Chưa biết chữ thì chưa... động phòng

24/11/2008 10:02 GMT+7

Có một thanh niên nông dân đem lòng yêu một cô thôn nữ. Anh cũng tập tành viết thư tình. Với trình độ "lớp 5 trường làng", lại không đụng tới chữ suốt 16 năm, lá thư tình của anh làm cô gái cười ra nước mắt. Vậy là anh quyết tâm đi học với tâm nguyện: "Chưa biết chữ thì chưa động phòng"!

Học qua khe cửa"lớp nhô"

Tên anh là Nguyễn Như Phụng, SN 1981, ngụ ấp Bình Trung 2, xã Bình Hoà Trung, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An. Anh từng học tới lớp 5, phải nghỉ ngang ở nhà làm ruộng vào năm 1992. Nay chữ nghĩa chỉ còn đủ để viết được tên mình.

Anh quyết đi học cho biết chữ rồi mới tính chuyện cưới vợ. Thế nhưng ở cái vùng Đồng Tháp Mười (Đ.T.M) heo hút "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh" của anh chưa có lớp phổ cập THCS. Không thể bỏ nhà, bỏ ruộng nương (và cả người yêu) để ra chợ huyện học bổ túc văn hoá, anh ở lại nhà xoá mù chữ và "mù viết thư tình" bằng cách của riêng mình.

Từ tỉnh lỵ Tân An đi 70 cây số là về tới trung tâm vùng Đ.T.M - huyện Mộc Hoá. Nếu trời không mưa, đi tiếp gần 20 cây số bằng xe gắn máy, qua vài đò ngang, là vào đến "cái rốn của Đ.T.M" - xã Bình Hoà Trung (nếu trời mưa, đường đất đen lầy lội, phải đi xuồng).

Nước lũ Đ.T.M đang rút dần, nhưng học sinh nơi đây vẫn tạm nghỉ học. Bình Hoà Trung chưa có trường THCS, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mộc Hoá cho mở "lớp nhô" - tức các lớp bậc THCS - tại điểm Trường Tiểu học Hoà Hiệp. Chịu trách nhiệm giảng dạy "lớp nhô" trên do Trường THCS Bình Hiệp (xã Bình Hiệp). Từ đầu năm học 2008 - 2009, người ta thấy có một thanh niên hàng ngày ngồi nép bên cửa sổ "lớp nhô" (lớp 6) chăm chú nhìn vào lớp học.

Nhìn kỹ hơn thì thấy trên tay anh cũng có tập vở, rồi ghi chép... Đó chính là Nguyễn Như Phụng, anh đang đi học theo cách của riêng mình. Trước đó, anh đã nộp đơn và nhiều lần đến gặp Ban Giám hiệu Trường THCS Bình Hiệp bày tỏ nguyện vọng được theo học lớp 6 tại điểm trường Hoà Hiệp. Ban Giám hiệu nhà trường không thể tiếp nhận, bởi Phụng đã 27 tuổi, không còn trong độ tuổi theo học cấp II hệ chính quy theo quy định hiện hành.

Xin Ban Giám hiệu nhà trường không xong, Phụng lên thẳng lớp học xin giáo viên chủ nhiệm được ngồi học và hứa sẽ chấp hành nghiêm nội quy lớp học, đặc biệt là sẽ "không phát biểu, không cần giáo viên chấm điểm, chỉ cần được ngồi nghe giảng bài để biết chữ".

Tất nhiên là giáo viên chủ nhiệm lớp cũng không thể đáp ứng nguyện vọng của Phụng. Hết cách, Phụng về nhà (cách điểm học khoảng 3 cây số) xách ghế tới ngồi nép ngoài hành lang, sau cánh cửa sổ, nghe giáo viên giảng bài qua khe cửa, rồi ghi chép vào quyển tập đặt trên đùi.

Phụng và các "bạn học" cùng lớp.

"Vô học với mấy cháu"

Hành vi khác thường của Nguyễn Như Phụng đã làm các học trò nhỏ trong lớp chú ý. Giờ ra chơi, các em lân la tới làm quen và thấy "chú Phụng" ghi chép bài học giống hệt như mình. Khi biết "chú Phụng" muốn học mà không được cho vô lớp, các học trò nhỏ vây lấy cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Mai, nài nỉ cho "chú Phụng" vô lớp ngồi học như mình.

Không cầm được lòng, cô Mai đồng ý, nhưng yêu cầu Phụng phải làm "bản cam kết" với nội dung: Tuyệt đối chấp hành nội quy của nhà trường, chỉ được ngồi yên nghe giảng bài, không phát biểu, không được hỏi, không trao đổi với các học sinh khác, không được chấm điểm... Và Phụng đã chấp nhận tất cả để được đi học cho tới ngày hôm nay.

Từ ngày có người học trò đặc biệt này, "lớp nhô" của cô Mai như sôi động hẳn lên. Các học trò nhỏ được dịp khoe "chữ nghĩa" với "chú Phụng" - những kiến thức cấp I vì bỏ lâu mà Phụng quên nhiều, phải nhờ các "bạn học" nhí chỉ dạy. Ngược lại, "bạn Phụng" cũng có nhiều điều hiểu biết hơn các học trò mới lớn - những kiến thức phổ thông anh tích luỹ từ cuộc sống - và luôn sẵn sàng chỉ dạy "các bạn".

Còn cô chủ nhiệm thì bỗng dưng có một hình mẫu để dạy dỗ học trò một cách thuyết phục, chẳng hạn: "Nếu các con không chịu học bây giờ, sau này sẽ ngồi học ngoài hành lang nhìn qua khe cửa như bạn Phụng". "Các con phải học theo gương bạn Phụng, vừa đi học, vừa làm ruộng mà không bỏ học buổi nào"...

