Nâng cấp hệ thống trường chuyên

27/12/2009 22:36 GMT+7

Tại Hội nghị trường THPT chuyên toàn quốc lần thứ hai vừa được tổ chức tại Nam Định, Bộ GD-ĐT khẳng định: sẽ đầu tư cho hệ thống trường THPT chuyên để trở thành mẫu hình tương lai của tất cả các trường THPT.

Hiện nay, các trường THPT chuyên vẫn dùng sách giáo khoa nâng cao là tài liệu chính dạy học môn chuyên, kết hợp với nội dung chuyên sâu theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và những tài liệu do giáo viên tự biên soạn hoặc tham khảo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì đó chỉ là giải pháp trước mắt, trong tương lai gần cần xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu giáo khoa riêng cho đối tượng này. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, đề xuất: Cần có khung chương trình tổng thể, không chỉ là môn chuyên mà cả các môn không chuyên và cận chuyên cho lớp chuyên. Việc tăng thời lượng môn chuyên, mà thời lượng dành cho các môn không chuyên và cận chuyên như ban cơ bản, ảnh hưởng tới việc giảng dạy của giáo viên và học sinh dễ rơi vào tình trạng học lệch.

Theo Bộ GD-ĐT, mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 50% học sinh chuyên đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu u ban hành; đến năm 2020, tỷ lệ này là 70%. Bên cạnh đó, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết: sẽ biên soạn tài liệu phục vụ cho việc thực hiện giảng dạy bằng tiếng Anh với các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học trong các trường THPT chuyên. Từ nay đến năm 2020, sẽ có 750 giáo viên được đào tạo tại nước ngoài và 1.850 giáo viên được đào tạo trong nước để dạy các môn năng khiếu bằng tiếng Anh.

Theo dự thảo Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 của Bộ GD-ĐT, các trường THPT chuyên sẽ được đầu tư, nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia có chất lượng giáo dục cao; đến năm 2015 sẽ có 15 trường được đầu tư trọng điểm ngang tầm quốc tế.

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Minh - Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cho hay trường đã triển khai trong 3 năm với trên 200 học sinh được học Toán, Lý bằng tiếng Anh với thời lượng 4 tiết/tuần. "Đây là một nhu cầu lớn của cha mẹ học sinh, tuy nhiên do mới trong giai đoạn thử nghiệm nên chúng tôi cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu đó" - ông Minh nói và đề xuất: Trong giai đoạn đầu, chỉ nên xem việc giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh là hoạt động thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, không phải là hoạt động giảng dạy chính khóa.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Vũ Luận - Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT cho rằng: dù phát triển theo hướng nào thì trường chuyên cũng phải là mô hình lý tưởng cho hệ thống các trường THPT. Đây là hệ thống được ưu tiên đi trước trong khi chúng ta chưa có điều kiện để làm đồng loạt ở tất cả các trường THPT. Như vậy, trường chuyên sẽ không phải là hiện tượng cá biệt mà là mẫu hình tương lai của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tổ chức các hoạt động giáo dục. Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: vấn đề đặt ra là tuyển bao nhiêu học sinh vào trường chuyên là đủ? Việc đặt ra mục tiêu mỗi tỉnh, thành có tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 3% số học sinh của địa phương chỉ là mục tiêu trước mắt, về lâu dài cần phải phát triển hệ thống này để học sinh có năng khiếu được vào học trường chuyên nhiều hơn.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.