Cho con những gì ?

10/12/2004 10:54 GMT+7

Những câu chuyện nghe qua rồi ngẫm lại thấy thật ý nghĩa đối với các bậc làm cha mẹ, nhất là các bạn trẻ chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.

Lỗi lầm không dễ nhận diện

Gia đình anh chị Hoàng (khu phố 1, P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP Hồ Chí Minh) cho đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng khi chàng quý tử vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh sau tai nạn giao thông trong một đêm đua xe bạt mạng. Ngồi ngẫm lại chuyện giáo dục con, anh chị Hoàng mới nhận thấy cả anh và chị đều mắc quá nhiều lỗi lầm.

Vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1978. Vất vả lắm anh chị mới gầy dựng được một cơ ngơi tương đối khang trang. Khi 2 cháu ra đời, với tâm lý đời mình đã khổ nhiều thì đời con phải sung sướng, vì thế các con muốn gì, anh chị đều cho tất. Không những thế, anh chị không cho con "đụng" đến bất cứ việc gì trong gia đình, dù là những việc nhỏ nhặt nhất. Cứ thế, các con càng lớn thì anh chị càng khổ khi anh chị phải gánh vác tất cả phần việc của con. Vì quá nuông chiều nên dù con cái có trả treo lại một đôi lời anh chị Hoàng vẫn cười bỏ qua.

Dần dần, thói quen hưởng thụ cộng với thói xấc xược lớn lên ở hai con. Đến lúc hàng xóm, họ hàng khuyên răn, anh chị mới nhìn lại thì sự việc gần như đã quá muộn. Anh chị phát hiện chàng quý tử của mình bỏ học, kết bạn với những phần tử con nhà giàu, ăn chơi... Cha mẹ dạy bảo khuyên răn, cháu đã không nghe mà bỏ nhà đi không về. Sau hai hôm tất tả đi tìm, anh chị mới hay tin cháu đang nằm viện vì tai nạn giao thông vì tham gia đua xe cùng nhóm bạn...

Hôm chúng tôi đến thăm cháu tại bệnh viện, chị Hoàng mắt đỏ hoe: "Giá như tôi không nuông chiều con quá thì đâu đến nỗi này". Dù sao mọi việc vẫn chưa quá muộn. Hy vọng sau tai nạn này, cháu sẽ tỉnh ngộ và cố gắng sống tốt hơn cho ba mẹ vui lòng.

Anh chị Út ở P.6, Q.4 cũng rơi vào trường hợp tương tự, khi đang mệt mỏi với cô con gái "rượu" của mình. Ngay từ nhỏ, cháu thích gì là anh chị đều cho nấy. Tính đến nay cô con gái đã học không biết bao nhiêu nghề: thanh nhạc, người mẫu, kế toán, ngoại ngữ, bartender... Học nhiều vậy nhưng chẳng nghề nào thành nghề nào. Dù đã ở tuổi 21 nhưng chẳng nơi nào cô ấy làm việc được quá 2 tháng. Xin việc ở đâu cũng vậy, nếu xảy ra xích mích với đồng nghiệp hay bị chủ la vài câu là nghỉ việc về ăn bám cha mẹ. Chị Út than thở: “Số mình chắc chẳng được nhờ con, bấy nhiêu tuổi đầu rồi mà chẳng ra trò trống gì, còn ăn bám cha mẹ. Vợ chồng tôi la vài câu là đòi bỏ nhà đi. Thiệt chẳng biết làm sao!”.

Nhìn vẻ mặt ủ dột của chị Út khi kể về cô con gái cưng mà chúng tôi không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Lời cảnh báo

Vợ chồng anh Trần Hữu Tỉnh và chị Nguyễn Thị Hồng hiện là công nhân một công ty sản xuất giày da tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Khi sinh được cháu trai đầu lòng, cả hai anh chị đều rất thương yêu con. Dù vậy, chị Hồng rất nghiêm khắc với cháu, từ việc mua món đồ chơi đến ăn vặt như thế nào. Ngược lại, anh Tỉnh luôn chiều chuộng con. Con thích gì anh cho tất. Vì bất đồng quan điểm như vậy nên vợ chồng cứ hục hặc nhau suốt mỗi khi giáo dục con. Càng ngày, cháu càng "ghét" và sợ mẹ, ngược lại chẳng sợ bố. Mỗi khi đi làm về là anh bị cháu "hành hạ" đến mệt thì thôi, nào là ẵm đi chơi, mua quà... Nói về lý do chiều chuộng con, anh Tỉnh tâm sự: "Dẫu biết là chiều cháu quá cháu sinh hư nhưng sao mình không thể nào la rầy hay đánh cháu được. Mỗi khi muốn la, muốn đánh cháu nhưng thương quá lại thôi. Sau này cháu lớn, nhận thức được thì dạy bảo sau vậy...".

Quan niệm của anh Tỉnh cũng là quan niệm của rất nhiều ông bố, bà mẹ trẻ hiện nay và đây là một tín hiệu đáng báo động về giáo dục con cái trong gia đình. Vì sinh ít con, có điều kiện về vật chất nên con muốn gì được nấy. Dần dần, các cháu sẽ có thói quen ỷ lại bố mẹ, thậm chí mang tính ích kỷ vì được "nhận" nhiều hơn "cho". Từ đó, các cháu không tự trang bị cho mình khả năng "đề kháng" trước những khó khăn, gian khó trong cuộc sống.

Cho con những gì trong cuộc sống xem ra là một bài toán cần phải cân nhắc đối với các bậc cha mẹ.

Ý Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.