Các nhà báo, hãy nhìn lại mình!

14/12/2005 00:38 GMT+7

Cơ quan điều tra triệu tập 4 cầu thủ U.23 VN trong chuyên án "nghi ngờ bán độ". Đó là chuyện của bóng đá, chỉ dính dáng đến cầu thủ, ban huấn luyện, ban lãnh đạo, những đường dây cá độ quốc gia và xuyên quốc gia, chứ làm sao dính dáng đến báo chí, đến những nhà báo, là nơi chuyên theo dõi, quan sát và phản ánh ngay lập tức những thông tin, sự kiện và cả những bất thường trong bóng đá.

Vậy mà giữa những người bị cơ quan điều tra triệu tập lần này, lại có một nhà báo, một phóng viên trực tiếp đến Philippines trong suốt thời gian SEA Games 23.

Việc của cơ quan điều tra là việc của họ, chúng ta không can thiệp, không dự đoán như dự đoán tỷ số bóng đá, và cho tới trước khi một công dân bị tuyên bởi tòa án là vi phạm pháp luật, người ấy vẫn chưa bị coi là phạm pháp. Luật đã nói rõ như vậy. Nhưng là những người làm báo, những người được coi là nhạy cảm trong lĩnh vực thông tin, chúng ta lại không thể làm ngơ trước thông tin đau lòng này.

Sau vụ Năm Cam, những nhà báo đã bị đặt "trong tầm ngắm" của công luận. Họ, những nhà báo, vốn là người của công luận, là những "phát ngôn viên" của nhân dân, trong hoàn cảnh còn rất nhiều hạn chế hiện nay, đáng lẽ họ phải hết sức giữ mình. Tôi biết, trong nhiều trường hợp, người ta chỉ còn biết tin vào nhà báo, bởi họ coi báo chí là địa chỉ để những người bị oan khuất, chịu bất công có thể tìm được người tin cậy đứng cạnh mình.

Với nhà báo, không có tòa án nào đáng sợ bằng tòa án công luận, tòa án lương tâm, và cũng không có niềm hạnh phúc nào, sự tưởng thưởng nào lớn hơn sự tưởng thưởng của lương tâm và công luận. Vì thế, công luận không thể tin, và càng không thể chịu được thông tin về một nhà báo có thể biến khả năng có thông tin của mình, khả năng quan hệ của mình thành một "dịch vụ", làm cầu nối làm trung gian cho những cầu thủ và những trùm cá độ.

Thực ra, người ta đã từng biết có những người mang danh "nhà báo" đã tự nguyện làm những "cầu nối" ô nhục như thế và không chỉ trong bóng đá. Bóng đá dù sao cũng chỉ là một môn thể thao, là một trò chơi. Còn những "trò thật" khác, nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn mà cũng có những nhà báo "liều mình như chẳng có" để lao vào. Họ được rất nhiều, mất rất ít. Nhưng cái "được" chỉ có thể tính bằng tiền, rất lớn, rất nhiều, nhưng chẳng đáng vào đâu so với cái "mất", rất ít, rất khó thấy, nhưng lại làm "tiêu" một đời người, một nhân phẩm, một danh tiếng.

Là nhà báo, chúng ta không chỉ chiến đấu chống những tiêu cực của người khác, mà phải thường xuyên chiến đấu chống những khoảnh khắc có thể sa ngã của chính mình. Nhà báo cũng là con người, trong một đất nước có pháp luật, nhà báo cũng không thể "ngoài vòng pháp luật".

Những ảo tưởng về quyền lực không chỉ dành cho những người “có chức có quyền”, mà còn dành cho cả những người có đặc quyền thông tin. Nhà báo dĩ nhiên có thông tin, nhưng đừng bao giờ biến thông tin ấy thành "tiền bạc ngoài luồng". Bán mình thì dễ, giữ được mình lại khó trong thời buổi này. Nhà báo hơn ai hết nên thấu hiểu điều này.

Trong một xã hội đang hướng tới dân chủ, vai trò và trách nhiệm của nhà báo là rất lớn. Đó thực sự là vinh dự của nhà báo, và khi được xã hội tôn vinh, nhà báo nên hiểu vì đâu mình được như vậy. Môi giới cho bán độ bóng đá chỉ là một chuyện nhỏ trong những thứ "môi giới" mà nhà báo có thể làm, dù hậu quả thì như nhau.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.