Cô Mai không kiểm tra, chấm điểm bài vở của Phụng, nhưng cô để ý thấy dù chỉ được ngồi nghe giảng, nhưng Phụng luôn rất nghiêm túc, viết chữ khá đẹp, làm bài tập đầy đủ, tiếp thu bài tốt, giờ ra chơi còn giảng giải lại cho "những bạn" chưa hiểu.

Vừa học, vừa làm

Phụng có 4 anh em. Với việc theo học "đeo vè lớp nhô" gần 3 tháng qua, Phụng trở thành người có "trình độ văn hoá" cao nhất trong gia đình, bởi cả nhà (anh em và cha mẹ) đều không ai học qua khỏi lớp 5. Hàng ngày, Phụng phải đi bộ 3 cây số để tới lớp.

Trưa về, ăn cơm xong là anh ra đồng. Đồng ruộng ĐTM dù mùa lũ hay khi nước đã rút luôn sẵn đầy công việc cho một thanh niên siêng năng như anh. Buổi tối, trong khi nhiều thanh niên trong xóm la cà nhậu nhẹt thì Phụng ngồi bên bàn học tới 9 - 10 giờ.

Anh vừa xem lại bài đã học lúc sáng, vừa ôn lại chương trình cấp I. Mùa lũ tới, nước ngập tràn đồng, học sinh được tạm nghỉ mấy tuần để tránh lũ. Nhưng đối với Phụng thì không có kỳ nghỉ lũ thú vị như các học sinh nhỏ. Phụng vừa giăng lưới, thả câu, hái bông điên điển, anh khai thác tối đa nguồn lợi nước lũ mang lại cho người dân Đ.T.M, vừa tranh thủ ôn cho xong toàn bộ chương trình cấp I dưới sự chỉ dạy tận tình của cô chủ nhiệm.

Ban đầu khi thấy Phụng mua tập viết, rồi bỏ làm ruộng cả buổi đến trường, cả nhà đều can. "Cái số mình dốt thì chịu dốt con ơi!" - người mẹ khuyên con. Thế nhưng, khi thấy Phụng đi học thật, mà học rất nghiêm túc, việc đồng áng lại không bỏ bê, tối về ngồi nhà học bài chứ không "nhậu nhẹt nghêu ngao" như trước, cha mẹ Phụng và cả nhà quay qua ủng hộ anh. Nhất là gần đây, khi Phụng đã có thể đọc cho cha mẹ nghe rành rọt tờ khế ước vay vốn ngân hàng nông nghiệp để làm ruộng, anh em của Phụng càng nể.

Họ hỏi Phụng: "Học khó dữ hôn mậy?". Anh trả lời tỉnh bơ: "Dễ ợt, như mần ruộng". Cha mẹ của Phụng vừa mừng, vừa lo; mừng vì mai mốt khỏi nhờ "chú Tư" viết đơn mỗi khi có việc cần, còn lo vì "lỡ tụi nhỏ rủ nhau đi học hết thì ai làm ruộng".

Chuyện chơi mà thật

Hỏi Phụng, nếu được cho học lên cao hơn nữa thì anh dự định học tới lớp mấy, Phụng hiền lành trả lời: "Em không mong muốn gì hơn là được đi học để biết đọc, biết viết cho rành. Em mới học lớp 5 rồi nghỉ đi làm ruộng, lâu quá quên chữ gần hết. Ở nhà mỗi lần chỉ cần làm cái đơn cũng gặp khó khăn vì cả nhà không ai biết viết. Nếu thầy - cô còn cho theo học thì em sẽ học tiếp những lớp cao hơn, đến khi nào điều kiện không cho phép nữa thì thôi". Anh cũng không giấu giếm: "Ráng học cho kha khá để sau này còn dạy cho con, chứ như Phụng hồi đó đi học về không được ai dạy vì ba má hổng biết chữ".

Chuyện "học cóp" của một thanh niên nghèo ở vùng "rốn lũ" Đ.T.M đang làm xôn xao dư luận không chỉ ở xã Bình Hoà Trung, thậm chí còn gây tranh luận trong ngành giáo dục. Hiệu trưởng Trường THCS Bình Hiệp - thầy Trần Trí Viễn - đã báo cáo về Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện về trường hợp học sinh đặc biệt này.

Thầy Viễn đề nghị cho mở lớp phổ cập giáo dục THCS ở đây để giúp Phụng được học hành đàng hoàng. Thế nhưng, sẽ rất khó mở lớp khi "cả xã không ai chịu học bổ túc, ngoài thằng Phụng" như lời của một cán bộ xã. Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, thầy Lê Minh Hiền, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở GDĐT Long An - cho rằng, ngay cả có mở lớp phổ cập THCS thì Phụng cũng không đủ tiêu chuẩn theo học, vì anh quá lớn tuổi (phổ cập THCS khống chế độ tuổi 17 trở lại).

Theo thầy Hiền, khả năng duy nhất dành cho Phụng là tự học để nâng cao trình độ văn hoá. Cuộc sống đôi khi cũng phải chấp nhận những nghịch lý, trong khi ngành giáo dục và chính quyền các cấp vùng Đ.T.M tốn bao công sức, chi phí để "năn nỉ" trẻ em đến trường mà tỉ lệ bỏ học luôn rất cao, thì có người muốn học hành đàng hoàng lại không được!

Nhưng dù sao, Phụng cũng sẽ thực hiện được ước vọng của mình, đi học không phải được chứng nhận trình độ lớp mấy, mà cốt để giải xong lời nguyện: "Chưa biết chữ thì chưa động phòng".

Theo Nguyễn Phấn Đấu / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.