“Con ruột” ốm yếu hơn “con ghẻ”

04/07/2013 03:10 GMT+7

Giới sân khấu TP.HCM thường gọi đùa những sân khấu được nhà nước bao cấp kinh phí là “con ruột”, còn sân khấu xã hội hóa phải tự lực cánh sinh là “con ghẻ”. Nhưng đứa con ruột đó khá “ốm yếu” so với những đứa “con ghẻ”...

TP.HCM hiện có 3 đơn vị sân khấu công lập được chú ý nhất là Nhà hát (NH) Nghệ thuật hát bội TP.HCM, NH Cải lương Trần Hữu Trang, NH Kịch TP.HCM, đều được Sở VH-TT-DL TP.HCM cấp kinh phí hoạt động, ngoài ra còn có Đoàn Xiếc TP.HCM và Đoàn Nghệ thuật múa rối TP.HCM.

Quyền lợi hạn chế, nghĩa vụ nửa vời

Sân khấu công lập, nói đúng ra, phải là bộ mặt của nghệ thuật TP và cả nước. Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc cho biết: “Các nước phương Tây đều có nhà hát quốc gia, và được chính phủ nuôi cực kỳ chu đáo. Tác phẩm họ làm ra cũng thuộc hàng “khủng”, chất lượng nghệ thuật tuyệt vời, giá vé cao. Họ ý thức được đó là bộ mặt quốc gia, bộ mặt văn hóa, nên nghệ sĩ biểu diễn rất tự hào”.


Quyền Linh (vai Lê Văn Duyệt), Trịnh Kim Chi (vai Đỗ Thị Phận) trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt của Nhà hát Kịch TP.HCM - Ảnh: H.K 

Nhìn lại sân khấu công lập của chúng ta, thực tế đều được nhà nước cấp kinh phí và cơ sở vật chất, nhưng vẫn cảm giác “thiếu trước hụt sau”. Trong khi các đơn vị xã hội hóa phải chạy bở hơi tai để tìm một điểm diễn phù hợp thì đơn vị công lập đều có nhà để làm trụ sở và rạp để biểu diễn. Điều này đáng mừng. Nhưng những cái rạp ấy chưa xứng tầm. Rạp Hưng Đạo của NH Trần Hữu Trang và rạp Long Phụng của NH Nghệ thuật hát bội xuống cấp trầm trọng, chờ sửa chữa mòn mỏi năm này qua năm nọ vẫn chưa xong. Rạp Công Nhân của NH Kịch ngon lành nhất vì nằm ngay mặt tiền Q.1, nhưng cũng không mấy sáng sủa do cách trang trí thiếu chuyên nghiệp.

Về kinh phí hoạt động, “con ghẻ” phải tự tìm nguồn vốn để dựng vở, trả lương, điện, nước... thì “con ruột” lại được “cha mẹ” rót tiền. Trung bình mỗi đơn vị được cấp từ 2 - 3 tỉ đồng mỗi năm. Đương nhiên, kèm theo những quyền lợi đó là nghĩa vụ: phải dựng các vở định hướng, tuyên truyền; đi diễn phục vụ vùng sâu vùng xa, trại cai nghiện, công nhân... trung bình mỗi đơn vị trên dưới 150 suất/năm; phải hoàn thành chỉ tiêu doanh thu nhà nước giao. Thực chất doanh thu này không phải nộp lại ngân sách, mà để cải thiện đời sống cho anh em trong đơn vị. Đây là khoản bắt buộc đơn vị năng động, chứ không hoàn toàn ỉ lại vào sự bao cấp như trước.

Nhưng vấn đề lương và thù lao biểu diễn cho nghệ sĩ vẫn là điều bức xúc lớn. Nghệ sĩ hát bội Linh Hiền nói: “Lương anh em mới vào chừng non 2 triệu đồng/tháng. Mấy chục năm như tôi chỉ tới 6 triệu đồng, thù lao kép chánh chỉ 50.000 đồng/suất”. Chính vì khung lương và thù lao bị khống chế như vậy mà đa số các đoàn công lập không mời được ngôi sao, hoặc ngôi sao chỉ nể tình biểu diễn thời vụ khi cần thiết.

