2 cô dâu và 2 luồng ý kiến

15/12/2007 18:14 GMT+7

Hãng phim truyện I (Việt Nam) tiếp tục cộng tác với Đài truyền hình SBS (Hàn Quốc) cho ra mắt phim Cô dâu vàng (năm 2007), sau khi cùng nhau làm phim về đề tài tương tự Cô dâu Hà Nội (năm 2005).

Lấy bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc, Cô dâu Hà Nội và Cô dâu vàng kể lại cuộc hôn nhân xuyên quốc gia của những cô gái Việt Nam trẻ trung, xinh đẹp. Sau khi phim được trình chiếu ở Hàn Quốc và nhiều khán giả Việt Nam cũng đã xem trên mạng internet, bắt đầu xuất hiện nhiều diễn đàn xôn xao bàn tán về hai bộ phim. 

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng hai bộ phim đã có những chi tiết “bôi bác văn hóa Việt Nam”, “bôi nhọ bản sắc Việt Nam và xã hội Việt Nam hiện đại”. Cụ thể, nhân vật chính Lý Thị Vũ (Kim Ok Bin đóng, phim Cô dâu Hà Nội), Chin Ju (Lee Young Ah đóng, phim Cô dâu vàng), nói tiếng Việt ngọng nghịu, ứng xử ngô nghê (không biết cả cái... nồi cơm điện). Chin Ju đi đâu cũng khư khư áo dài nón lá, thậm chí lúc chạy thể dục, leo núi cũng nón lá áo dài; mà áo dài ở đây lại được thiết kế cực kỳ xấu, tà thì ngắn cũn cỡn v.v... Ngoài ra còn những câu thoại dễ “động chạm” như: “Ở Việt Nam, không có cái gì là cho không”, hay “Việt Nam là đất nước nghèo đói”. Trên một diễn đàn, có bạn trẻ còn bức xúc: “Cô gái Hà Nội trong phim quá dễ dãi so với vẻ đoan trang và học thức. Không lẽ kiểu mua cô dâu giờ đã trở nên quá bình thường đến mức cả người Việt và người Hàn đều không thấy vấn đề gì”...

Những nhận xét nêu trên không phải không có lý, nhất là khi khả năng hợp tác của điện ảnh Việt Nam với nước ngoài rất ít khi vượt khỏi phạm vi “hợp tác cho oai” để đạt tới sự “bình đẳng, hai bên cùng có lợi”. Tuy nhiên,  khi trao đổi với Thanh Niên, những người trong cuộc lại có ý kiến khác...

Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng (đại diện Hãng phim truyện I): “Chúng tôi chưa bao giờ bằng lòng...”

* Từ góc độ đạo diễn, anh nhận xét thế nào về chất lượng nghệ thuật của Cô dâu Hà Nội và Cô dâu vàng?

- Trên cương vị người làm văn hóa, tôi đánh giá cao thành công của hai bộ phim nói trên. Còn trên cương vị người nghệ sĩ, có thể nói, chúng tôi chưa bao giờ bằng lòng với tất cả những gì mình đã làm. Và chỉ có vậy chúng tôi mới tìm mọi cách phấn đấu để có thể làm ra các tác phẩm tốt hơn nữa. Có lẽ, 100% nghệ sĩ khi nhìn lại tác phẩm của mình đều muốn sửa đổi, thêm bớt đôi chút cho hoàn thiện hơn và hay hơn.

* Khi hợp tác với Hàn Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung, Hãng có được đọc tổng thể kịch bản văn học, kịch bản phân cảnh không, hay chỉ biết những trường đoạn lẻ liên quan đến phần việc của mình? Và làm thế nào để kiểm soát được sự hợp tác, tránh việc thể hiện hình ảnh thiên lệch về Việt Nam?

- Điều đầu tiên tôi có thể nói là toàn bộ kịch bản phim từ trước khi sản xuất đều đã được trình duyệt các cấp có thẩm quyền của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Các thành phần sản xuất và diễn viên tham gia làm phim từ hai phía đều phải đọc và nắm chắc kịch bản để có thể thực hiện tốt mọi phần việc mình đảm nhiệm. Còn đối với các vấn đề bạn đặt ra thì có lẽ chúng ta nên nghĩ kỹ hơn với hoàn cảnh cụ thể của truyện phim. Hơn nữa, với sự cố gắng giới thiệu Việt Nam với các bạn quốc tế thì chúng tôi đã luôn tìm mọi cách để khai thác được nhiều nhất các nét đẹp, nét văn hóa Việt. Chúng ta cũng không nên quên rằng, những bộ phim nước ngoài làm về Việt Nam là phim được nhìn bằng con mắt của người nước ngoài. Vì thế, điều đầu tiên chúng ta cần ghi nhận là thiện chí và sự quan tâm của họ đối với Việt Nam. Còn về quan điểm thì họ cũng luôn luôn cố gắng nhìn Việt Nam đúng đắn nhất thông qua sự hợp tác.

