Giữ gìn “chỗ xức dầu”

25/12/2008 11:10 GMT+7

Khoa ngoại niệu BV Đa khoa T.Ư Cần Thơ hằng năm tiếp nhận và phẫu thuật 15-25 trường hợp bệnh nhân bị áp xe rốn. Mặc dù phần lớn bệnh nhân đến trễ khi ổ áp xe đã lớn, chúng tôi cố gắng hết mức chỉ cắt nang áp xe và giữ lại rốn (vì lý do thẩm mỹ và để “có chỗ xức dầu”) nhưng những bệnh nhân này phải điều trị kéo dài, tốn kém.

Theo dân gian, rốn là trung tâm của mọi sự vật. Khoa học cũng chứng minh rốn của con người là trung tâm của mọi tạng trong ổ bụng (bào thai). Nơi đó có nhiều huyệt đạo chi phối các tạng trong bụng. Do đó khi bị đau bụng, người dân thường bôi dầu vào vùng rốn.

Từ lúc ở bào thai, rốn là nơi phân phối mạch máu nuôi toàn cơ thể từ cuống rốn. Rốn còn là cơ quan thẩm mỹ vùng bụng, tuy nhiên rốn cũng là nơi dễ tích tụ và chứa nhiều chất dơ như đất, bụi, vật lạ... Từ lý do đó rốn dễ nhiễm trùng, nhất là khi chúng ta không biết làm vệ sinh rốn đúng cách, chú ý nhất là tránh trầy xước, chảy máu sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng rất cao.

Đặc biệt ở vùng rốn còn có một dây chằng rốn bàng quang, nối từ rốn đến bàng quang. Ở đó tồn tại nang niệu rốn có từ lúc ở bào thai, thông thường khi lớn lên nang này thoái hóa dần thành dây xơ. Nhưng vì lý do nào đó nang niệu rốn này thoái hóa không hoàn toàn hay thoái hóa một phần tạo thành nang. Nang này về sau dễ có nguy cơ nhiễm trùng, tạo thành áp xe rốn. Nhiều bệnh nhân xem nhẹ nên tự điều trị tại nhà, khi đến bệnh viện đã muộn, ổ áp xe sưng to và rất nhiều mủ, bắt buộc bác sĩ cắt bỏ rốn và tạo hình rốn ở giai đoạn hai.

Cách tốt nhất để đề phòng các biến chứng gây áp xe rốn có thể xảy ra là mọi người chú ý giữ gìn “vùng trung tâm thẩm mỹ” này bằng việc thực hiện các bước sau:

Hằng ngày tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, nhẹ nhàng, không dùng vật sắc nhọn như móc tai, kềm, kéo làm trầy xước da vùng rốn.

Không cố gắng làm rách da dễ chảy máu vùng rốn.

Phát hiện vật lạ như dịch, mủ phải đến ngay bác sĩ khám bệnh.

Giữ rốn khô sạch, trống, thoáng.

Khi bôi dầu vùng rốn lưu ý không bôi ngay giữa rốn mà bôi xung quanh vì nơi đó có nhiều huyệt đạo (bốn huyệt: hạ quản, trung cực và hai huyệt thiên xu).

BS CKII Lê Quang Dũng
(BV Đa khoa T.Ư Cần Thơ/T.Luỹ (Tuổi Trẻ ghi))

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.