Thiếu nghệ sĩ tài danh thì đương nhiên thiếu tác phẩm nặng ký. Rốt cuộc chỉ thấy dựng vở tuyên truyền, chưa đúng nghĩa tầm cỡ quốc gia. Và nảy sinh tâm lý là anh em chỉ phục vụ đủ số suất quy định, chạy thêm đủ doanh thu mà nhà nước giao khoán.

Cần cơ chế mở

Tuy nhiên, không thể đổ hết cho cơ chế về sự ốm yếu của các đơn vị công lập. Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, nói: “Sở vẫn cho phép xã hội hóa trong lòng đơn vị công lập kia mà. Thí dụ, NH Kịch hợp đồng với Kiều Oanh dựng vở hài kiếm thêm doanh thu. Tại sao Sân khấu 5B không có ai cấp tiền mà mỗi năm dựng được 4 - 5 vở? Còn mình có tiền, có rạp sẵn, lại không biết khai thác. Nếu đơn vị nào cứ đổ thừa mãi vào cơ chế, thì tôi sẽ kiến nghị thay đổi nhân sự”.

Mặt tiền của NH Kịch khiến bao người thèm muốn, chỉ cần kêu gọi nghệ sĩ tự bỏ vốn đầu tư dàn dựng vở mới (theo phương thức của 5B) thì không thiếu ngôi sao sẽ tìm về. Ngay cả vở tuyên truyền không cứ phải là chủ đề chính trị khô khan, vẫn có thể làm mượt mà, hấp dẫn. Hoặc Đoàn Xiếc TP.HCM kết hợp kịch IDECAF dựng vở thiếu nhi, rồi còn ký hợp đồng biểu diễn cả chục năm với nước ngoài. Người quản lý giỏi thì điều hành không đến nỗi quá khó.

Nhưng liệu có nên xã hội hóa những đơn vị công lập, bởi lộ trình văn hóa nghệ thuật của cả nước rồi cũng phải tiến đến hình thức này. Ông Võ Trọng Nam cho biết: “Trước mắt vẫn phải giữ các đơn vị sân khấu truyền thống như hát bội, cải lương, nhưng kịch thì có thể xã hội hóa”. Nhưng đạo diễn Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, lại nhìn theo hướng khác: “Tôi nghĩ phải giữ sân khấu công lập để thực hiện các chủ trương của nhà nước, để định hướng sân khấu. Cái cần thay đổi là một cơ chế mở, giao quyền tự chủ cao hơn nữa cho đơn vị. Thí dụ, cứ cấp cho họ 2 tỉ đồng, và họ muốn hợp đồng 1 triệu đồng/suất cho NSƯT Kim Xuân thì cứ làm, nhà nước đừng khống chế theo quy định là 50.000 đồng nữa. Như vậy thì họ sẽ có ngôi sao cộng tác, có vở diễn nặng ký”.

Tóm lại, thay đổi sân khấu công lập theo hướng cơ chế mở hay xã hội hóa đều có vẻ tốt hơn để nó trong tình trạng hiện nay. Và nếu đã đầu tư thì nên làm cho tới, cho rạng danh bộ mặt TP, thậm chí là bộ mặt khu vực, chứ đừng để nó nhếch nhác, ốm o.

“Nhà nước “nuôi” thì chúng tôi yên tâm về cơ bản, không phải lo nhiều. Nhưng vẫn phải chạy để tìm sô diễn, chứ anh em nghệ sĩ lãnh lương 2 - 3 triệu đồng/tháng làm sao sống nổi. Quyền lợi cũng tương đương với gánh nặng nghĩa vụ đó. Nhưng nếu không có đơn vị công lập thì ai sẽ đi phục vụ vùng sâu? Các đơn vị xã hội hóa có chịu đi không?” - NSƯT Quốc Hùng, Giám đốc NH Trần Hữu Trang.

Hoàng Kim

>> Bế mạc "Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc
>> Cuộc đời Susan Boyle lên sân khấu kịch
>> Ca sĩ ngôi sao" lên sân khấu kịch
>> Người trong cõi nhớ" lên sân khấu kịch
>> Sân khấu kịch phận ở thuê
>> Sân khấu kịch chưa ổn định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.