Đồ dùng cũ: Lợi bất cập hại

22/09/2012 08:35 GMT+7

Ngoài quần áo, những vật dụng khác không nên dùng lại cho trẻ, vì chúng tiềm ẩn nhiều mối nguy hơn là có lợi.

 Đồ dùng cũ lợi bất cập hại

Nên cẩn trọng khi cho trẻ dùng lại đồ chơi cũ (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thói quen sử dụng lại đồ chơi và đồ dùng cũ cho bé của các bà mẹ bắt nguồn từ tính tiết kiệm đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Nhiều bà mẹ cố ý mua sắm thật nhiều đồ dùng lẫn đồ chơi cho đứa con đầu với lý lẽ “để sau này em nó còn dùng”. Đây là một đức tính tốt, giúp các bà mẹ chi tiêu hợp lý hơn trong thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”, nhưng chắc chắn đó không phải là phương pháp tối ưu bởi đã không ít trường hợp dở khóc dở cười khi sử dụng lại đồ các món đồ secondhand này.

 

Theo bác sĩ Trương Anh Mậu (chuyên khoa Ngoại - Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM), nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do chấn thương từ đồ chơi và vật dụng trong gia đình như xe tập đi, cũi... đặc biệt là các bé nuốt dị vật, nếu không cấp cứu sớm sẽ rất nguy hiểm.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cũng thường xuyên tiếp nhận các trẻ nhỏ 3 - 5 tuổi gãy xương tay, chân do sử dụng xe Scooter, giày trượt patin.

Theo các chuyên gia tâm lý, thường xuyên thay mới đồ chơi và đồ dùng cho trẻ có nhiều tác dụng tích cực, vừa không gây nhàm chán cho trẻ, vừa bảo đảm tính an toàn sức khỏe.

“Mỗi món đồ dùng thường có niên hạn sử dụng trung bình là 5 - 7 năm, tuy nhiên, nếu trong điều kiện bảo quản không tốt (như ảnh hưởng khí hậu, môi trường, đồ đạc phải di chuyển nhiều do chuyển nhà...) thì thời gian rút ngắn xuống còn 2 - 3 năm.

Đó là hàng chính hãng, còn đối với sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì thời gian sử dụng còn ngắn hơn” - ông Nguyễn Viết Hiệu (Trưởng phòng Marketing Công ty CP chăm sóc mẹ & em bé - MBCare) lưu ý.

Cũi là vật dụng phổ biến trong các gia đình có trẻ nhỏ và tỷ lệ tái sử dụng cao nhất. Tuy nhiên, cần cẩn trọng khi sử dụng lại cũi vì các thanh chắn bằng gỗ, theo thời gian có thể long ra khiến trẻ rớt ra ngoài hoặc bị xô lệch khiến trẻ bị kẹt tay, chân. Chưa kể do nước tiểu, sữa, chất thải của trẻ tác động lên cũi trong thời gian dài cộng với điều kiện ẩm mốc của không khí có thể khiến em bé tiếp theo sử dụng sẽ bị mẩn ngứa và viêm da.

Theo Ủy ban Vì sự an toàn của sản phẩm tiêu dùng Mỹ, cũi là thứ thường xuyên bị thu hồi tại Mỹ và Canada vì chúng thường gây ra các tai nạn cho trẻ như té ngã, mắc kẹt do hoạt động sai, phụ huynh lắp ráp không đúng quy cách hoặc quá cũ.

