Thảm họa sập núi tại Nghệ An: Phá núi tìm người

16/12/2007 23:13 GMT+7

* Đến 18 giờ hôm qua, đã tìm thấy 3 thi thể * Tang thương núi rừng Bản Vẽ 13 giờ chiều qua, tiếng mìn phá đá phát nổ, bắt đầu khai màn cho việc tìm kiếm thi thể 18 công nhân, kỹ sư xấu số đang vùi sâu dưới lòng núi...

Những thi thể đầu tiên

Lực lượng công binh Quân khu IV đã có mặt từ đêm trước cùng với hơn 200 chiến sĩ để chuẩn bị cho việc nổ mìn phá đá. Nhưng địa hình quá hiểm trở, thiếu ánh sáng và lượng đá từ đỉnh núi đang chực chờ lăn xuống bất cứ lúc nào nên việc khảo sát và chuẩn bị phải mất khá nhiều thời gian. Từ sáng sớm, hàng chục phương tiện, hàng trăm dân quân và hàng ngàn công nhân công trường đã sẵn sàng cho công việc tìm kiếm cứu nạn này. Sau khi nghiên cứu kỹ hiện trường, vị trí của 18 nạn nhân đang bị vùi sâu trong đống đất đá đã được xác định. Những lá cờ hiệu được cắm lên phía trên. Những mũi khoan bắt đầu hoạt động.

Tiếng mìn phá đá nổ như rung chuyển cả núi rừng. Những khoảnh đất đá trên cao bị sức mạnh của thuốc nổ đánh sạt. Đây là phương án "cắt ngọn" an toàn để chuẩn bị cho việc phá dỡ lượng đất đá phía bên sườn núi đang vùi lấp các thi thể. 1 tạ thuốc nổ đã được sử dụng cho công việc này. Trong khi khoan lỗ đánh mìn, lực lượng công binh phát hiện phía trên đỉnh núi có vết nứt với chiều ngang khoảng 3 mét và sâu tới 20 mét. Vết nứt này đang tiếp tục kéo dài và rất nguy hiểm vì có thể đất đá sẽ tiếp tục đổ sập xuống. Tuy nhiên, đến chiều tối qua, đội cứu hộ, cứu nạn đã dùng mìn phá đá ở nơi xác định có thi thể. Lúc 18 giờ cùng ngày, 3 thi thể đầu tiên đã được tìm thấy dưới một lớp đất đá khá sâu. Ba thi thể này đã xác định được danh tính gồm: Phạm Văn Thích (1981, Thanh Hóa), Trịnh Bá Kỷ (1957, Hà Tây) và Nguyễn Quốc Trưởng (1979, Hải Dương).

 
Cắm cờ hiệu và bắt hương xác định vị trí các nạn nhân bị chôn vùi -  ảnh: N.P

Tuy nhiên, những thi thể còn lại sẽ rất khó khăn cho việc tiếp cận, tìm kiếm vì có thể nằm sâu dưới những tảng đá rất lớn từ 15 đến 30 mét. Phương án đã được thống nhất thực hiện là sau khi phá dỡ phần ngọn an toàn, sẽ mở con đường từ hai bên lườn núi mở vào, sau đó vận chuyển đất đá ra ngoài bằng ô tô để tìm kiếm. Trước đó, phương án đánh bạt núi từ phía dưới đưa ra đã được loại bỏ, vì ngay dưới chân núi là một vực sâu và khi đánh bạt phía dưới, đất đá từ trên sẽ đổ sập xuống. Quá nguy hiểm.

Công việc phá đá và tháo dỡ đất đá để tìm nạn nhân sẽ được tiến hành liên tục cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, do quá phức tạp và nguy hiểm nên dự kiến sẽ mất rất nhiều thời gian. Theo tính toán của ban chỉ đạo khắc phục sự cố, có thể phải mất từ 15 đến 20 ngày mới có thể tìm thấy hết thi thể nạn nhân.  

Tang thương núi rừng Bản Vẽ

Hôm qua, một không khí tang thương, đau buồn trùm lên núi rừng Bản Vẽ. Con đường dẫn vào công trường ngập người và xe cộ. Những gương mặt buồn, những ánh mắt hằn rõ nỗi đau thương. Bóng của những người công nhân gầy guộc, đôi mắt thâm quầng, thất thần bên chân đồi. Đêm trước dường như họ không chợp mắt được.

