"Chiếc ghế nóng" cho ông Ban Ki-moon

22/12/2006 22:47 GMT+7

Liên Hiệp Quốc cần phải cải tổ. Ai cũng nhất trí về điều này nhưng luôn có những bất đồng về việc sẽ cải tổ như thế nào và vì mục đích gì. Những cuộc tranh cãi về chủ đề này kéo dài nhiều năm cho đến khi LHQ có tân Tổng thư ký. Liệu ông Ban Ki-moon có nhanh chóng giải được bài toán khó này?

Mỹ từng cảnh báo rằng LHQ hoặc là cải tổ hoặc là chết. Global Policy Forum (GPF), một hội đồng chuyên phân tích các chính sách toàn cầu có trụ sở tại New York (Mỹ), đã công bố các phân tích về câu chuyện dài cải tổ LHQ. Theo GPF, trụ sở chính LHQ, các chi nhánh và các loại quỹ của tổ chức này mỗi năm chi hết gần 20 tỉ USD. Nếu chia số tiền này cho dân chúng trên toàn cầu thì mỗi người chỉ được hưởng từâ LHQ 3 USD/năm. Một con số quá nhỏ nếu đem so với ngân sách khổng lồ của nhiều nước và cũng quá ít ỏi so với chi phí dành cho quân sự của toàn thế giới. Gần 20 năm qua, LHQ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và bị thúc ép tìm giải pháp.

Theo nhiều ý kiến mà GPF thu thập được, LHQ nên tìm mọi cách cắt giảm chi phí các chương trình trọng điểm mà tổ chức này đang tiến hành. Đồng thời, LHQ cần tìm nguồn tài chính khác để "nuôi" các hoạt động của mình thay vì trông chờ vào nguồn đóng góp từ các nước. Thực tế là nhiều nước thành viên có "truyền thống" nợ quỹ hoặc đóng không đủ, có nước lại cắt viện trợ cho các chương trình của LHQ một cách "ngang xương". Cũng có ý kiến cho rằng LHQ có thể áp dụng một loại thuế toàn cầu đánh trên các cuộc giao dịch tiền tệ, thuế môi trường, thuế giao dịch mua bán vũ khí... Tuy nhiên, các nước thành viên đóng góp nhiều tiền lại rất miễn cưỡng đối với hướng giải quyết này vì cho rằng nếu không được đóng góp số tiền "đồ sộ", họ sẽ mất đi "tiếng nói" hiện đang rất mạnh mẽ.

Về cơ cấu, các vị Tổng thư ký LHQ ở nhiệm kỳ nào cũng sắp xếp lại các phòng ban, bộ phận và thành lập một số ủy ban phối hợp hoạt động. Thế nhưng, các nhà cải cách vẫn thú nhận rằng qua nhiều lần thay đổi, bộ máy của LHQ vẫn hoạt động kém hiệu quả và phức tạp. Căn nguyên của vấn đề chính là từ sự bất đồng chính trị sâu sắc giữa các thành viên cũng như các tổ chức đa quốc gia hùng mạnh trên toàn cầu. Các cường quốc kinh tế và quân sự cùng với các tổ chức ấy rõ ràng muốn một LHQ èo uột với khoản ngân sách nhỏ nhoi và hầu như không hề có tiếng nói trong các vấn đề trên trường quốc tế. Trong khi đó, các quốc gia khác lại mong muốn một LHQ mạnh mẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, nhất là trong việc đưa ra các chính sách có ảnh hưởng đến nhiều phía.

LHQ từng đưa ra đề xuất cải tổ, trong đó kế hoạch Millenium+5 được công bố năm 2005, có nội dung được cho là không quá tham vọng. Được soạn thảo với ý thức để làm hài lòng (hoặc ít nhất là không mất lòng) các siêu cường quốc, Millenium+5 không đả động gì đến các vấn đề đang cần được cải tổ cấp bách như cuộc khủng hoảng tài chính ở LHQ, chủ nghĩa đơn phương của một số nước lớn, việc giải trừ quân bị ít có kết quả, trật tự kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa. Trong bối cảnh đó, nhà ngoại giao Hàn Quốc, ông Ban Ki-moon, đã tiếp quản "chiếc ghế nóng" của Tổng thư ký K.Annan. Dù được đánh giá rất cao về bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao nhưng khối lượng công việc đồ sộ của LHQ cộng với việc tiếp nhận các chương trình cải tổ đang dang dở sẽ là một thách thức không nhỏ đối với nhà ngoại giao đến từ châu Á này. (BBC, GPF)

U.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.