Để thi tốt môn Vật lý

21/12/2008 00:22 GMT+7

Thanh Niên xin giới thiệu nhận xét và kinh nghiệm ôn tập môn Vật lý xung quanh đề thi minh họa. > Để thi tốt môn Toán > Để thi tốt môn Hóa và Sinh

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009, Bộ GD - ĐT đưa ra cấu trúc đề thi sớm hơn so với mọi năm. Đây là năm đầu tiên thi theo chương trình lớp 12 phân ban mới được áp dụng trên toàn quốc.

Theo sách giáo khoa Vật lý lớp 12 nâng cao, lượng kiến thức mới đưa thêm vào như phần Vật rắn, từ vi mô đến vĩ mô... chiếm khoảng 18%, lượng kiến thức đã dạy nhiều năm trước chiếm khoảng 82%. Cách trình bày, dẫn giải nhiều phần có sự thay đổi so với sách giáo khoa cũ như: các phương trình dạng dao động điều hòa chuyển từ hàm sin sang hàm cos... Các thầy, cô giáo phải làm quen với những cái mới, vì thế việc truyền đạt kiến thức cũng cần quen dần mới có thể nhuần nhuyễn như trước.

Để làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Vật lý trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi ĐH-CĐ của năm học này, các em cần học thật kỹ các kiến thức lý thuyết cơ bản trong sách giáo khoa. Mỗi khái niệm, mỗi hiện tượng vật lý đều phải nắm chắc bản chất hiện tượng, nội dung định luật và các công thức liên quan. Vận dụng được các kiến thức đó để trả lời các câu hỏi và làm bài tập. Sau mỗi phần kiến thức đã học nên tổng kết những dạng bài cơ bản, những công thức thường dùng để ghi nhớ.

Theo đề thi mẫu của Bộ GD - ĐT trong sách Cấu trúc đề thi... 2009 (NXB GD), đề thi ĐH-CĐ gồm 50 câu. Phần chung gồm 40 câu. Đó là phần kiến thức giao thoa của chương trình: chuẩn và nâng cao.

Phần riêng cho mỗi chương trình còn lại là 10 câu. Phần này thí sinh được quyền lựa chọn làm 1 trong 2 phần không bắt buộc học chương trình nào phải làm theo chương trình đó. Theo đề mẫu của Bộ, phần riêng của chương trình chuẩn được nhiều thầy, cô giáo và học sinh đánh giá dễ hơn phần riêng theo chương trình nâng cao.

Toàn bộ 50 câu hỏi và bài tập ở đề mẫu, số câu khó khoảng 20%, còn lại là các câu ở mức độ trung bình, khá. Trong 40 câu phần chung có 16 câu hỏi định tính, 24 câu định lượng. Phần riêng của chương trình chuẩn có 5 câu định tính, 5 câu định lượng. Phần riêng của chương trình nâng cao có 2 câu định tính, 8 câu định lượng.

Thời gian làm bài 90 phút, tính trung bình thời gian dành cho mỗi câu là 1,8 phút. Thời gian ngắn vì thế lượng kiến thức trong mỗi bài cũng chỉ tương ứng ở mức độ vừa phải, không thể quá khó, quá dài.

Với các câu hỏi định tính và các bài tập định lượng trung bình, chỉ cần các em nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể làm tốt. Những bài này cần giải quyết thật nhanh. Khi làm những câu hỏi định tính phải rất chú ý xem yêu cầu của đầu bài là chọn đúng hay sai. Loại câu hỏi và bài tập trắc nghiệm được Bộ chọn dùng để ra đề thi là loại: chỉ có 1 phương án được lựa chọn trong 4 phương án. Nếu đã xác định được đáp án chắc chắn thì không cần đọc tiếp nữa mà nên chuyển sang câu khác (ví dụ như câu 28 chỉ đọc đến phương án B là ta đã xác định được phương án trả lời). Những câu có 2 phương án đối lập nhau thì phần lựa chọn sẽ là một trong 2 phương án đó (ví dụ như ở câu 33, 34).

Với các bài tập định lượng cần phải chú ý đầu bài cho cái gì, hỏi cái gì, đơn vị của các đại lượng đã đổi về đơn vị chuẩn chưa, để tránh hiện tượng công thức đúng, kết quả sai. Khi tiến hành giải bài tập, thường cứ tìm ra một phần nào đó ta đã có căn cứ để dựa vào đó để loại trừ dần các phương án. Ví dụ ở câu 15 chỉ cần dựa vào dữ kiện U0L=U0C/2 ta đã có thể loại trừ được 2 phương án A, C. Nhiều trường hợp không cần phải tìm ra tất cả các kết quả theo câu hỏi ta đã có thể xác định được phương án trả lời. Ví dụ như câu 19: chỉ cần xác định được tổng trở Z của mạch điện khi K đóng và khi K mở có Zđ = Zm ta đã có thể suy ra cường độ dòng hiệu dụng bằng nhau nên dễ dàng suy ra tỷ số 2 công suất tỏa nhiệt như phương án B. Nhờ vậy ta có thể rút ngắn thời gian làm bài. Nếu kiến thức của các em vững vàng, việc loại trừ dần các phương án còn có thể thực hiện nhanh hơn nữa mà vẫn rất chính xác. Thời gian còn lại dành cho các câu khó.

Các câu khó có thể chỉ gồm kiến thức trong 1 phần, cũng có thể là kiến thức tổng hợp của nhiều phần trong chương trình. Nó không có độ khó như bài tự luận trước kia, nhưng nó cũng có đủ độ khó và còn đòi hỏi phải hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Chính vì vậy, việc nắm chắc kiến thức cơ bản và rèn luyện thông qua làm nhiều các bài tập tự học sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong phần này.

Trao đổi với nhiều học sinh lớp 12 học chương trình nâng cao, các em cũng đều tỏ ý: nếu đề thi ĐH-CĐ mức độ như đề mẫu của Bộ, các em sẽ lựa chọn phần riêng theo chương trình chuẩn. Lượng kiến thức phải ôn thi cũng sẽ bớt đi so với chương trình nâng cao. Đó cũng là cách tự mình giảm tải cho mình.

Với cách thi trắc nghiệm như hiện nay, kiến thức trải đều từ đầu tới cuối chương trình học nhưng tập trung cơ bản ở lớp 12. Mức độ đề ra hoàn toàn nằm trong chương trình học. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới, các em cần chuẩn bị thật tốt cho mình đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm bài trắc nghiệm ngay từ bây giờ. Chúc các em thành công.

Nguyễn Quý Xuân
(Giáo viên trường THPT Việt Đức - Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.