Cậu bé khuyết tật tứ chi ở Mù Căng Chải

22/04/2013 08:35 GMT+7

Cậu học trò người Mông ở xã Púng Luông, H.Mù Căng Chải, Yên Bái, khiến chúng tôi đặc biệt chú ý bởi những dòng chữ nắn nót được viết bằng 3 ngón tay trái...

Mỗi bàn tay của cậu bé Thào A Tằng chỉ có 3 ngón tay dị dạng từ thuở lọt lòng. Trong lớp 3G ở điểm Trường Nả Háng Tâu (Trường tiểu học Lóng Luông), cậu bé 9 tuổi này ấn tượng với đôi mắt sáng và nụ cười tươi ngồi viết bằng tay trái bằng cách dùng 3 ngón tay quặp chặt cây bút rồi đưa đi đưa lại.

Năm học lớp 1, thấy các bạn cầm bút tập viết bằng tay phải, Tằng cũng làm theo nhưng em khóc nức nở vì không viết nổi. Được cô giáo hướng dẫn, động viên, bàn tay trái yếu ớt của em dần làm quen với cây bút. Em rất chăm viết chữ, chơi với bạn trên sân trường, Tằng cũng cầm que viết họ tên của mình trên nền đất.

Cậu bé khuyết tật tứ chi ở Mù Căng Chải
 Năm nay, Tằng có thể là học sinh giỏi - Ảnh: Duy Nghĩa

Đôi chân của Tằng cũng không lành lặn khi chỉ là một khối với hai ngón cái cong và dài. Chúng tôi bảo đó là hai củ sâm quý hiếm, Tằng cười tít. Mẹ em là chị Thào Thị Mao cũng khuyết tật tứ chi bẩm sinh. Chị Mao kể, hồi tập đi, Tằng ngã dúi dụi vì đôi chân dị dạng…

Điểm Trường Nả Háng Tâu nằm trên một quả đồi ven quốc lộ 32. Để đến trường, hai “củ sâm” cứ vênh lên mỗi khi chạm đất nên Tằng phải “quăng” người về phía trước cho khỏi mất đà. Đi học có ngày nắng, ngày mưa, nhưng Tằng chưa nghỉ một buổi nào.

Tằng được cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Chung yêu quý ngay từ buổi học đầu tiên không chỉ vì cậu khuyết tật mà còn vì sự chăm chỉ, lễ phép.

Thấy Tằng đi ủng nhựa cả ngày vì tự ti với đôi chân khuyết tật, cô Chung đã mua cho em đôi dép mới và động viên em tự tin, chăm ngoan hơn.

“Ngày đầu tiên nhận lớp, em ấy đã bắt chuyện với tôi, những ngày sau, Tằng thường đến sớm trực nhật, giặt giẻ lau bảng”, cô Chung nói. Đã dạy nhiều học sinh dân tộc thiểu số nhưng cô bảo hiếm có em nào nhanh nhẹn, ý thức tốt như cậu bé này.

Cậu bé khuyết tật tứ chi ở Mù Căng Chải 2
 Mẹ Tằng cũng là người khuyết tật - Ảnh: Duy Nghĩa

Đặc biệt, Tằng tiếp thu bài rất nhanh, nhất là môn toán và tiếng Việt.

Trong cuộc thi Em yêu tiếng Việt của em cấp trường, nhóm của Tằng đã mang về cho lớp 3G giải nhì. Hai năm học trước, Tằng đều đạt học sinh tiên tiến và cháu ngoan Bác Hồ.

Cô Chung cho biết, năm học này em có thể sẽ đạt loại giỏi. Mở cuốn vở của em, nhiều người sẽ bất ngờ khi biết những dòng chữ, con số ngay ngắn với nhiều điểm 9, 10 lại được viết bởi bàn tay trái dị dạng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Tằng ra đời sau khi một đội công nhân làm đường qua bản và không trở lại. Năm 2011, mẹ Tằng đi bước nữa và có thêm một em trai nay hơn 3 tháng tuổi. Rất may, em bé không bị khuyết tật như mẹ và anh.

Căn nhà nhỏ của Tằng nằm cạnh bờ ruộng, tường là những miếng gỗ ghép lại, tài sản lớn nhất trong nhà là cái máy khâu do chị Mao đi mượn để may váy đem bán.

Tằng thường giúp mẹ bế em, mỗi khi em bé khóc, cậu lại thơm vào má rồi vỗ bàn tay chỉ có 3 ngón vào mông em bé. Tằng ước làm thầy giáo vì cậu yêu quý cô Chung.

Hy vọng rằng với cố gắng của mình và tình thương yêu của các thầy cô, Tằng sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Duy Nghĩa

>> Gương sáng học trò
>> Tiếp sức miền quê nghèo hiếu học
>> Tiếp đuốc hiếu học
>> Cần phát huy truyền thống hiếu học trong thế hệ trẻ
>> Hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.