Người Việt ở Campuchia luôn hướng về đất nước

29/12/2006 10:20 GMT+7

Với sự giúp đỡ tình nghĩa của các địa phương trong nước, hoạt động văn hóa tinh thần cho bà con Việt kiều ở Campuchia ngày càng được nâng lên. Cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Campuchia đang có những nỗ lực để làm cầu nối cho các doanh nghiệp hai bên và giới thiệu hình ảnh Việt Nam.

Vượt lên mọi khó khăn để học tiếng mẹ đẻ…

Sau đây là bài phỏng vấn ông Nguyễn Chiến Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia.

* Đại sứ có thể cho biết vài nét khái quát về cộng đồng Việt ở Campuchia?

- Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng: Người Việt ở Campuchia cũng có đặc điểm chung như bất cứ cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài nào: Tình yêu quê hương đất nước, lòng chung thuỷ hướng về quê hương, mong muốn đóng góp cho đất nước; sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng. Bà con Việt ở Campuchia phần đông là nghèo.

Nhờ có việc thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bà con Việt kiều ở Campuchia đã được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành… Đặc biệt, Quỹ Hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài đã cử cán bộ sang Campuchia nghiên cứu, khảo sát, giúp xây dựng đề án  trường học, lớp học. Ở Phnom Penh hiện Quỹ đang giúp xây dựng một ngôi trường có tên là Trường Tân Tiến. Ở Battambang, Xihanucvin, Congpong Xom cũng đang có những đề án được xây dựng và  sắp tới đi vào những nhiệm vụ cụ thể.

Cần nói thêm rằng, ở Campuchia, bà con rất tha thiết học tiếng Việt. Địa bàn thì gần Việt Nam, thế mà có rất nhiều người trẻ không nói được tiếng Việt. Bà con phần đông nghèo, ở rải rác các nơi, một bộ phận làm nghề sông nước lênh đênh. Đi học thì phải đóng học phí; mà phần đóng góp này cũng cao đối với họ, nên số trẻ em không được đến trường cũng tương đối nhiều… Điều trăn trở của chúng tôi là: làm thế nào để giúp người ta học?

Thế rồi, trong điều kiện nắng nôi, trong lớp học thô sơ đến mức không thể hình dung nổi, các em các cháu, thậm chí cả người lớn tuổi, vẫn đến lớp. Họ học trong những điều kiện khó khăn như thế, trong cuộc sống riêng mưu sinh vất vả. Tôi nghĩ rằng, nếu nói tới hình ảnh của người Việt xa quê vượt lên tất cả mọi khó khăn để học tiếng Việt- thì hình ảnh ấy nổi bật ở Campuchia…


* Sắp tới chúng ta sẽ đón Tết Nguyên đán 2007. Tại Campuchia, bà con Việt thường có những hoạt động gì trong dịp này, thưa ông?

- Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng: Tết Nguyên đán hàng năm, bà con người Việt mình đều tổ chức rất vui, đông người tham gia. Bà con đi chúc Tết nhau, Sứ quán cũng đi chúc Tết và tặng quà mừng tuổi cho bà con.

Cộng đồng cũng có đội văn nghệ biểu diễn mừng xuân. Riêng Tết năm ngoái thì Sứ quán có mời Đội văn nghệ của tỉnh Đồng Tháp sang, đoàn do chính ông Chủ tịch tỉnh dẫn đầu. Đội văn nghệ Đồng Tháp sang biểu diễn từ chiều 29 Tết, đến trưa 30 tết thì về Việt Nam; và hoàn toàn phục vụ bà con, chứ không hề đòi hỏi một chi phí nhỏ nào. Đó là ân nghĩa, là sự động viên to lớn vô cùng làm cho chúng tôi, cho bà con Việt mình cảm động quá.

Tết năm nay, tỉnh Bình Phước đã hứa là sang với chúng tôi, góp vui với bà con rồi. Có thể sang năm, Pleiku cũng sẽ cử đội cồng chiêng sang biểu diễn. Với sự giúp đỡ tình nghĩa của các địa phương trong nước, hoạt động văn hóa tinh thần cho bà con Việt kiều ngày càng được nâng lên…

Quảng bá hình ảnh Việt Nam và xúc tiến thương mại…

* Thưa ông, một trong những nhiệm vụ của Ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài là xúc tiến thương mại, đầu tư… Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia đã thực hiện công tác này ra sao?

- Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng: Thời gian vừa qua, các hoạt động kinh tế, thương mại của Việt Nam tại Campuchia được thúc đẩy rất nhiều. Hàng năm có  triển lãm- hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Buôn bán qua lại giữa hai bên rất nhộn nhịp. Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia cũng nhiều.

