L'Espace có tự "cắt tay" mình?

14/12/2005 22:27 GMT+7

Đào tạo tiếng Pháp có thể ví như một phương tiện đắc lực làm nên uy tín của L'Espace trong đời sống văn hóa giáo dục Việt Nam, tuy nhiên mới đây các giáo viên người Pháp tại trung tâm này đã được thông báo họ sẽ không còn có mặt trong kế hoạch sắp tới của trung tâm. Một bầu không khí hoang mang đang bao trùm giảng đường của L'Espace.

"Thời điểm cáo chung của L'Espace"

Trong lá thư "kêu cứu" của tập thể giáo viên Pháp gửi Báo Thanh Niên có đoạn viết: "Mới đây, ngài Alain Freynet - Tham tán văn hóa và hợp tác của Đại sứ quán Pháp đã thông báo cho chúng tôi biết việc cắt giảm đột ngột 7 vị trí (30%) giáo viên Pháp, và trong tương lai gần sẽ sa thải toàn bộ đội ngũ giáo viên Pháp hiện đang làm việc tại L'Espace. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên và thất vọng về quyết định đơn phương này". Các giáo viên Pháp cho biết: Thông báo trên đột ngột được đưa ra trong cuộc họp ngày 23.11 của Ban giám đốc Trung tâm với 18 giáo viên Pháp về kế hoạch phát triển của Trung tâm. Ngay lập tức, một bản thông báo "rất Pháp" được dán lên tường phòng giáo viên: "Thời điểm cáo chung của L'Espace đã điểm. Ban giám đốc muốn trên đất L'Espace sẽ không còn một bóng giáo viên Pháp nào. Lý do được đưa ra một cách chính thức là vì hiệu quả của mối quan hệ hợp tác".

"Đây là lần đầu tiên trong "lịch sử" của Trung tâm xảy ra việc ngừng ký hợp đồng một cách đồng loạt và đột ngột như vậy vì nơi đây vẫn nổi tiếng có môi trường nhân sự ổn định"- Nicolas Landry, một giáo viên tâm sự. N.Landry bắt đầu dạy tiếng Pháp tại L'Espace từ năm 2003, có 3 bằng thạc sĩ về dạy tiếng Pháp cho người nước ngoài. Anh đã lấy vợ Việt và có một cậu con trai chưa đầy một tuổi. Cũng như N.Landry, hầu hết các giáo viên Pháp đã là thành viên của L'Espace mười năm có lẻ. Nhiều người trong số họ đã có một gia đình nhỏ tại Việt Nam. "Quyết định này thay đổi rất lớn không chỉ riêng chúng tôi mà còn gia đình chúng tôi nữa. Nếu ở Pháp, việc tổ chức lại cuộc sống đỡ khó khăn hơn vì chúng tôi có thể được nhận trợ cấp xã hội còn ở đây, chúng tôi bị vứt ra đường" - N.Landry đăm chiêu nói.

Sinh viên VN: Đối tượng thiệt thòi nhất!

Giáo viên Nicolas Landry: “Chúng tôi e tuyên bố này chỉ là "sáng kiến" mang tính chất tình thế của BGĐ vì những phản ứng dữ dội của các giáo viên và học viên. Họ không hề có sự trao đổi với chúng tôi về việc sẽ "thay đổi mô hình đào tạo" này. Hiện chúng tôi vẫn sống trong tình trạng hết sức bấp bênh”.

Giáo viên Nguyễn Các Phương: “Hầu hết giáo viên người Việt đều ngạc nhiên. Trước hết là thiệt thòi cho học sinh. Học ngoại ngữ cần có nhiều điều kiện tiếp xúc với người bản ngữ, không chỉ là vấn đề phát âm, giao tiếp mà còn là những khía cạnh tinh tế khác của ngôn ngữ như văn hóa, lối tư duy... Những điều đó thì dù giáo viên Việt Nam có giỏi đến đâu cũng không thay thế được. Với các giáo viên Việt Nam, việc làm ở L'Espace không quan trọng đến mức sống còn như các đồng nghiệp Pháp  vì ở đây là chỗ chúng tôi dạy thêm. Xét về góc độ ứng xử con người, đây là việc rất đáng tiếc”.

Không chỉ các giáo viên tiếng Pháp đang làm việc tại L'Espace, tập thể giáo viên và đặc biệt là sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây hết sức bức xúc trước thông tin trên. Tập thể giáo viên Việt Nam tại L'Espace đã cử đại diện gặp Đại sứ Pháp. Anh Stephane Wattier - một giáo viên Pháp cảm động nói: "Sự chia sẻ nhiệt thành của các đồng nghiệp và sinh viên Việt Nam trong những ngày khó khăn này làm chúng tôi cảm phục và rất ấm lòng". Trong bức thư gửi Giám đốc L'Espace, bạn Đỗ Ngân Phương (lớp IS2) viết: "Tại sao trong lúc rất nhiều trung tâm ngoại ngữ khác ở Việt Nam phải tiến hành mọi hình thức quảng cáo, tiếp thị để lôi kéo học sinh thì rất nhiều người vẫn phải xếp hàng chờ đợi để được vào học tại L'Espace? Bên cạnh cơ sở hạ tầng, môi trường học tập tốt và thuận tiện, điều L'Espace thu hút chúng tôi chính là đội ngũ giáo viên Pháp giỏi, tận tâm và có phương pháp sư phạm rất tốt. Nếu ngài có thời gian rỗi đến các lớp trong thời điểm này, sẽ thấy một không khí buồn bã và lo lắng đến thế nào trong giới học viên chúng tôi".

Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu tình hình tại L'Espace, tất cả các bạn sinh viên túm chặt lấy chúng tôi, thậm chí có những bạn đang học trong lớp cũng chạy ra bày tỏ nỗi buồn và lo lắng. Học viên Nguyễn Huy Khôi (lớp Métho 3) nói: "Tôi đã học ở đây 5 năm, thấy mô hình đào tạo như hiện nay của L'Espace (2/3 giáo viên bản ngữ, 1/3 giáo viên Việt Nam) rất tốt. Việc thay đổi mô hình đào tạo làm chúng tôi quá thất vọng và lo âu, đặc biệt lo cho chất lượng đào tạo các học viên sau này". Cả lớp Metho 3 viết tới 2 lá thư phản đối gửi tới Giám đốc L'Espace khẳng định: "Quyết định của BGĐ không chỉ gây khó khăn cho các thầy cô mà trước hết thiệt thòi cho chính chúng tôi". Còn trong bức thư dài gửi Giám đốc L'Espace, học viên lớp Metho 2 thẳng thắn viết: "Quyết định trên của ông khiến chúng tôi không còn muốn đăng ký học tiếp Metho 3 nữa". Tiếng nói của các sinh viên ở L'Espace vừa xuất phát từ quyền lợi thực tế của họ, vừa là tiếng nói của sự tổn thương về thái độ ứng xử với những người thầy, người bạn, những sứ giả gần gũi và sống động nhất của một nền văn hóa mà họ yêu mến.

Giám đốc Trung tâm L'Espace Alain Freynet:

“Không có chuyện cắt giảm hoàn toàn giáo viên bản ngữ”

Sau khi nhận được đơn thư của các giáo viên Pháp và giáo viên, học sinh Việt Nam tại L'Espace phản ánh về việc 7 giáo viên bản ngữ đột ngột bị cắt hợp đồng, Thanh Niên đã phỏng vấn ngài Alain Freynet (ảnh) - Tham tán văn hóa và hợp tác của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm L'Espace.

* Thưa ngài, tài chính có phải là nguyên nhân đưa đến quyết định cắt giảm số giáo viên bản ngữ tại L'Espace? 

- Không. Tôi xin khẳng định mục đích của chúng tôi không phải là cắt giảm giáo viên bản ngữ mà là cân đối hóa mô hình đào tạo. Hiện nay, mô hình này ở L'Espace là 70-30, nghĩa là 70% giờ dạy là của giáo viên bản ngữ, 30% là của giáo viên Việt Nam. Chúng tôi muốn cân bằng lại mô hình này với tỷ lệ 50-50. Sau một quá trình hợp tác đào tạo, đội ngũ giáo viên người Việt đã đạt tới một trình độ chuyên môn rất tốt, chúng tôi muốn tạo điều kiện hơn cho họ bằng cách tăng giờ dạy, tăng lương, và đó cũng là một cách khẳng định thành quả hợp tác đào tạo của chúng tôi. Song song với sự cân đối hóa mô hình đào tạo, chúng tôi có kế hoạch liên tục đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên này. Ví dụ, gửi họ sang Pháp học trong kỳ nghỉ giữa các khóa.

* Sau khi thông báo về quyết định này được đưa ra, các giáo viên Pháp và Việt Nam cũng như các học viên của L'Espace đã phản ứng quyết liệt. Thái độ của ngài trước diễn biến này?

- Chúng tôi đang cố gắng giải thích với các giáo viên và học sinh về mục đích của mình. Chúng tôi nhắc lại là cả hiện tại và tương lai sẽ không có chuyện cắt giảm hoàn toàn giáo viên bản ngữ.

* Kế hoạch thay đổi mô hình đào tạo mới có được trao đổi, bàn bạc với tập thể giáo viên của L'Espace không, thưa ngài?

- Mục tiêu cân bằng mô hình đào tạo là cả một quá trình, chúng tôi cần phải có thời gian. Xin nhấn mạnh, mục tiêu của chúng tôi là cân bằng số giáo viên người Việt và bản ngữ với tỷ lệ 50-50. Trong trường hợp L'Espace tăng học viên hoặc có lời mời tổ chức lớp ở ngoài L'Espace thì đó cũng sẽ là điều kiện để chúng tôi tăng số lượng giáo viên bản ngữ.

* Đối với 7 giáo viên bị ngừng ký hợp đồng, L'Espace có biện pháp hỗ trợ nào cho họ không?

- Chúng tôi có những dự định để giải quyết vấn đề này một cách hợp lý.

Vũ Phan
(thực hiện)

Vũ Phan - Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.