 
Chờ đợi trong nỗi đau -  ảnh: N.P

Dưới chân núi D3, nơi xảy ra thảm họa, người đàn ông mặc chiếc áo da, ngồi bó gối, lặng im. Đó là cậu ruột của công nhân Đinh Văn Hải (Nghệ An), anh Nguyễn Văn Thành. Chúng tôi gợi chuyện, phải một lúc, anh Thành mới kìm được cảm xúc. "Mới mấy ngày trước, nó về thăm nhà, tui và bố mẹ nó cùng ngồi bàn chuyện tìm ngày đẹp để cưới vợ cho nó, rứa mà...". Mẹ Hải, khi hay tin con mình bị đá vùi, tụt huyết áp, phải nhập viện cấp cứu. Nỗi đau cũng hằn rõ trên gương mặt bạn bè của nạn nhân Huỳnh Anh Vũ (Phú Thọ). Vũ ra đi khi vừa mới cưới vợ tròn 25 ngày. Anh Vũ Văn Mười (Nam Định) thì không còn trở về nhà khi chưa kịp tìm cho mình giọt máu nối dõi. Gần 39 tuổi mới lập gia đình. Ba tháng trước, anh về chịu tang đứa con đầu lòng mất vì sinh thiếu tháng. Người vợ anh ở quê chưa nguôi nỗi đau mất con thì nay lại mất chồng.

Người may mắn thoát chết trong thảm họa

 Anh Vũ Văn Thủy, quê ở Văn Yên, Yên Bái, đã may mắn thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng này. Anh Thủy kể lại, nét mặt vẫn chưa hết bàng hoàng: "Lúc đó khoảng 10 giờ 25 phút, tôi đang lái cho xe lùi vào công trường D3 chờ bốc đất. Bỗng nhiên thấy đất trời rung chuyển. Tôi xoay tay lái, xe lao bật ra khỏi vị trí lấy đất, trôi xuống bờ vực". Thật may mắn, bên bờ vực sâu thẳm này có một chiếc máy xúc đang đậu. Chiếc máy xúc ấy đã ngăn được chiếc xe tải và cứu được tính mạng anh.

Một dãy lều tạm được dựng lên bên hiện trường thảm họa. Bàn thờ lập ra ghi danh tính 18 con người xấu số, nghi ngút khói hương. Hầu hết các anh còn rất trẻ và chưa lập gia đình. Một số anh em đã có lễ ăn hỏi, chờ ngày cưới vợ. Nhưng cái ngày vui nhất đời người ấy đã không còn bao giờ đến nữa. Sáng qua, những công nhân là bạn của nạn nhân, bấm máy gọi cho bạn, chuông vẫn đổ. Nhưng bên kia chỉ là sự im lặng. 

Buổi chiều, anh rể của kỹ sư Nguyễn Thế Sơn từ Diễn Châu (Nghệ An) đến được công trường tìm em. Chị Hằng, vợ anh Sơn không còn đủ sức để lên với chồng. Buổi sáng định mệnh đó, anh Sơn bảo với một đồng nghiệp rằng cho mình đổi ca, làm ở gần hơn để tiện cho việc uống thuốc vì bị đau dạ dày. Và sự đổi ca đó đã trở thành định mệnh. Trời sắp tối, chiếc xe khách mang biển số Thanh Hóa lao nhanh lên công trường. Lại những tiếng khóc xé lòng, đau đớn...

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Bằng mọi cách để tìm kiếm cứu nạn

 
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát hiện trường -  ảnh: N.P

Chiều qua, sau khi đi thị sát hiện trường, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp khẩn với các cơ quan ban ngành liên quan tìm giải pháp khắc phục hậu quả. Sau khi dành một phút mặc niệm và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân và Tổng công ty Sông Đà, Phó thủ tướng đánh giá cao các lực lượng đã phản ứng kịp thời khi tai nạn xảy ra. Phó thủ tướng lưu ý, đe dọa lớn nhất vào thời điểm này là nguy cơ xảy ra mất an toàn tại hiện trường tai nạn, chính vì vậy các cơ quan đơn vị liên quan phải kiểm soát chặt chẽ tại khu vực xảy ra tai nạn và trên toàn công trường, tuyệt đối không được để tình huống xấu nào xảy ra.

Phó thủ tướng yêu cầu phải trực 24/24 giờ để tìm kiếm nạn nhân bằng mọi cách, nhưng phải tuyệt đối an toàn. Ông cũng lưu ý, vì thời gian triển khai tìm kiếm nạn nhân kéo dài nên vấn đề vệ sinh môi trường phải được chú trọng. Khi phát hiện thi thể nạn nhân, sau khi làm vệ sinh sạch sẽ và các thủ tục cần thiết mới đưa về gia đình. Mặt khác, các đơn vị cũng lưu ý ổn định tâm lý cán bộ công nhân viên, cố gắng nỗ lực để vẫn hoàn thành mục tiêu vận hành máy vào đầu năm 2009.

 Khánh Hoan - Nguyễn Phê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.