Giậm chân tại chỗ

15/12/2011 09:51 GMT+7

Năm nay, ngành nông nghiệp coi việc sản xuất lúa gạo đã đạt thắng lợi lớn khi tổng sản lượng lúa đạt gần 25 triệu tấn, tăng khoảng 1,3 triệu tấn so với năm 2010. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích ấn tượng trên thì vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, trong đó có việc cơ giới hóa trong sản xuất.

Năm nay, ngành nông nghiệp coi việc sản xuất lúa gạo đã đạt thắng lợi lớn khi tổng sản lượng lúa đạt gần 25 triệu tấn, tăng khoảng 1,3 triệu tấn so với năm 2010. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích ấn tượng trên thì vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, trong đó có việc cơ giới hóa trong sản xuất.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, so với năm 2010, khâu cơ giới hóa trong thu hoạch đang giậm chân tại chỗ. Hiện có khoảng 40% diện tích lúa toàn vùng được thu hoạch bằng máy. Tuy nhiên, giữa các địa phương trong vùng cũng có sự chênh lệch rất lớn về tỉ lệ diện tích lúa được thu hoạch bằng cơ giới. Dẫn đầu danh sách là Vĩnh Long đạt 80%, trong khi Cà Mau và Bến Tre chỉ mới đạt khoảng 5%. Bên cạnh đó, khâu sấy lúa (cho vụ hè thu) vẫn còn rất thấp, chỉ có khoảng 25% sản lượng lúa được sấy và nếu so với cùng kỳ thì cũng tương đương. Trong đó cao nhất là An Giang khoảng 70%, thấp nhất là Cà Mau, Bến Tre và Đồng Tháp khoảng 5%.

Sở dĩ khâu cơ giới hóa trong thu hoạch lúa được quan tâm đặc biệt vì theo ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL bị thất thoát vì thu hoạch thủ công. Còn theo Nghị quyết 48 của Chính phủ, thì tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch lúa từ 11% - 13%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và xay xát, chế biến. Ngoài tổn thất về sản lượng còn sụt giảm đáng kể về chất lượng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tỉ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch của chúng ta hiện nay còn cao hơn nhiều lần so với nhiều nước trong khu vực. Phần tổn thất này hoàn toàn có thể hạn chế được bằng cách cơ giới hóa. Chính vì vậy, mục tiêu của ngành nông nghiệp sẽ giảm mức tổn thất xuống còn 5% - 6% vào năm 2020. Do đó, việc cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đang “giậm chân tại chỗ” là điều làm nhiều người lo ngại mục tiêu trên sẽ không đạt được. Theo đánh giá của Cục trồng trọt, nguyên nhân chủ yếu do chương trình hỗ trợ tín dụng chưa gắn kết với các mô hình phát triển nông nghiệp, nông dân khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.

Một nền nông nghiệp được coi là phát triển không chỉ dựa vào việc gia tăng sản lượng mà còn thể hiện ở phương thức sản xuất của nó. Sản lượng lúa gạo thì không thể cứ gia tăng mãi, vậy nên yêu cầu cấp bách đặt ra lúc này là ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh việc hiện đại hóa trong sản xuất để hạn chế tổn thất và làm tăng giá trị cho lúa gạo.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.