Báo Thanh Niên - Như một bất ngờ lớn

15/12/2005 15:28 GMT+7

Tổng biên tập đầu tiên của báo Thanh Niên, thuở mới ra đời, là một người rất quen tên trong phong trào sinh viên học sinh đô thị miền Nam: anh Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Chính trong thời gian bị giam giữ ở các nhà tù miền Nam, anh Huỳnh Tấn Mẫm đã gặp những người bạn về sau đã cùng anh gây dựng nên tờ báo của Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam.

Sau thời gian làm việc ở Tuần tin Thanh Niên, anh đã trở về với công việc chuyên môn của mình, trong ngành y. Nhân kỷ niệm sinh nhật tuổi hai mươi báo Thanh Niên, anh Huỳnh Tấn Mẫm đã hồi tưởng những vui buồn đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian làm báo…

* Sắp đến sinh nhật hai mươi tuổi của báo Thanh Niên, anh có thể trò chuyện cùng những người đang làm báo Thanh Niên và bạn đọc của Thanh Niên về một giai đoạn lịch sử của báo không?

- Rất sẵn lòng.

* Xin anh hãy cho biết, từ suy nghĩ nào trong các anh để tờ Thanh Niên ngày nay được ra đời?

- Sau giải phóng, nhiều cán bộ trẻ từng tham gia phong trào sinh viên học sinh đô thị miền Nam rất muốn có một tờ báo cho thanh niên, như một diễn đàn nhằm bày tỏ nguyện vọng của các tầng lớp thanh niên rộng rãi, cũng là cách tập hợp thanh niên, tạo điều kiện cho họ có mặt trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới. Nhưng phải qua một quá trình lâu dài thì tờ báo ấy mới có thể có mặt.

Lúc ấy, anh Lê Quang Vịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh Niên thời bấy giờ, và tôi, đang là Phó Ban Mặt trận Trung ương Đoàn (anh Sáu Phong là Trưởng ban) - Phó Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam, là những người hăng hái nhất trong chuyện xin ra báo.

Tôi vừa làm nghiên cứu sinh ở Viện Hàm lâm Khoa học Xã hội Liên Xô về, rất muốn làm một việc gì thật cụ thể cho phong trào. Tôi nghĩ đến một tờ báo, bởi báo chí vừa là diễn đàn để tập hợp, tổ chức thanh niên, cũng vừa là phương tiện để trao đổi, tuyên truyền, hướng dẫn thanh niên trong giai đoạn mới. Trong một lần lục lọi tủ sách của Trung ương Đoàn để đọc, tôi tìm thấy tờ Thanh Niên mà Bác Hồ đã sáng lập, vậy là cái tên Thanh Niên đã in sâu trong đầu tôi.

Thế nhưng ban đầu, tờ báo chỉ được mang tên Tuần tin Thanh Niên, có vẻ như chỉ hạn định trong tầm vóc một tờ thông tin lưu hành nội bộ mà thôi.

* Và các anh đã bắt đầu công việc như thế nào?

- Thật không thể tưởng tượng được là chúng tôi bắt đầu mọi việc chỉ với hai bàn tay trắng, chỉ với "3 không" như Nguyễn Công Khế vẫn thường nói: không biên chế, không kinh phí, không trụ sở. Chỉ có duy nhất một tờ giấy phép!

Khi làm thủ tục để xin Khế về làm tờ Tuần tin Thanh Niên, chúng tôi đã bị báo Phụ Nữ Việt Nam, nơi Khế đang công tác, từ chối. Tôi và Nguyễn Công Khế, Đặng Thanh Tịnh từng là chiến hữu khi ở tù chung tại Chí Hòa, tôi biết Khế có khả năng viết lách, vì vậy cứ tiếp tục đề nghị với các chị bên báo Phụ Nữ Việt Nam, để cuối cùng Khế có thể về làm việc.

Vì không có trụ sở nên tòa soạn ban đầu của Tuần tin Thanh Niên là hành lang nhà 145 Nguyễn Thị Minh Khai, lúc bấy giờ là văn phòng của Câu lạc bộ Hội Liên hiệp Thanh Niên. Cái máy đánh chữ duy nhất của tòa soạn cũng phải mang từ nhà tôi sang.

Không có biên chế nên tất cả những người có mặt lúc đầu đều là tình nguyện viên không ăn lương. Không có giấy để in báo nên phải chạy vạy khắp nơi. Lúc đó, giấy chỉ được cấp theo định mức, và chỉ theo con đường xin cho. Khi thì chúng tôi chạy mượn của báo Tuổi Trẻ, khi thì nhờ anh Trần Đẳng, con trai tướng Trần Nam Trung chạy tìm mua giùm từ nam ra bắc. Không có kinh phí nên tiền công nhà in phải thiếu chịu. Thời kỳ ấy, điện cũng không đủ dùng, bị cắt liên tục, phải làm đơn xin ưu tiên. Vậy mà Xí nghiệp In 7 của anh Từ Công Đông đã vì yêu quý tờ báo mà in báo bất kể ngày đêm, cho dù Tuần tin Thanh Niên là khách hàng nghèo nhất.

