Apple siết lao động tại Trung Quốc

03/02/2013 15:59 GMT+7

Apple đang siết chặt lao động sau những xì-căng-đan tồi tệ về tình trạng lao động hà khắc của các nhà sản xuất ở Trung Quốc, làm vấy bẩn danh tiếng của Apple

Hôm 25-1, Apple tung ra bản báo cáo “Tiến độ cải thiện trách nhiệm của nhà sản xuất” lần thứ 7, trong đó có những quyết định xử phạt nặng tay đối với các nhà sản xuất vi phạm các vấn đề về lao động như sử dụng lao động trẻ em, điều kiện lao động hà khắc...

Điều kiện lao động đã được cải thiện ở Foxconn
Điều kiện lao động đã được cải thiện ở Foxconn - Ảnh: Apple.com 

Sức ép buộc Apple phải hành động

Theo báo cáo này, trong năm 2012, Apple đã có 393 lần kiểm tra về vi phạm lao động, cao hơn nhiều so với 2011. Trong đó, họ đã phát hiện nhiều vi phạm và đã thực hiện những biện pháp trừng phạt, trong đó có cả việc cắt hoàn toàn hợp đồng sản xuất.

Năm ngoái, bản báo cáo tương tự như vậy với hàng loạt vi phạm bởi những nhà sản xuất tại Trung Quốc đã gây nhiều sức ép cho Apple. Sự kiện này không những thu hút chú ý với giới hoạt động nhân quyền mà còn với giới truyền thông.

Cuối cùng CEO của Apple, ông Tim Cook, đã phải trả lời phỏng vấn đài ABC News. Trong cuộc phỏng vấn này, ông nhấn mạnh tiêu chí của Apple là ưu tiên việc cải thiện điều kiện lao động ở các nhà máy tại Trung Quốc.

Apple cũng đã phải gia nhập Hiệp hội Fair Labor (FLA - một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, với nhiệm vụ giám định và bảo đảm luật lao động). FLA hiện cũng đang thực hiện các điều tra độc lập với các đối tác sản xuất của Apple tại Trung Quốc. Bản báo cáo của Apple cũng nhắc đến việc nhà sản xuất lớn nhất của họ là Foxconn đang hoàn thành các tiêu chí để đạt tiêu chuẩn của FLA vào ngày 1-7 năm nay.

Kiên quyết xử lý

Bản báo cáo trên cũng ghi nhận, khi kiểm tra hồi năm ngoái, Apple đã không tìm thấy vi phạm về độ tuổi trong lao động nào ở các nhà sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng sau đó họ đã phát hiện một trường hợp vô cùng nghiêm trọng, đó là Công ty Quảng Đông Real Faith Pingzhou Electronics (PZ) vi phạm đến 74 lần chỉ trong năm 2012, trong đó có việc sử dụng lao động trẻ em.

PZ là công ty sản xuất bo mạch điện tử không chỉ cho Apple mà còn cung cấp cho nhiều công ty công nghệ khác. Apple cũng cho biết một trong những công ty cung cấp nguồn nhân lực lớn nhất tại Trung Quốc là Shenzhen (Thâm Quyến) Quanshun Human Resources là đơn vị cung cấp lao động trẻ em cho PZ. Công ty này thậm chí còn giúp gia đình các đứa trẻ này làm giấy tờ giả để được đi làm. Apple quyết định sẽ cắt hoàn toàn các giao dịch với PZ, đồng thời báo cáo trường hợp vi phạm của công ty này đến các cơ quan chính phủ. Bản báo cáo ghi rõ: “Công ty nhân lực này đã bị tạm ngưng giấy phép kinh doanh và bị xử phạt.

Những lao động trẻ em liên quan đã được gửi trả về cho gia đình. PZ sẽ bị buộc phải trả các khoản phí cho quá trình gửi trả các em...”. Hơn thế nữa, Apple cũng sẽ báo cho các công ty khác đang ký hợp đồng sản xuất với PZ về các vi phạm này. Để phòng ngừa, Apple sẽ buộc các công ty vi phạm luật độ tuổi lao động phải thực hiện một loạt quy định cứng rắn như buộc phải gửi trả lao động vị thành niên vào các trường do gia đình các em chọn, trả lương cho các em khi đang làm việc ngang bằng với lao động. Toàn bộ quá trình này sẽ được Apple theo dõi gắt gao.

Xóa bỏ những thủ đoạn ràng buộc lao động

Một vấn đề khác mà bản báo cáo này tập trung là những lao động ràng buộc bất lợi cho công nhân. Đó là một thủ đoạn của các công ty sản xuất buộc công nhân phải trả một khoản phí lớn, có thể là thông qua việc thuê nơi ở hay mướn dụng cụ lao động. Chính những ràng buộc này đã buộc công nhân phải làm việc nhiều hơn để trả nợ. Trong năm 2012, Apple đã phát hiện 8 công ty vi phạm, buộc các công ty này phải trả lại tiền cho công nhân bất kỳ khoản phí nào lớn hơn một tháng lương. Tổng cộng khoản phí trả lại này là 6,4 triệu USD, bằng tổng lương tháng của hơn 22.000 công nhân bậc cao tại Foxconn.

Về việc nhiều cơ sở sản xuất của Foxconn lợi dụng nhân lực từ các sinh viên thực tập cũng sẽ được Apple chú ý đến. Các trường đại học ở đây, thậm chí còn móc ngoặc với các cơ sở tuyển mộ để “giới thiệu” học sinh, sinh viên đến làm “thực tập” với vai trò công nhân sản xuất. Để đối phó, Apple cho biết trong năm 2013, các nhà sản xuất sẽ phải đưa ra các số liệu về công nhân là sinh viên, với cả tên trường liên quan.

Về điều kiện an toàn lao động, chỉ có 59% trong số các nơi được kiểm duyệt đạt chuẩn của Apple. Nói chung, tỉ lệ này không được cải thiện quá nhiều so với năm 2011. Apple cũng tăng số lần kiểm tra về môi trường. Trong 55 lần kiểm tra, họ đã phát hiện 147 cơ sở có vấn đề với việc chứa, vận chuyển hay sử dụng các hóa chất độc hại.

Trước sức ép của dư luận, Apple đang siết chặt việc quản lý lao động tại các nhà máy ở Trung Quốc để bảo vệ hình ảnh một công ty nổi tiếng toàn cầu.

Theo Xuân Hạo / Người Lao Động

>> Apple lần đầu qua mặt Samsung tại thị trường Mỹ
>> Apple ngừng bán Mac Pro tại châu u
>> Apple chính thức trình làng bản iOS 6.1
>> Nhà táo" khắc phục lỗi trên Apple Maps
>> Apple lãi ròng hơn 13 tỉ USD
>> Apple ra hai mẫu iPhone mới trong năm 2013?
>> Apple mở bán bản tân trang MacBook Pro 13 inch Retina
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.