Tiếp theo là xe đẩy. Xe đẩy thường được sử dụng mỗi ngày khi đưa trẻ ra công viên, đi dạo quanh nhà, hoặc lên xe hơi, đi du lịch, do đó tần suất sử dụng thường xuyên và độ hao mòn diễn ra nhanh chóng. Sự xuống cấp của xe đẩy gần như đứng đầu trong các vật dụng của trẻ, vì nó có thể được sử dụng cho một đứa trẻ từ khi bé sinh ra cho tới khi 5 - 6 tuổi. Do đó tái sử dụng là điều không nên. Lúc này xe sẽ không chịu di chuyển do gỉ sét, thậm chí còn văng ốc vít ra ngoài khi cố tình kéo chúng đi. Khi xảy ra sự cố, bé yêu của bạn đang yên vị ngủ hoặc chơi sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Xe tập đi có thời hạn sử dụng ngắn hơn xe đẩy do trẻ chỉ dùng khi chưa biết đi, tuy nhiên cũng nên cẩn trọng khi dùng lại vì nhiều trẻ đã bị chấn thương khi các thanh sắt trong xe đẩy gãy ra dập vào chân. Việc chạy quá nhanh từ góc này sang góc khác trong nhà sẽ khiến bánh xe mòn đi, lúc này độ ma sát kém khiến trẻ càng dễ bị té ngã.

Hiện nay trên thị trường có bán những chiếc ghế ngồi xe hơi cũ tại các cửa hàng đồ cũ hoặc các trung tâm bảo dưỡng xe hơi. Nhiều phụ huynh thường mua lại loại ghế này do tiết kiệm - vì giá khá cao - hoặc tái sử dụng khi có người thân từ nước ngoài gửi về. Bằng mắt thường rất khó nhận biết những chiếc ghế này có bị va đập hay chưa, bởi dây, vải và màu sắc của chúng ít khi biến dạng, chỉ hư hại ở bên trong và chỉ bộc lộ khi xe xảy ra sự cố. Do đó, khi không có kỹ năng thử nghiệm độ hư hại của ghế, tốt nhất không nên “thí nghiệm” với trẻ nhỏ.

 

Theo bác sĩ Trương Anh Mậu (chuyên khoa Ngoại - Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM), nhiều trường hợp Những vật dụng rèn luyện thể lực cho trẻ như giày patin, xe trượt Scooter... nếu mua hàng Trung Quốc hoặc dùng lại đồ cũ sẽ rất nguy hiểm. Do khi sử dụng, trẻ thường lao với vận tốc lớn, đẩy trớn nhanh, có khi trượt từ trên dốc cao xuống nên khi xảy sự cố rất dễ gãy xương.

Đồ trang sức và đồ hóa trang cho trẻ cũng hay được sử dụng lại do chúng chỉ được mang ra dùng trong những dịp lễ nên độ hao mòn không thấy rõ. Những bộ đồ hóa trang Halloween, trang phục ông già Noel, trang phục hóa trang thành các nhân vật hoạt hình, các loại vòng đeo, nơ cài hoặc các phụ kiện đi kèm áo... thường sử dụng hết năm này sang năm khác hoặc từ bé lớn chuyển sang bé nhỏ.

Tuy nhiên, bạn không biết rằng chúng chứa nhiều chất như sơn hóa học, nickel, chì, nhựa kim tuyến, catmi, phẩm màu... để tạo độ bóng đẹp và khiến món đồ trở nên nổi bật, những chất này có thể khiến trẻ nhiễm độc khi sử dụng nhiều lần.

Núm vú giả là vật dụng quen thuộc của trẻ nhỏ, chúng thường chịu tác động bởi nước bọt của trẻ, nhiệt độ của nước sôi khi tiệt trùng, lực của răng và nướu trẻ, nên theo nhà sản xuất chúng cần được thay mới sau 3 - 6 tháng. Bởi theo ghi nhận, không ít trẻ đã nuốt luôn phần núm vú cao su trong khi ngủ hoặc chơi đùa, do phần nhựa ở cuống núm bị tuột ra hoặc đứt gãy khi quá cũ. Điều nguy hiểm là núm vú cao su có thể gây trẻ ngạt thở do co bóp và đi vào cổ họng dễ dàng.

Kiến Văn

>> Nguy cơ từ đồ chơi “quả bóng trương nở”
>> Cẩn thận đồ chơi có pin cúc áo
>> Cấm tặng đồ chơi khi bán thức ăn nhanh cho trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.