Phía sau những mùa tôm - Truyện ngắn của Dương Trà Mi

27/11/2011 00:30 GMT+7

1 “Anh ở lại một mình, tôi mang con Lành theo chớ để nó sống ở đây thì suốt đời rồi cũng khổ như tôi. Người ta xây nhà, sắm xe ào ào, ai như anh, mùa tôm nào cũng quặt quẹo có vài ba đồng bạc. Tôi ngán cái trại này lắm rồi”.

1 “Anh ở lại một mình, tôi mang con Lành theo chớ để nó sống ở đây thì suốt đời rồi cũng khổ như tôi. Người ta xây nhà, sắm xe ào ào, ai như anh, mùa tôm nào cũng quặt quẹo có vài ba đồng bạc. Tôi ngán cái trại này lắm rồi”.

Mặc đứa nhỏ đang khóc ngằn ngặt, Nương vẫn mang con đi. Tôi chẳng đuổi theo cũng không giữ lại, bởi tôi muốn để em tự chọn cuộc sống của mình.

Ba năm kể từ khi là vợ chồng, em chưa được sung sướng ngày nào. Mùa qua mùa, em cùng tôi rải vôi, sa phong (*), canh giờ cho tôm ăn vào mỗi sáng, mỗi khuya; rồi cùng thao thức, lo âu với những lứa tôm mới thả… Nhưng đã mấy vụ tôm đi qua mà chúng tôi vẫn không dư dả được bao nhiêu. Vẫn là căn nhà nhỏ trống hoác với chiếc giường hồi mới cưới, cái ti vi màu 14 inch và lèo tèo vài cái nồi nhôm trong bếp.

Hồi mới ủi hồ, lứa tôm đầu tiên cũng dư được vài chục triệu, vợ chồng vui vẻ để dành làm vốn để mua thêm đồ nghề, thức ăn cho tôm dự trữ đầy trong nhà. Vụ thứ hai, mới thả được bảy ngày, tôm chết nổi thành từng đám đỏ lèo bèo trên mặt nước. Từ đó về sau, tôm lứa nào không bệnh chết thì cho ăn mãi cũng vẫn không lớn được, đành bán tháo vớt vát cho được ít đồng vốn. Tình cảm vợ chồng cứ lên xuống theo từng vụ tôm. Rồi, càng ngày càng giống bát nước đã trót đổ đi, cố hốt mãi cũng không đầy lại được.

Từ ngày dân trong thôn rộ lên phong trào ủi đất làm hồ nuôi tôm, nhiều gia đình phất lên trông thấy. Cùng công chăm bẵm như nhau, nhưng con tằm mỗi nhà lại cho tơ khác nhau. Có nhà trúng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng nhưng cũng có nhà tôm bị chết yểu hoặc bị bệnh đốm trắng, vàng mang… chết hàng loạt.

Nhiều người phải bán đất đai, nhà cửa lấy tiền trả tiền giống và hàng trăm khoản nợ không tên khác rồi cuối cùng bỏ xứ lên thành phố làm thuê. Con tôm vùng này đúng là ác thiệt. Không chỉ ăn bột, cá vụn, nó đã ăn mất bao nhiêu tài sản của người dân nơi đây, giờ lại tính ăn luôn vợ con tôi.

Nhưng mà ông Trình ở bến đò, nhà có hai xe tay ga, cùng với ngôi nhà to vật vã xây sau khi trúng tiếp mấy vụ, cũng vừa bị tôm ăn mất vợ đó thôi. Ông suốt ngày dầm mình dưới hồ, làm sao hay được vợ mình cuỗm hết tiền vàng bỏ trốn với thằng coi trại thuê.

Nghĩ đến đây, nước mắt tôi bỗng rơi độp giữa trưa hè nắng gắt. Bốn bề không một ngọn nồm. Tôi ngước lên, nhìn theo dáng Nương tất tả trên con đường bê tông duy nhất trong thôn.

2 Hai vụ liên tiếp lỗ hơn bốn chục triệu nên vợ chồng con Hồng đành bỏ con tôm, lên thành phố xin vào làm công nhân đã mấy tháng nay. Hai vợ chồng thuê căn phòng trọ hẹp trú ở tạm qua ngày.

Mấy ngày đầu, thằng Định ngán tận óc cái điệp khúc của vợ: “Anh, đồ ăn ở đây mắc dễ sợ. Có mấy con cá nhỏ xíu mà mười mấy ngàn. Ở quê mình thì giỏi lắm năm ngàn là cùng”. Rồi lại: “Em hết thở nổi rồi. Nóng quá là nóng. Khổ chi khổ dữ ri trời. Dưới quê mùa này mát rượi ngủ đã luôn”. Đôi khi con Hồng cũng xuýt xoa: “Sống ở thành phố cũng sướng thiệt. Tối bước ra đường là đèn điện sáng choang chớ đâu như ở quê mình”. Rồi cười hì hì: “Tháng ni anh làm tăng ca được thêm bốn trăm. Mai em mua thịt về ăn khao anh hỉ”.

