Trong thế giới người phong - Kỳ cuối: Nơi “đất chết” hồi sinh

11/05/2012 16:34 GMT+7

Một đám cưới kỳ lạ: cô dâu Trần Thị Đoàn không mặc váy cưới, không ôm hoa; chú rể Trần Đình Chất cũng chỉ mặc một bộ quần áo thường ngày giản dị.

Một đám cưới kỳ lạ: cô dâu Trần Thị Đoàn không mặc váy cưới, không ôm hoa; chú rể Trần Đình Chất cũng chỉ mặc một bộ quần áo thường ngày giản dị.
 
Khi chú rể tập tễnh một chân còn lại đến đeo nhẫn cưới cho cô dâu thì hai bàn tay của họ chỉ còn bốn ngón. Đám cưới được tổ chức ngay tại “trại phong” quê vợ. Khách mời cũng chính là những bệnh nhân phong như cô dâu, chú rể nhưng tràn ngập niềm vui, tiếng cười.

Trại phong Quả Cảm (Yên Phong, Bắc Ninh) vốn được coi là “mảnh đất chết” - nơi mà “nhiều người không bao giờ dám bén mảng” đang thật sự hồi sinh với hàng chục gia đình bệnh nhân phong sống hạnh phúc bên nhau.

 Trong thế giới người phong
Gia đình anh Hòa - chị Chung đầm ấm bên đứa con trai kháu khỉnh - Ảnh: G.Phong

Những mảnh đời được chắp vá

Hai mươi năm trước, cô bé Trần Thị Đoàn (Yên Phong, Bắc Ninh) bị mắc căn bệnh phong mà người làng gọi là “tứ chứng nan y”. “Cắp cặp đi học thì các bạn xa lánh. Về nhà thì một số người thân hắt hủi. Đã bao nhiêu lần tủi thân định tự vẫn theo suy nghĩ của một đứa trẻ. Nhưng số phận đã vậy sao mình không cố gắng vượt qua. Thế nào cũng phải sống”- chị Đoàn nhớ lại.

Trại phong Quả Cảm một ngày tháng 10 tiếp nhận bé Đoàn khi cô bé đã lở loét khắp người. Bàn chân và bàn tay rụng gần hết ngón. Chị Đoàn kể: “Đến bữa cơm, loay hoay đưa thìa cơm vào miệng, run rẩy một hồi để văng vãi mất rồi bất lực bật khóc tức tưởi, mà xót xa cho mình nước mắt cứ chảy hoài. Thế rồi thấy các cô, các chú và cả những bạn cùng tuổi đều bị như mình mà làm được nhiều việc nên tự động viên để chữa bệnh và thành người có ích”.

Năm 2001, nỗ lực của chị Đoàn cũng được đền đáp: bệnh phong của chị đã khỏi hoàn toàn. “Lúc ấy tôi ở trại phong Sóc Sơn (Hà Nội) nhưng cũng đã hồi phục. Một buổi tối đi cùng cả trại sang giao lưu với trại phong Quả Cảm thì gặp Đoàn. Dù mới gặp nhau nhưng cả hai cùng cảnh ngộ nên thấy thương nhau liền”- anh Trần Đình Chất nói. Thế rồi nhiều buổi chiều, người bệnh của cả hai trại phong đều thấy anh Chất tập tễnh với cái chân còn lại, đạp xe gần 30km đến thăm chị Đoàn đều đặn.

“Mới đầu các bác sĩ và người nhà của cả hai đều lo lắng: liệu hai người có sống được không khi cơ thể đều không còn nguyên vẹn. Họ sẽ làm thế nào để lo cho cuộc sống gia đình khi có con cái. Nhưng ai cũng nhủ: họ có quyền được hạnh phúc nên ủng hộ” - cô Nguyễn Thị Xuân, một bác sĩ ở trại phong Quả Cảm, tâm sự.

 

“Bà tiên của làng phong”

“Có lẽ những đám cưới trên cũng như hạnh phúc của những đôi vợ chồng này khó trọn vẹn nếu thiếu bàn tay vun vén của một người thầm lặng: cô Nguyễn Thị Xuân” - cả những bệnh nhân phong và tập thể y bác sĩ tại trại phong Quả Cảm đều khẳng định như vậy. Cô Nguyễn Thị Xuân sinh ra ở Quế Võ, Bắc Ninh. Tuổi thơ của cô là một chuỗi bất hạnh. Chín tuổi mồ côi cha, mười năm sau mồ côi mẹ, cô bé Xuân sớm phải đứng mũi chịu sào, gánh vác hết mọi việc trong gia đình. Cô giấu gia đình đi học y tá ở Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định). Năm 1988, khóa học kết thúc, cô viết đơn tình nguyện làm việc tại trại phong Quả Cảm và ở lại gắn bó với những bệnh nhân phong từ đó đến nay. “Sau khi cưới, nhiều đôi được cô Xuân giúp đỡ. Có gia đình chưa có nhà, cô chạy vạy quyên góp tiền xây nhà ngay tại trại phong; có gia đình không có đất, cô thuyết phục lãnh đạo trại phong chia cho một phần đất trên quả đồi của trại để trồng cây ăn quả. Cuộc sống của những gia đình phong như chúng tôi đã bớt nghèo vì có cô Xuân” - anh Trần Đình Chất xúc động nói.

