Cách né đồng nghiệp “khó chơi”

18/12/2009 14:57 GMT+7

(TNTS) 8 tiếng nơi công sở mỗi ngày biến nơi đây thành “gia đình thứ hai” của nhiều người. Tuy nhiên, khác với gia đình riêng, trong “đại gia đình” này, bạn phải hợp tác làm việc, giao tiếp với đủ mọi kiểu người, trong đó có cả những người bạn không thích.

Dưới đây là 5 kiểu đồng nghiệp được xếp vào danh sách “khó chơi” và lời khuyên giúp bạn hòa hợp được với những đối tượng này.

Người huyên thuyên

Người huyên thuyên lắm lời thường là dễ chơi. Họ thân thiện, luôn có khuynh hướng chia sẻ mọi suy nghĩ với bạn và không có ý làm hại đến ai. Tuy nhiên, kiểu nói chuyện huyên thuyên không ngớt của họ lại khiến bạn mất thời gian, không thể tập trung vào công việc. Để đối phó với những người này, bạn đừng chỉ trích họ, mà hãy tự khiêm tốn nói rằng bạn đang rất bận, bạn không thể tập trung vào câu chuyện của họ. Sau đó, hãy dành thời gian nói chuyện với họ ở giờ cơm trưa mỗi tuần một lần. Điều này sẽ giúp bạn vẫn giữ được mối quan hệ tốt với những người thích nói chuyện và không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của mình.

Kẻ ngồi lê đôi mách

Những người ngồi lê đôi mách dường như biết tất cả mọi chuyện trong công sở, và muốn chia sẻ những bí mật ấy với tất cả mọi người. Bạn có nên nghe chuyện từ những người này? Vâng, câu trả lời là hãy nghe họ nói gì, vì có thể bạn sẽ nghe được những thông tin mới nhất. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ câu chuyện của những kẻ ngồi lê đôi mách thường lập lờ giữa đúng và sai. Vì vậy, bạn luôn phải giữ thái độ nghi ngờ để kiểm chứng sau khi nghe họ nói chuyện. Nên giữ im lặng khi nghe những người này kể chuyện nếu không, bạn cũng sẽ trở thành kẻ ngồi lê đôi mách trong mắt người khác. Nếu người đồng nghiệp kể cho bạn nghe những chuyện thuộc chủ đề “bí mật riêng tư” của người thứ ba, hãy thể hiện thái độ bạn không muốn tìm hiểu chuyện “sau cánh gà” của người khác bằng cách khéo léo đổi đề tài.

Người ưa phàn nàn

Trong mỗi nhóm luôn luôn có một người chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc. Người này luôn có chủ đề để phàn nàn: sức khỏe cá nhân, gia đình riêng, sếp, công việc, công ty… Tất nhiên, những điều họ phàn nàn cũng có lý. Nhưng vấn đề của người đồng nghiệp ưa phàn nàn là họ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và lo lắng. Thường thì những người này chỉ muốn nói cho thỏa lòng chứ họ chẳng mong nhận được lời khuyên từ ai cả. Vì vậy, bạn đừng mất thời gian khuyên nhủ họ. Thái độ đúng nhất của bạn với họ là đổi ngay đề tài khi họ vừa mở miệngá. Đừng bày tỏ sự thông cảm kẻo bạn sẽ chìm vào một thế giới tăm tối do chính người bi quan, ưa phàn nàn tưởng tượng ra.

Người thích ỷ lại

Trong mỗi nhóm làm việc có người rất thích nhờ người khác làm hộ mình. Khi người thích ỷ lại nhờ vả bạn giúp đỡ trong công việc, nếu bạn có thời gian, bạn có thể ra tay giúp họ (hoặc vì những lý do cá nhân như: có cảm tình riêng, thích, thương…). Tuy nhiên, tốt nhất là bạn không nên gánh việc giùm họ, vì họ sẽ nhanh chóng đổ một núi công việc lên đầu bạn. Hãy thẳng thắn từ chối và nói rõ rằng họ nên tự làm công việc của mình.

Kẻ hám công lao

Người hám công lao, danh tiếng luôn lờ đi những đồng nghiệp khác khi nhận lời khen về công việc hoàn thành. Mọi người thường lý giải rằng đó chỉ là lỗi nhỏ, rằng khi thành công, họ quên đề cập đến những đồng nghiệp khác đã hỗ trợ mình. Tuy nhiên, khi làm việc với người này, cách tốt nhất là bạn nên thẳng thắn nói rõ rằng bạn muốn tất cả mọi người biết bạn có tham gia vào công việc này. Nếu kẻ hám công lao vẫn lờ đi, tự bạn phải “đòi lại công lý”. Đừng ngại ngần, hãy tự mình nói cho sếp biết rằng bạn có tham gia những phần nào trong công việc này. Trừ khi công việc bắt buộc, còn lại, bạn nên từ chối hợp tác với loại người này vì họ chẳng bao giờ biết nghĩ đến đồng đội khác đâu.

Phương Di
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.