Con Hồng vừa học xong khóa may công nghiệp ở trung tâm dạy nghề. Định đang nhăm nhe xin cho vợ vô làm ở xí nghiệp may gần nhà.

“Không ham làm giàu từ con tôm nữa. Anh sợ rồi”. Định nói khi đang chở vợ lên nhà ông giám đốc Tần của hãng. Cũng có quen biết sơ sơ nên không chỉ định xin cho vợ làm công nhân, Định còn mua hai ký cua gần bốn trăm ngàn đem theo tặng ông Tần để xin cho vợ làm tổ trưởng.

Con Hồng nói với chồng sau khi chọn được mấy con cua to nhất đang bò lổm ngổm trong cái thau nhôm: “Rứa là mình chỉ còn hai trăm ngàn. Cuối tháng anh qua chị Hai mượn ít tiền về đong gạo hỉ”.

Nhà ông Tần là một biệt thự hai tầng sang trọng trong một con hẻm yên tĩnh. Hai vợ chồng được mời vào nhà. Hỏi thăm mới biết ông Tần ở một mình. Vợ con ông đang ở bên nhà ngoại trong Sài Gòn, mỗi tháng ông vào thăm một lần. Thăm hỏi đôi ba câu xong, hai vợ chồng mới mang mấy con cua ra tặng nhưng ông Tần nhất định không lấy, ông nói nhà không có ai nấu nướng. Thằng Định nghĩ bụng: “Sao ổng không nhận cho rồi. Hễ nhận là coi như sẽ chịu giúp vợ chồng mình. Đằng này…”.

Tốn tiền mà chẳng được việc, hai vợ chồng bàn nhau ngày mai đem cua ra chợ bán. Con Hồng hí hửng: “Chắc không chỉ lấy lại vốn mà còn có khi còn lời đó anh. Mình chạy về quê mua tận nơi, chắc bán ở thành phố sẽ được giá lắm”.

Vậy mà hai vợ chồng đi mấy chợ cũng không có ai chịu mua cho. Vợ chồng cứ nơm nớp lo để lâu, mấy con cua bị rụng càng thì chỉ có nước đem về ăn. Con Hồng nài nỉ mấy bà hàng cá mua mãi không được, đánh liều rao bán trong chợ siêu thị “Cua sông tươi rói, vừa bắt sáng nay. Giá rẻ mấy chị ơi”.

Dù bị ép giá nhưng cuối cùng cũng bán được cua khiến vợ chồng con Hồng mừng rơn. Thôi thì cũng lấy lại được ít tiền, chỉ lỗ chín mươi ngàn cộng với tiền xăng chạy xe máy về quê chiều qua.

3 Gặp hai vợ chồng con Hồng ở đám giỗ xóm trên, nó nhìn tôi vẻ thương hại rồi nói nhỏ: “Em gặp chị Nương trên phố. Bữa ni chỉ đẹp lắm. Chỉ bồ ông giám đốc chỗ em… Còn phần anh, anh coi thử có ai hợp tính, hiền lành thì rủ về sống chung cho có người bầu bạn”.

Hồng còn cho biết bé Lành con tôi rất mau lớn và đã đi học mầm non, cả chuyện vợ chồng nó đến giờ vẫn chưa trả hết nợ… Tôi ậm ừ cho qua chuyện nhưng vẫn thấy đau quặn trong lòng. Tôi nhớ con gái quá. Hồi Nương mới bỏ đi, đêm nào tôi cũng thức giấc vì cảm giác bất lực không giữ được con cứ quần đi quần lại trong đầu.

Sự day dứt và nỗi nhớ con làm tôi trở nên điên dại mỗi khi đêm xuống. Trong cái trại nhỏ heo hút, không ai biết tôi đã trải qua những tháng ngày như vậy. Giờ nghe nói về con, tôi thấy an lòng hơn đôi chút. Nhìn lại mình, thấy vẫn trắng tay, tôi tự thấy Nương đã sáng suốt chọn con đường đúng.

4 Đã ba năm kể từ buổi trưa ấy.

Trời hôm nay cũng đứng gió, cũng oi bức như cái ngày Nương bồng con bỏ đi.

Tôi lên phố tìm mẹ con Nương suốt mấy ngày nhưng không ai hay biết tin tức gì của Nương. Lần hỏi những chỗ quen biết, mọi người đều bảo Nương đã bỏ xứ vô Sài Gòn. 

