Việt Nam gia nhập WTO: Sẽ tràn ngập các dịch vụ giáo dục nước ngoài

13/12/2006 21:31 GMT+7

Không như các cuộc hội thảo trước đây, tại diễn đàn quốc tế "Gia nhập WTO và đổi mới giáo dục đại học Việt Nam "vừa diễn ra ở Hà Nội, khái niệm "thị trường giáo dục" đã được phát biểu một cách công khai và mạnh mẽ, bởi nó đã được thừa nhận khi Việt Nam gia nhập WTO và cam kết về GATS (nguyên tắc thương mại dịch vụ)å trong lĩnh vực giáo dục.

Xu hướng tất yếu

Tại diễn đàn, các đại biểu trong nước và quốc tế đã chỉ ra nhiều thách thức đối với giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam, trong đó sẽ có cuộc "đổ bộ" của các dịch vụ giáo dục nước ngoài - đó cũng là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay. TS Jane Knight, Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế (ĐH Toronto, Canada), đã có một bài phân tích rất công phu về những rủi ro và cơ hội khi tham gia vào giáo dục xuyên quốc gia và GATS. Ông cho biết: ở những nước đang phát triển, có thể xảy ra tình trạng tràn ngập các tổ chức nước ngoài hoặc tư nhân cung cấp những môn học mang lại lợåi nhuận và những môn học đó sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn so với các trường ĐH ở trong nước.

TS khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến (Bộ GD-ĐT) cho rằng, thị trường GDĐH Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là giàu tiềm năng do hệ thống các trường ĐH Việt Nam hiện nay cũng như trong trung hạn hoàn toàn không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đại chúng hóa và chất lượng. Theo xu thế hiện nay, việc đầu tư xây dựng trường mới sẽ không có nhiều, nhưng cơ sở liên kết chắc chắn sẽ phát triển rất sôi động. Vì vậy, sau khi thực hiện cam kết về GATS, bức tranh giáo dục Việt Nam sẽ có biến động mạnh mẽ ở khu vực tư thục với sự ra đời của khá nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài.

Cẩn thận với "hàng dỏm"

TS Mark A.Ashwill - Viện Giáo dục quốc tế tại Việt Nam đã cảnh báo như vậy khi nghiên cứu về thị trường giáo dục ở Việt Nam. Ông cho biết: một số trường ĐH Mỹ coi Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để mở rộng thị trường giáo dục của mình. Một số lượng ngày càng lớn các trường ĐH và cao đẳng Mỹ đang nhằm vào Việt Nam để xây dựng những chương trình du học tại chỗ hoặc từ xa. Hầu hết những trường này có ý định tốt, mục đích chính là họ đáp ứng nhu cầu cấp thiết và cung cấp một nền giáo dục có chất lượng với chi phí thấp nhất có thể được. Tuy nhiên, một số trường khác thì nhận thấy đây là cơ hội vàng cho họ kiếm một món lời khổng lồ từ thị trường đầy triển vọng. Và thực tế một số trường ĐH Mỹ không được thẩm định (chỉ có trên danh nghĩa) đã tiến hành kinh doanh và đang tìm cách vào Việt Nam.  Còn theo GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH Bộ GD-ĐT thì xu hướng xuất khẩu giáo dục đại học không lành mạnh từ các nước phát triển đang tiến vào Việt Nam.

 Bảo vệ người học như thế nào?

Sau khi đưa ra hàng loạt ví dụ về các trường chưa được kiểm định ở Mỹ đang có mặt tại Việt Nam, ông Mark A.Ashwill đã bày tỏ hy vọng Bộ GD-ĐT và các ban ngành khác của Chính phủ Việt Nam sẽ luôn thận trọng, chỉ phê chuẩn các chương trình có lợi cho người học, cho các trường đối tác phía Việt Nam... Nhưng ông cũng cảnh báo: "Tôi lo ngại rằng các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng giáo dục này sẽ vẫn có đất hoạt động vì thiếu sự giám sát chặt chẽ do lợi nhuận quá lớn và thực tế lạm phát bằng cấp".

Để bảo vệ người học, GS Lâm Quang Thiệp đã có một báo cáo khá chi tiết về tình hình nhập khẩu GDĐH của Việt Nam và đưa ra những kiến nghị rất cụ thể. Ông cho rằng cần sớm triển khai xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế của GDĐH; tổ chức càng sớm càng tốt việc xây dựng các văn bản quy định để điều chỉnh giáo dục xuyên biên giới và thành lập các tổ chức tương ứng chịu trách nhiệm thực hiện chức năng đó. Đặc biệt, ông nhấn mạnh: "Nên thành lập sớm một tổ chức mới để tập trung nghiên cứu và soạn thảo các quy định về giáo dục xuyên biên giới, không nên giao việc kiểu "làm thêm" cho các tổ chức đã có vì đây là một việc rất quan trọng, cấp bách và cần tính chuyên nghiệp cao".

V.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.