* Thế nhưng, vẫn có một số đạo diễn nước ngoài vì một số lý do cũng chưa hiểu đúng Việt Nam...

- Theo tôi, việc làm phim đúng với cuộc sống Việt Nam và “thuần phong mỹ tục” Việt là điều cần thiết. Đôi khi có vài hạt sạn trong một số phim nào đó thì tôi nghĩ, cũng là điều khó tránh khỏi. Các bạn hãy thử xem kỹ các phim Việt Nam sản xuất hoàn toàn bằng nguồn vốn cũng như nhân lực trong nước, vẫn có rất nhiều điều chưa thực sự thuyết phục khán giả.

* Trở lại trường hợp Cô dâu Hà Nội và Cô dâu vàng, phải hiểu khái niệm “hợp tác” thế nào đây, khi mà bản quyền hai phim trên đều thuộc phía Hàn Quốc? 

- Trong quá trình sản xuất, chúng tôi giúp đỡ các đồng nghiệp Hàn Quốc cả về nghệ thuật lẫn tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, các bạn cũng hết sức cầu thị và luôn tìm hiểu học hỏi văn hóa, phong tục Việt. Trong mọi trường hợp, chúng tôi và phía nước ngoài đều nghĩ rằng cả hai bên cần đóng góp hết sức mình để hoàn thành tác phẩm, còn sự đóng góp về kinh tế quyết định bản quyền của bộ phim. Chúng tôi luôn làm việc bình đẳng và cả hai cùng có lợi. Dù có thể tác phẩm cùng thực hiện chưa được chiếu trên đất bạn hay phim của bạn chưa có điều kiện để giới thiệu ở nước ta thì chúng tôi vẫn coi đây là cơ hội tốt để học hỏi.

* Vậy, cái khó nhất khi hợp tác với nước ngoài là gì, ngoại trừ yếu tố kinh tế?

- Khó khăn thì rất nhiều, điều đầu tiên có thể kể đến là bất đồng ngôn ngữ và văn hóa, rồi đến những hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ kỹ thuật hiện đại của những người làm phim nước ta. Tuy nhiên tất cả những khó khăn đó đều có thể khắc phục được nếu cả hai bên cùng thực sự cầu thị và chịu khó tìm hiểu về văn hóa của nhau.

Diễn viên Như Quỳnh (vai mẹ Chin Ju trong Cô dâu vàng): “Không có gì là xấu...”

* Chị đã xem hết phim Cô dâu vàng chưa?

- Tôi đã xem một số tập phim, nhưng chưa hết, vì phía Hàn Quốc làm xong tập nào thì phát sóng tập ấy, lắng nghe ý kiến khán giả, chứ không chờ sản xuất hết rồi mới phát sóng. Theo tôi, đây là cách làm rất chuyên nghiệp.

* Vậy chị “bào chữa” thế nào cho những chi tiết bị khán giả chê là “bôi xấu Việt Nam”?

- Cô dâu vàng là phim truyền hình nên mức độ nghệ thuật hạn chế, không kỹ càng như phim nhựa. Tuy nhiên, tôi thấy ý tưởng của các đạo diễn và biên kịch Hàn Quốc rất tốt. Họ ca ngợi cô gái Việt Nam sang nước họ, bằng sự chân thành, đã cảm hóa được gia đình nhà chồng. Cô Lee Young Ah diễn viên chính có ngoại hình rất giống con gái Việt Nam. Cô ấy có nhược điểm là phát âm tiếng Việt chưa tốt, một phần vì thời gian để học tiếng không nhiều, lại học theo giọng Sài Gòn chứ không phải Hà Nội. Nhưng cô ấy đã rất chịu khó, rất cầu thị. Về phục trang, có lẽ vì đạo diễn muốn dung hòa giữa kiểu dáng áo dài thập niên 60-70 với áo dài ngày nay, nên đã “mô-đi-phê” chiếc áo dài đi một chút, để tà áo chỉ dài quá gối cho tiện việc đi lại. Nhiều khi khán giả chỉ nhìn vào một điểm nhỏ để phản ứng, mà quên mất rằng đây là phim của người nước ngoài nhìn về Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn về phim hợp tác, vì lâu nay, ở mình, phim của Việt Nam do người nước ngoài hay Việt kiều làm thì thường được đánh giá không thoáng như phim của các đạo diễn trong nước. Ngay phim truyền hình của ta làm về văn hóa của ta còn có sạn nữa là... Tóm lại, theo tôi, dù có sơ suất ở một vài chi tiết, nhưng phim Cô dâu vàng không có gì là làm xấu hình ảnh cô gái Việt Nam.  

Y.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.