn phải nuôi mơ ước điện lưới từng giờ. Đành rằng việc cấp điện cho hòn đảo cách đất liền hơn 50 cây số không đơn giản, còn phải lập dự án, tìm nguồn vốn, kiếm nhà đầu tư, nhà cung cấp thiết bị… nhưng rõ ràng tình trạng ngâm lâu như thế chứng tỏ nhiều cấp chưa có hành động quyết liệt để mau chóng phát triển đời sống kinh tế - xã hội hòn đảo cực kỳ quan trọng này, mà khởi đầu từ điện.

Vốn đầu tư 2.300 tỉ đồng không phải nhỏ nhưng nếu so sánh với những vụ tham nhũng, thất thoát vài nghìn tỉ nhan nhản vừa qua thì rất đáng để ta suy nghĩ về chiến lược đầu tư cho biển đảo. Việc nhà thầu thi công là Công ty Prysmian Powerlink SRL (Ý) triển khai chỉ trong hơn 1 tháng đã kéo xong cáp, hoàn thành vượt mức đến 6 tháng cũng chứng minh vấn đề kỹ thuật không phải là trở ngại ghê gớm đến mức phải bó tay. Điều gây cản trở, sức ì khiến Phú Quốc thiếu điện suốt mấy chục năm, lỡ bao nhiêu cơ hội, cần phải có sự đánh giá, xem xét nghiêm túc. Vì sao? Vì không chỉ có Phú Quốc, còn rất nhiều vùng đất, hải đảo, biên cương đã và đang trong tình trạng ấy.

Rút ra từ bài học Phú Quốc, điều đó chả đáng suy ngẫm sao.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.