* Và giai đoạn ba không của các anh đã kéo dài trong bao lâu?

- Phải sau khi vay được 50.000 đồng của bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh để ra tờ Tin nhanh, nhân dịp EURO 86, chúng tôi mới bắt đầu có chút đỉnh vốn. Tin nhanh EURO in đến 60.000 bản, bán hết sạch, chúng tôi có tiền để trả công in, mua giấy, làm tiếp.

Sau thời gian ăn nhờ ở đậu ở hành lang nhà 145 Nguyễn Thị Minh Khai, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Diệp cho mượn ngôi nhà trống rất đẹp ở 2 Ter Nguyễn Thành Ý để làm trụ sở. Chưa kịp vui mừng thì ông đột ngột qua đời, người nhà đòi lại trụ sở, chúng tôi may mắn được anh Mười Hải, giám đốc Sở Nhà đất thành phố cấp cho nhà 20 Ter Trần Hưng Đạo B, một căn phố nhỏ trên con đường một chiều của Chợ Lớn chỉ toàn buôn bán. Nhưng chúng tôi đã thấy sung sướng lắm rồi, khi chính thức có nhà, tức là có trụ sở thật sự. Sau đó, từ 20 Ter Trần Hưng Đạo B, báo đã chuyển về trụ sở hiện nay.

* Anh có thể nhớ lại một ít kỷ niệm về giai đoạn làm báo Thanh Niên của mình?

- Tôi còn nhớ, trước khi có được giấp phép chính thức ngày 3/1/1986, Tuần tin Thanh Niên đã làm thử mấy số, kể từ 30/4/1985. Và manchette lúc ấy trông khá ẻo lả. Phải sau khi anh Hoàng Ngọc Biên cùng với em trai là Hoàng Ngọc Nguyên về làm tình nguyện viên, và anh Biên đã đầu tư khá nhiều công sức tâm huyết, thì Thanh Niên mới có một manchette rắn rỏi, chắc khỏe như ngày nay.

Thanh Niên cũng là tờ báo đã tự tổ chức phát hành ra sạp, để bạn đọc tự bỏ tiền túi ra mua, chứ không phát hành theo ngành dọc với kinh phí được cấp như nhiều tờ báo thời bấy giờ. Mạng lưới phát hành này, từ thành phố Hồ Chí Minh đã lan ra, thêm một trạm phát hành ở Hà Nội, và sau đó, lan rộng khắp cả nước.

Có một điều đáng nói: chính qua sự có mặt của tờ Thanh Niên, qua tác động trở lại của báo, tổ chức Hội Liên hiệp Thanh Niên đã có điều kiện thuận lợi hơn để hoạt động.

* Ấn tượng sâu đậm nhất về thời kỳ làm báo Thanh Niên của anh?

- Đó là việc Tuần tin Thanh Niên đã có tiếng nói trong vụ Nguyễn Mạnh Huy. Lúc ấy, vấn đề này hoàn toàn không đơn giản. Một cán bộ cấp cao từng tuyên bố: “Tôi là Ủy viên Trung ương Đảng, tôi muốn hỏi tại sao không đấu tranh cho con em gia đình cách mạng, lại đi bảo vệ con em của sĩ quan chế độ cũ?”. Nếu Tuần tin Thanh Nên không kiên định thì cũng không phải dễ dầu gì với rất nhiều những con người như thế. Nguyễn Mạnh Huy được đi học là thành công lớn của tờ Tuần tin Thanh Niên vừa mới ra đời.

Năm 1990, tôi rời khỏi báo, về làm Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung kích Chữ thập đỏ, Trưởng phòng Khám rồi Trưởng phòng Hiến máu của Hội Chữ thập đỏ thành phố. Tuy nhiên, tôi vẫn theo dõi báo Thanh Niên rất kỹ. Ngày nào tôi cũng đọc báo Thanh Niên và rất vui thấy báo phát triển đến tầm vóc như hiện nay. Có lẽ đó là điều mà chính những người  khai sinh tờ báo cũng không ngờ đến.

Xin chúc các bạn tiếp tục con đường của Thanh Niên như từ trước đến giờ: thực sự là tờ báo của thanh niên và vì quyền lợi của thanh niên!

* Xin cám ơn anh, người đã có công lớn trong việc ra đời cũng như những hoạt động buổi đầu cực kỳ khó khăn của tờ báo. Xin chúc những công việc chuyên môn hiện nay của anh luôn tốt đẹp, và mong anh sẽ vẫn ở bên cạnh báo Thanh Niên dù không còn làm báo.

Ngô Thị Kim Cúc
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.