Người học sẽ phải trả phí sao chép tài liệu?

14/05/2014 09:00 GMT+7

Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đã đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc thu phí sao chép tài liệu hằng năm đối với học sinh, sinh viên để chi trả tác quyền.

 Người học sẽ phải phí sao chép tài liệu
Sắp tới có thể học sinh, sinh viên sẽ phải trả phí tác quyền khi sao chép tài liệu học tập? - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nộp 8.000 - 20.000 đồng/năm sẽ được sao chép thoải mái!

Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO), hiệp hội và Bộ GD-ĐT đã có phiên làm việc thứ nhất vào tháng 2.2014 để đặt vấn đề xử lý hiện tượng sao chụp trong hệ thống các cơ sở giáo dục.

Bà Luyến nhận định: “Việc sao chép tài liệu chủ yếu rơi vào đối tượng học sinh, sinh viên (HS-SV) với số lượng rất lớn. Từ năm 2011, chúng tôi đã tiến hành khảo sát về vấn đề này. Những HS được khảo sát thừa nhận mỗi học kỳ photo khoảng 107 trang tài liệu khổ A4, một năm 214 trang. Tính trên biểu phí của Nghị định 61 về nhuận bút là 40 đồng/trang tài liệu thì mỗi HS sẽ phải trả 8.000 đồng. Với SV thì số lượng lớn hơn, khoảng 700 - 800 trang/năm nhưng chúng tôi tính phí này khoảng 20.000 đồng. Các em sẽ được sao chụp thoải mái”.

Cũng theo thống kê của bà Luyến, có khoảng 22 triệu người có khả năng sử dụng tài liệu sao chụp. Trong đó, HS-SV khoảng 18 triệu.

Theo bà Luyến, cuối tháng 2.2014 Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản trả lời VIETRRO về việc sẵn sàng hợp tác để thực hiện luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Bộ sẽ đại diện cho các đối tượng sử dụng và VIETRRO đại diện cho người sở hữu quyền. “Việt Nam chính thức tham gia Công ước Berne về sở hữu trí tuệ từ năm 2004 mà đến nay chúng ta mới bắt đầu thực hiện là quá muộn. 10 năm qua các tác giả đã phải chịu một thiệt thòi lớn”, bà Luyến cho biết.

VIETRRO đề xuất với Bộ GD-ĐT thu theo đầu mối các trường, sở GD-ĐT. Đại diện của hiệp hội cho rằng việc thu phí này nhằm cân bằng lợi ích cho cả người sử dụng lẫn tác giả. HS-SV không cần bỏ ra số tiền lớn mua sách gốc mà vẫn có tài liệu học tập, đồng thời không vi phạm luật, còn tác giả thì không bị thiệt thòi.

Thu chi thế nào hợp lý?

Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: “Vấn đề quan trọng đặt ra là SV có sử dụng tài liệu photo hay không? Đâu phải tất cả SV đều sao chụp tài liệu? Không thể đánh đồng rồi chia đều ra để bắt SV nào cũng phải đóng. Nhưng việc xác minh ai sử dụng, ai không sử dụng lại quá rắc rối và khó khăn”.

Ông Nguyễn Đức Hoài, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên, Sở GD-ĐT Ninh Thuận cũng nêu quan điểm: “Chúng tôi ủng hộ luật Sở hữu trí tuệ nhưng phải làm thế nào cho hợp lý. Làm sao quản lý được hoạt động photo của HS-SV để thu cho đúng, chứ không thể thu theo đầu người như thế được. Tuy nhiên, nếu có thu thì Sở cũng sẽ không đứng ra làm việc này, vì không có người và cũng không quản lý được”. Ông Hoài còn lo ngại, con số hàng trăm tỉ đồng/năm từ khoản phí này sẽ được chi trả như thế nào khi không có một số liệu thống kê cuốn sách nào sao chép bao nhiêu lượt, tác giả nào nhiều, tác giả nào ít?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long (Trường ĐH Mở TP.HCM) phân tích: “Tiền sẽ đến tay tác giả như thế nào, ai quản lý? Có những tác giả đã mất, tác giả người nước ngoài hoặc có những cuốn sách đã hết thời gian bản quyền… Hiệp hội sẽ không thể bao quát hết được để đảm bảo phí này sẽ đến tận tay các tác giả có sách sao chép”.

Giải đáp những băn khoăn ấy, bà Luyến cho rằng VIETRRO là một thành viên chính thức của Liên đoàn Quốc tế quyền sao chép. Liên đoàn này gồm có 140 tổ chức ở 80 quốc gia. “Với các tác giả nước ngoài, chúng tôi sẽ chi trả tác quyền thông qua các tổ chức này. Còn với các tác giả trong nước đã mất, hiện có rất nhiều người có quyền thừa kế ủy quyền cho hiệp hội. Chúng tôi cũng đang tiến hành khảo sát tác phẩm nào thường được đưa vào sao chụp”, bà Luyến thông tin. “Nếu HS-SV không đồng tình với việc thu này thì phải dừng lại việc vi phạm bằng cách không sao chép tài liệu”, bà Luyến khẳng định.

Không thể thu theo kiểu bình quân

Việc VIETRRO đề xuất thu 8.000 đồng/HS/năm và 20.000 đồng/SV/năm để sao chép tài liệu là chuyện rất vô lý. Chúng ta không thể thu theo kiểu bình quân như vậy mà phải căn cứ vào yếu tố ai dùng thì người đó trả. Số tiền này đối với mỗi cá nhân là rất nhỏ nhưng nhân lên gần 20 triệu HS-SV thì quá lớn. Cá nhân tôi thì không đồng tình với cách làm này. Và chắc chắn nó sẽ khó nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Tôn trọng bản quyền là việc làm cần thiết nhưng cách làm này chưa phù hợp.

Nguyễn Văn Áng - Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT

Mỹ Quyên

>> “Quả bóng” trách nhiệm tác quyền âm nhạc
>> Chưa xong cuộc đấu tác quyền
>> Tác quyền âm nhạc vẫn bị phớt lờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.