Văn hóa giao thông

19/12/2008 00:14 GMT+7

Làm thế nào tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông tới đông đảo thanh niên có hiệu quả? Đó là lý do T.Ư Đoàn và Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức hội thảo xây dựng cuộc vận động "Thanh niên với văn hóa giao thông" sáng qua 18.12, tại Hà Nội.

Anh Nguyễn Phước Lộc, Trưởng ban Mặt trận T.Ư Đoàn cho rằng: "Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường vai trò và sự tham gia của Đoàn vào công tác bảo đảm ATGT, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa khi tham gia giao thông với đông đảo thanh niên là việc làm rất cần thiết".

Bức xúc trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT), đặc biệt là con số 12 cán bộ Đoàn của tỉnh Hải Dương bị thiệt mạng khi tham gia giao thông trong năm 2008, anh Hoàng Quốc Thưởng, Trưởng ban Mặt trận thanh niên (Tỉnh Đoàn Hải Dương) kiến nghị: "Tổ chức Đoàn nên phối hợp với ngành giao thông, công an tổ chức các lớp đào tạo cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô xuống các cơ sở Đoàn. Đó là biện pháp nâng cao trình độ hiểu biết của thanh niên về luật ATGT".

Từ thực tế cơ sở, Bùi Anh Xứng, Phó bí thư Đoàn xã Lạc Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cho hay, biện pháp để thanh niên nâng cao kiến thức về ATGT nhanh nhất là thông qua thơ, ca, hò vè. Anh Xứng chia sẻ kinh nghiệm: "Mượn giai điệu của những ca khúc nhạc trẻ, nhạc rap đang được thịnh hành trong giới trẻ, sáng tác lời mới là một cách rất hiệu quả để chuyển tải những thông điệp tuyên truyền ATGT".

Còn theo bạn Nguyễn Thu Huệ, sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, cách đánh vào trực giác làm chuyển biến nhận thức, hành vi của giới trẻ là nhanh nhất. Huệ đề nghị: "Những buổi sinh hoạt tập thể, buổi sinh hoạt Đoàn về chủ đề ATGT nên có hình ảnh, những thước phim phản ánh các lỗi vi phạm, những hành vi chưa đẹp khi tham gia giao thông. Ngoài ra, ở ngã ba, ngã tư, chân cầu vượt, cầu đi bộ... nơi thường xuyên xảy ra TNGT nên dán các tấm áp-phích, tranh ảnh cảnh báo...".

Xây dựng tiêu chí về "văn hóa giao thông" làm thước đo để thanh niên soi vào đó thấy điều gì mình cần làm và điều gì mình không nên làm của TS Trần Văn Miều cũng được nhiều đại biểu đồng tình. Theo TS Miều, những tiêu chí đó bao gồm: thanh niên cần biết, cần hiểu một cách đầy đủ các quy định về trật tự ATGT; cần tích cực đấu tranh, phê phán hành vi vi phạm; cần tự giác và gương mẫu chấp hành các quy định ATGT.

Đánh giá cao mô hình thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự ATGT, TS Lê Thị Bích Hồng, Ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị: "Ngoài việc Đoàn thanh niên duy trì và phát huy mô hình này, ngành giáo dục cần đưa luật giao thông và văn hóa giao thông vào các tiết học chính khóa nhằm hình thành cho các em ý thức về văn hóa khi tham gia giao thông ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, tuyên truyền phải đi liền với xử phạt, xử lý hành chính cương quyết mới đủ sức răn đe".

Anh Nguyễn Phước Lộc thì nhận xét: "Đây là cuộc vận động chưa có tiền lệ. Song bằng thái độ, trách nhiệm và ý thức của tuổi trẻ, chúng ta quyết đưa cuộc vận động thành nét đẹp văn hóa, tiêu chí phấn đấu của thanh thiếu niên VN".

 Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.