Cô Nguyễn Thị Xuân cũng là người được báo Tuổi Trẻ và Hội đồng Anh trao tặng giải thưởng “Sống vì cộng đồng” năm 2006.

Được sự ủng hộ của cả trại phong, đám cưới của anh Chất - chị Đoàn diễn ra. Đám cưới không tổ chức ở họ nhà trai - nhà gái mà tổ chức ngay ở trại phong “quê vợ”. Đây cũng là đám cưới đầu tiên diễn ra tại trại phong Quả Cảm.

Ngoài đám cưới của anh Chất - chị Đoàn, đã có 20 đám cưới hạnh phúc giữa những người bệnh phong đã hồi phục cũng diễn ra ngay tại trại. Không chỉ có đám cưới của những cặp vợ chồng vốn là người bệnh, các đám cưới của những cặp bình thường là con của bệnh nhân cũng được tổ chức ngay trong trại phong Quả Cảm.

Chị Nguyễn Thị Chung, con của vợ chồng bệnh nhân phong ở trại Sóc Sơn, Hà Nội, đã gặp anh Nguyễn Văn Hòa tại trại Quả Cảm trong một lần đến thăm những người bạn của bố mẹ ở đây. Hai người bén duyên rồi nên vợ chồng vào năm 1992 và là gia đình trẻ nhất trại khi đó.

Nơi mầm xanh nảy nở

Nếu buổi sáng hay buổi chiều mà đến trại phong Quả Cảm thì không ai nghĩ đó là một trại phong mà cứ ngỡ là một làng quê yên bình, đầm ấm. Bên cạnh các gốc cây mít, cây trứng gà đang đơm hoa kết trái là những bàn cờ tướng đông vui. Ngay sát phía sau trung tâm là mái ấm của hơn 20 gia đình bệnh nhân phong ríu rít tiếng nói cười con trẻ. Bác sĩ, trưởng khoa phong (Bệnh viện Phong - da liễu Bắc Ninh) Ngô Thị Hiển nói: “Hàng chục năm gắn bó với trại phong Quả Cảm, chưa lúc nào tôi thấy trại phong thật sự hồi sinh như lúc này. Nó xóa nhòa cái tâm lý kỳ thị của cộng đồng với “tứ chứng nan y” cũng như giúp những người phong đã qua hồi phục tự tin hơn trong cuộc sống”.

Sau mười năm cưới nhau, anh Chất - chị Đoàn đã có hai bé trai kháu khỉnh. Chỉ tay về mảnh vườn trên đồi toàn vải thiều xanh trĩu quả, anh Chất khoe: “Năm ngoái mỗi gia đình thu được hơn mười triệu đồng từ tiền bán vải. Cộng với chăn nuôi thêm cả nhà đã tạm đủ sống. Với những người bệnh phong như chúng tôi như thế đã là đáng mừng lắm rồi”.

Cũng chung niềm vui như gia đình anh Chất, sau 15 năm vun đắp cho tổ ấm của mình, đến nay anh Hòa - chị Chung đã có được hai con trai khôi ngô, ngoan ngoãn. Anh chị cũng vừa mới cất được một ngôi nhà mái bằng nho nhỏ trên con dốc đi lên đồi vải đang ngút ngàn hoa trắng.

“Điều đáng mừng hơn nữa là con cái của những gia đình bệnh nhân đều được ăn học đàng hoàng. Trong số hơn 40 gia đình ở đây đã có tới hơn 10 cháu vào học ĐH - CĐ. Có cháu ra trường quay lại dìu dắt các em trong trại” - bác sĩ - thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh, giám đốc trại phong Quả Cảm, hào hứng nói.

Ông Vinh dẫn chúng tôi đến “căn nhà đại học” của ông Hưng, một bệnh nhân phong lâu năm nhất trại phong Quả Cảm. Căn nhà nhỏ nhưng sạch sẽ nằm trên một đỉnh đồi. Ông Hưng là người có hai con tốt nghiệp ĐH đầu tiên của trại phong.

Ngày gia đình ông bỏ quê hương vào trại phong Quả Cảm, hai con ông vừa đi học vừa làm lụng đỡ đần bố mẹ. Tuy vất vả, cực nhọc nhưng Nhung và Thành, hai con của ông, đều rất sáng dạ, học đâu thông đó. Ông Hưng kể: “Trong lúc đi bộ trên đường từ trường về nhà, con bé Nhung đã học xong bài ở lớp. Vợ chồng tôi giật gấu vá vai quanh năm cũng chỉ đủ để hai đứa con ăn học, dù toàn phải ăn sắn, ăn khoai”. Con gái ông bà càng lớn càng học giỏi, lên THPT thi đậu vào lớp chuyên toán. Đến lúc thi ĐH, ông bà không thể tin nổi con bé thi đậu ba trường. Nhung trở thành niềm tự hào của cả trại phong Quả Cảm.

Theo Tuổi Trẻ

>> Trong thế giới người phong - Kỳ 6: Chuyện của Nga
>> Trong thế giới người phong - Kỳ 5: Chuyện tình bên mộ Hàn Mặc Tử
>> Trong thế giới người phong - Kỳ 4: Thương yêu từ nửa vòng Trái đất
>> Trong thế giới người phong - Kỳ 3: Nước mắt làng Vân
>> Trong thế giới người phong - Kỳ 2: Đi tìm sự sống
>> Trong thế giới người phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.