Tôi định về gặp lại vợ chồng con Hồng ở bến xe trung tâm. Nghe đâu con Hồng đã nghỉ làm, bởi xí nghiệp may giải thể. Hai vợ chồng dắt díu ra đây mở quán nước qua ngày.

Con nhỏ ngày xưa hiền lành là thế nhưng mới sống ở thành phố mấy năm mà đã trở nên khá đanh đá. Mời nước người ta không mua, nó gườm gườm, giả vờ té ịch vào người họ.

Thằng chồng cũng ra dáng dân bến xe bặm trợn. Nó đón đầu khách, mời họ lên mấy cái xe dù để kiếm tiền cò. Chỉ có một điều không thay đổi, là hai vợ chồng vẫn thương yêu nhau rất nhiều. Nhìn cách tụi hắn nhường nhịn nhau từng miếng ăn là biết.

Buổi trưa, hai đứa chỉ mua một hộp cơm và ba nghìn cơm trắng ăn thêm rồi chia nhau. Con Hồng - sau khi húp chút nước canh lõng bõng mà chồng để dành cho - thao thao kể: “Đến cuối năm ni thì bọn em trả hết nợ vay làm tôm. Kinh quá anh ơi, lãi mẹ đẻ lãi con. Tụi em mà không dính nợ thì giờ cũng mua được miếng đất rồi. Dang nắng dang mưa ở đây, mỗi tháng kiếm được cũng đỡ đỡ. Nhưng vợ chồng em phải tiết kiệm để trả nợ và nuôi con nhỏ”.

Nó lại hỏi tôi sao chưa chịu cưới vợ. “Bây giờ anh giàu rồi, thiếu gì gái tơ. Bà Nương giờ mà biết anh giàu rứa chắc tiếc lắm. Em công nhận là tiền quan trọng thiệt, nhưng trên đời này tình cảm vẫn là nhất. Anh thấy đó, anh được trời phật phù hộ cho lại thứ khác, chớ anh đâu có mất hết”. Tôi bảo: “Ngày xưa anh đã sai khi không cố giữ chị Nương lại”.

Nói xong, tôi chạy đi mua mấy lon sữa để gởi về cho con nó.

***

5Giờ thì tôi đã có thể mua nhà, mua xe cho Nương. Tôi đã làm giàu được trên những hồ tôm quê mình. Nhưng tiền bạc không khiến tôi vui nổi mỗi khi nhớ lại cảnh vợ chồng í ới nhắc nhau cho tôm ăn, nhớ món canh cá diếc nấu rau răm ngọt ngào của Nương, nhớ những khi ú òa chơi đùa với con…

Cái trại nhỏ giờ được san lấp, thay bằng ngôi nhà mới đầy đủ tiện nghi. Đôi lúc ngẫm nghĩ, tôi cũng định bán hết nhà cửa đất đai, hồ trại, bỏ xứ đi nơi khác sống để đỡ phải thấy phải nhớ những kỷ niệm ngày cũ. Nhưng rồi không sao làm nổi, tôi đành ở lại.

Ở lại để hy vọng mẹ con Nương quay về. Để được tha thứ cho em, được bồng con trong tay và mua cho nó những áo đầm, những búp bê đẹp mà chắc con Lành rất thích.

Cứ thế, tôi cứ quay vòng vòng trong cái mạng nhện chờ đợi, nhớ mong, để nó ngày càng thít chặt lấy mình nhiều hơn nữa...

***

Mỗi ngày, lúc trời sập tối, khi bộ quần áo bạc màu phèn được thay ra cũng là lúc người đàn ông bắc ghế ra trước sân ngồi ngóng suốt ra đường lộ.

Ông ngồi đó cho đến khi trời tối hẳn không thể nhìn thấy mặt người mới chịu trở vô nhà.

Cứ vài ba hôm, ông lại bày thêm chai rượu với mấy con khô. Và khi men đã thấm, ở khóe mắt ông rỉ ra vài giọt nước. Ông càng cố chùi, nó càng trào ra nhiều hơn.

Đó là tiếng khóc khô, bởi nó không phát ra một âm thanh nào.

Mặc bao sự đời và cảnh khóc cười của con người, dưới những lòng hồ trong veo, hàng vạn con tôm vẫn đang búng mình tận hưởng sự no nê của bữa ăn chiều và cả cái không khí dìu dịu của một ngày đang chuyển sang đêm xứ Quảng.

D.T.M

-------------------------------------
(*) “Sa phong”: từ địa phương, chỉ việc xả nước làm sạch hồ ở ngay nút tâm của hồ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.