Người tài và... hộ khẩu

07/12/2008 23:50 GMT+7

Những ưu tư, bức xúc, giải pháp xung quanh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đã được các nhà trí thức đưa ra mổ xẻ, phân tích thẳng thắn tại buổi đối thoại Nói và làm do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình thành phố phối hợp tổ chức sáng 7.12. Nghe đọc bài

Mở đầu buổi đối thoại, thạc sĩ Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng Tế bào gốc  - Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đặt vấn đề: "TP.HCM có một “mỏ vàng lộ thiên” về nguồn nhân lực, nhưng tại sao đến giờ này chúng ta vẫn chưa khai thác hết. Trong khi các nhà khoa học luôn sẵn sàng đóng góp sức mình cho sự phát triển của thành phố và đất nước?”. Hỏi, rồi ông Ngọc tự trả lời: "Đó là do thành phố chưa có chính sách tốt, nếu không muốn nói là còn có sự phân biệt trong đãi ngộ cũng như đào tạo".

Ông Ngọc dẫn chứng trong chương trình đào tạo 300 - 500 thạc sĩ, tiến sĩ của thành phố, có rất nhiều người tài “thèm” được tham gia nhưng họ không đủ điều kiện thành phố đưa ra. Một trong những rào cản chính là không có... hộ khẩu thành phố. “Một điều kiện khác gây ức chế cho người tài là quy định khi học xong thì phải làm theo sự phân công của thành phố. Điều này đi ngược lại bản năng khoa học của các nhà khoa học, vì họ chỉ muốn làm việc trong môi trường phù hợp, chứ không muốn bị gò bó”, ông Ngọc nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, thẳng thắn: "Chính sách đào tạo nguồn nhân lực của thành phố là đúng, nhưng cách làm chưa tốt. Đã gọi là “chiêu hiền đãi sĩ” thì sao phải cần hộ khẩu thành phố?”. Ông Bình đề nghị lãnh đạo thành phố cần rà soát, bỏ ngay những quy định phi lý nếu muốn kéo người tài về thành phố.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, nhìn nhận thành phố có sự quan tâm phát triển đội ngũ trí thức nhưng vẫn còn lúng túng trong thực hiện. Lấy ví dụ việc thành phố đầu tư tốt cho phòng thí nghiệm nhưng lại thiếu đầu tư cho con người làm việc ở đó, ông Giao tâm tư: “Đồng lương không đủ sống, khiến họ phải dạy thêm, làm ăn bên ngoài... thì sao toàn tâm, toàn ý cho công việc được”. Còn giáo sư Hà Tôn Vinh đề nghị các ngành, các cấp cần mổ xẻ, phân tích kỹ việc Nhà nước đã có nhiều chính sách đãi ngộ cho trí thức Việt kiều trở về phục vụ sự phát triển của đất nước, nhưng sự cống hiến vẫn còn quá nhỏ bé so với thực lực. "Vấn đề nằm ở đâu? Cần phải phân tích, mổ xẻ thật kỹ để có giải pháp thích hợp", giáo sư Vinh nói. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, kiến nghị cụ thể Nhà nước cần sự đầu tư hơn nữa cho các trường đại học, để “cấy mầm” cho tương lai; đồng thời có cơ chế thu hút đội ngũ trí thức Việt kiều trở về quê hương góp sức xây dựng và phát triển đất nước.

Lắng nghe những ý kiến của các nhà trí thức, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng đã đến lúc thành phố phải có những cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm khai thác tốt nhất “mỏ vàng” nguồn nhân lực mà thành phố đang có sẵn; đồng thời thu hút người tài, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển. Ngoài ra, để xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đào tạo nhân lực bảo đảm về số lượng và chất lượng, bà Thảo cho biết thành phố sẽ có chính sách thu hút các trí thức Việt kiều và đầu tư ngân sách nhiều hơn nữa cho các công trình nghiên cứu khoa học...

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.