Vũ Tuấn Anh: Xây dựng doanh nghiệp xã hội

14/01/2013 06:00 GMT+7

Từ thành công của bản thân, Vũ Tuấn Anh đã lựa chọn con đường khởi nghiệp với mô hình khá mới mẻ tại Việt Nam - doanh nghiệp xã hội - nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng lao động trẻ.

Công ty đào tạo VIM (Vietnam Institute of Management) của Vũ Tuấn Anh và cộng sự Nguyễn Minh Luân, ngay từ ngày đầu khởi nghiệp đã ấp ủ ý tưởng doanh nghiệp (DN) xã hội để mang lại lợi ích cho cộng đồng DN và lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam.

Vũ Tuấn Anh
Vũ Tuấn Anh - Ảnh: nhân vật cung cấp 

Tuấn Anh tâm sự: “Lý do chính yếu tạo giá trị cho cộng đồng DN  và lao động trẻ, đó là chúng tôi cảm thấy “mắc nợ” với Ngân hàng Phát triển châu Á - tổ chức đã tài trợ học bổng học thạc sĩ cho hai chúng tôi. Điều kiện khó nhất của chương trình học bổng đó là sau khi học cần phải quay về cống hiến cho đất nước”.

Ước mơ nhân lực Việt

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đào tạo đại học, trưởng phòng nhân sự tại các tập đoàn lớn, Tuấn Anh cho rằng nhân lực là yếu tố quan trọng nhất để DN phát triển bền vững. Do điều kiện khách quan, các DN Việt Nam chưa đủ nguồn lực và kinh nghiệm để phát triển đội ngũ nhân lực của mình. DN xã hội theo ý tưởng của VIM sẽ là một yếu tố tích cực giúp cho ước mơ nhân lực Việt có thể trở thành một thương hiệu quốc gia, một thứ quyền lực mềm làm động lực phát triển đất nước.

 
Doanh nghiệp xã hội theo ý tưởng của VIM sẽ là một yếu tố tích cực giúp cho ước mơ nhân lực Việt có thể trở thành một thương hiệu quốc gia, một thứ quyền lực mềm làm động lực phát triển đất nước

DN xã hội có thể nói là khái niệm còn khá mới tại Việt Nam khi một DN hướng tới các mục tiêu phục vụ xã hội làm tôn chỉ hoạt động. Tuy nhiên, họ cũng phải tìm lợi nhuận để tự trang trải và duy trì các hoạt động của mình. Nói cách khác, phần lớn nguồn lực và hoạt động của công ty phục vụ tạo ra giá trị cho xã hội và chỉ một phần nhỏ doanh thu đủ cho DN hoạt động bền vững theo thời gian.

Ngay từ ngày khởi nghiệp, Tuấn Anh và cộng sự đã xác định rất rõ là giúp cho cộng đồng chuyên viên nhân sự có được các kỹ năng và kiến thức hiện đại để thực hiện công tác nhân sự tốt hơn; tổ chức hướng nghiệp cho các bạn sinh viên và lao động trẻ - nòng cốt lực lượng lao động Việt Nam; tặng bài giảng các kỹ năng cho cộng đồng DN và lực lượng lao động trẻ…

Tuấn Anh tâm niệm kiến thức cần phải được chia sẻ và lan truyền rộng rãi trong cộng đồng để nhiều cá nhân có thể sử dụng và phát triển tiếp. Đó cũng là tôn chỉ của VIM trong nỗ lực thực hiện các hoạt động xã hội. Thương hiệu chưa có, nguồn lực tài chính hạn hẹp, VIM đã phải tiết kiệm tổ chức từng hội thảo, lớp học phi lợi nhuận, các hoạt động cộng đồng để thuyết phục các chuyên viên nhân sự “đi theo” mình. Sau hơn hai năm triển khai, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng nhân sự như ngày hội Team building, ăn trưa nhân sự, tổ chức hội thảo nhân sự và hơn 100 bài viết về chuyên môn tại www.softskil.edu.vn đã ít nhiều tạo tiếng vang trong cộng đồng nhân sự tại TP.HCM và trên cả nước.

Vì sự thành công của các bạn trẻ

Sáng tạo ra rất nhiều các dịch vụ và phương pháp mới tiếp cận cộng đồng, những chương trình hướng nghiệp của VIM được triển khai có hệ thống và sâu rộng trên cả nước.

Trong năm 2012, hơn 10.000 sinh viên tại các ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH FPT… đã trực tiếp tham gia những buổi hướng nghiệp của VIM. Website www.ngayhoivieclam.vn đã thu hút hàng chục ngàn lượt truy cập bằng các bài viết tâm huyết về hướng nghiệp.

Tuấn Anh cho rằng, cuộc sống của mỗi cá nhân chỉ có khoảng 30 năm làm việc và cống hiến. Vì vậy hướng nghiệp rất quan trọng để có thể hoạch định và thực thi tốt hơn nghề nghiệp của mình. Thông qua đó, mỗi cá nhân lao động sẽ tạo ra nhiều giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội. Chương trình hướng nghiệp cho lao động trẻ cũng là nỗ lực của VIM nhằm đóng góp và cộng hưởng với các chương trình hướng nghiệp do Đoàn thanh niên thực hiện. Các hoạt động xã hội sẽ hiệu quả hơn nếu như có nhiều thành phần cùng tham gia và đóng góp.

Từ kinh nghiệm quản lý và phát triển nhân viên trong nhiều năm quản lý nhân sự, Tuấn Anh xây dựng được chương trình hướng nghiệp hệ thống bao gồm các “module” như hoạch định nghề nghiệp, xây dựng thương hiệu bản thân, chuẩn bị phỏng vấn và vượt qua thử thách trong môi trường chuyên nghiệp, trắc nghiệm tính cách và nhận biết điểm mạnh, điểm yếu bản thân, các phương pháp gia tăng năng suất cá nhân. Hệ thống các “module” hướng nghiệp này giúp các bạn trẻ phát triển nghề nghiệp vững chắc và tạo giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội.

Cũng trong năm 2012, chương trình của VIM còn cho ra đời 8 tài liệu đào tạo những kỹ năng quan trọng mà Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các bạn trẻ cần đạt được như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm... “Giả sử 3 triệu lao động tại TP.HCM sau khi sử dụng bài giảng quản lý thời gian của VIM sẽ tiết kiệm 5 phút cho mỗi lao động. Tổng thời gian tiết kiệm sẽ là 15 triệu phút tương ứng 31.250 ngày công cho xã hội”, Tuấn Anh chia sẻ về giá trị của những bài giảng kỹ năng này.

Ước mơ của Tuấn Anh nhằm làm sao mở rộng các chương trình thật nhiều hơn nữa tới các bạn sinh viên và lao động trẻ tại các trường ĐH khắp mọi miền Tổ quốc. Điều mà cần nhất hiện nay là sự giúp đỡ thiết thực thông qua các nỗ lực nhân rộng của cộng đồng để ước mơ một thế hệ lao động Việt mang thương hiệu quốc gia ngày càng trở nên hiện thực hơn.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Sáng tạo vì Khát vọng Việt

Đình Phú

>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.