Thời gian qua, Thương vụ Đại sứ quán đã thể hiện trách nhiệm của mình trong sứ mệnh ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Hằng năm chúng tôi tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Sứ quán với các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn ở Campuchia, kể cả doanh nghiệp từ trong nước sang hay doanh nghiệp Việt kiều; để trao đổi với nhau, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển. Cán bộ sứ quán đã đi khảo sát vùng đông bắc Campuchia (là vùng núi giáp với Việt Nam ở Kon Tum, Đăk Lắk, Bình Phước)... đi như vậy để ý thức được Sứ quán có thể đóng góp cái gì để thúc đẩy quan hệ hai bên. Nhờ đó chúng tôi đã tham gia thúc đẩy quan hệ làm ăn giữa Bình Phước với mấy tỉnh Đông Bắc Campuchia, nay họ đã thành lập Hiệp hội doanh nghiệp và trao đổi các đoàn qua lại. Sắp tới Bình Phước và các tỉnh bên Campuchia sẽ ký kết về hợp tác trồng cây cao su, cây điều. Sứ quán cũng tham gia phát triển du lịch, như hiện nay đang có hoạt động xúc tiến du lịch từ tỉnh Kiên Giang qua tỉnh Campot, rồi tiếp tục không chỉ dừng ở Campot, Congpong Xom mà còn sang cả Thái Lan. Đây là tuyến du lịch rất thuận tiện, rất đẹp sau này.

Chúng tôi đang biên soạn tập tài liệu nhỏ giới thiệu về Campuchia: hoàn cảnh địa lý, lịch sử, kinh tế, thương mại; giới thiệu về các luật đầu tư, phong tục tập quán… bằng tiếng Việt, để người nào muốn qua làm ăn có thể đọc để tìm hiểu, được cung cấp các địa chỉ cụ thể, rõ ràng để liên hệ.

Về hợp tác thương mại - kinh tế, tiềm năng hai bên còn rất lớn mà chưa khai thác hết: ví dụ hợp tác về kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp; trồng cây cao su (mới đây có đoàn Tổng công ty cao su sang khảo sát và bước đầu có thoả thuận sẽ có một số công ty cao su sang nước bạn trồng 100.000 hecta); rồi hợp tác về du lịch... Quyết tâm của lãnh đạo hai bên là muốn hợp tác kinh tế hiệu quả.

Năm 2007, chúng tôi cũng sẽ tập trung vào vấn đề chính: góp phần đẩy mạnh xúc tiến liên kết kinh tế thương mại. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi chúng tôi phải suy  nghĩ rất nhiều. Cần làm sao đẩy mạnh thực hiện tốt những thoả thuận 2 bên đã ký kết với nhau, làm sao để các nhà đầu tư Việt Nam sang bên đó tìm thị trường thuận lợi, có nhiều ký kết với phía bạn. Trên cơ sở ấy chúng ta có thể hy vọng kim ngạch thương mại hai chiều sẽ không chỉ đạt 1 tỷ USD vào năm 2010 mà có thể là 1,5 tỷ hoặc 2 tỷ USD (con số này hiện nay là 700 triệu USD).

Năm 1998, khi hai nước ký lại Hiệp định Thương mại, kim ngạch thương mại mới chỉ đạt 117 triệu USD. Nhưng tới năm 2005 con số này đã là 693 triệu USD.  

* Còn về công tác quảng bá giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài?

Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng: Trong năm vừa qua, Sứ quán phối hợp với Bộ Văn hóa thông tin của Việt nam và Bộ Văn hóa nước bạn tổ chức Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Campuchia. Đến khi bắt tay vào tổ chức chúng tôi mới “té ngửa” là lần đầu tiên có hoạt động như thế. Mừng, vì đã tổ chức được. Nhưng không vui vì việc này lẽ ra phải làm từ lâu rồi. Phía bạn hưởng ứng rất đông. Chúng ta có các đoàn nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn: xiếc, văn nghệ, múa hát, ca cải lương, triển lãm ảnh, chiếu phim (chúng ta mang sang 2 bộ phim rất hay là Đời Cát và Chuyện của Pao). Hoạt động vui lắm, đặc biệt đối với bà con mình, hội trường chật cứng với 700 người, nhiều bà con đã khóc khi nghe ca vọng cổ… Các kỳ triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao đã giúp giới thiệu hình ảnh Việt Nam với nước bạn. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác này.

* Xin cảm ơn Đại sứ!

Theo Hoa Hà/ VOV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.