Xuất khẩu thủy sản 2005: Thành công nhờ đáp ứng yêu cầu thị trường

09/12/2005 09:02 GMT+7

Ngày 5/12/2005 là một mốc đáng nhớ của ngành thủy sản Việt Nam: Bộ Thủy sản chính thức công bố đã hoàn thành kế hoạch xuất khẩu thủy sản (XKTS) của cả năm 2005 là 2,5 tỷ USD, về đích trước 25 ngày. Đây là một thành tích đầy ấn tượng vì năm qua là một năm đầy gian nan khi nhiều thị trường lớn không ngừng gây khó khăn cho con tôm, con cá Việt Nam.

Đâu là bí quyết thành công?

Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc cho biết, trước khó khăn của vụ kiện bán phá giá cá tra, ba sa, ngay từ tháng 4/2005, Bộ đã nhận định: chỉ có một con đường đi duy nhất, đó là tạo nên những sản phẩm cá có chất lượng. Vì vậy, hàng loạt các hoạt động về ghi nhãn mác đối với các sản phẩm cá đông lạnh xuất khẩu đã được Bộ phối hợp với các doanh nghiệp triển khai.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thương hiệu “Top Quality Pangasius” cho cá tra, ba sa Việt Nam đã được xây dựng và quảng bá ra nước ngoài, đặc biệt là ở ngay ở thị trường Mỹ. Nhờ vậy, dù bị vô số các rào cản xung quanh vụ kiện chống bán phá giá cá, con cá Việt Nam vẫn đàng hoàng vùng vẫy ở các thị trường xuất khẩu lớn.

Một nguyên nhân thành công khác, theo nhìn nhận của hầu hết doanh nghiệp là việc điều chỉnh cơ cấu thị trường kịp thời để chủ động điều tiết do tác động bất lợi của thị trường Mỹ. Cụ thể, ngành thủy sản đã tập trung nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường như EU (Bỉ), Đubai, Nga, Belarus, Vân Nam-Trung Quốc… và hiệu quả đã tăng lên rõ rệt: ngay tại thời điểm 9 tháng đầu năm, XKTS  vào Bỉ tăng 56,5% so với cùng kỳ, vào Italia tăng 87%, Đức tăng 62,27%, Pháp tăng 58%.

Tỷ lệ tăng trưởng này tiếp tục được giữ  vững cho đến các tháng cuối năm 2005, nhất là tăng cao trong hai tháng 10, 11 là thời điểm mà các nhà nhập khẩu dồn sức mua hàng thủy sản để phục vụ Noel và Tết Dương lịch. “Đây là một thành công nhìn thấy rõ trong năm qua, giúp thủy sản Việt Nam không bị lệ thuộc vào một vài thị trường, hạ thấp độ rủi ro khi các thị trường lớn có biến động, tiến tới thay đổi một cơ cấu thị trường hợp lý, chủ động, bền vững”, ông Trương Đình Hòe Phó chủ tịch Hiệp hội XKTS Việt Nam phân tích.

Ngoài ra, những nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát dư lượng kháng sinh trong hàng thủy sản xuất khẩu là rất đáng ghi nhận. Hiện nay, với việc tăng cường kiểm tra hàng thủy sản xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Canada (kiểm soát 100% các lô hàng thuộc 3 nhóm sản phẩm thịt cua ghẹ, tôm và cá da trơn với 4 chỉ tiêu kháng sinh, thời gian tối thiểu 4 tháng), Việt Nam đã củng cố vững chắc niềm tin về chất lượng hàng thủy sản cho tất cả các thị trường, kể cả thị trường khó tính nhất là EU.

Năm 2005, tổng giá trị kim ngạch XKTS vào EU chỉ đạt khoảng 300 triệu USD trong tổng số 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên sự chấp nhận của EU đối với thủy sản Việt Nam đã tác động rất lớn đến các thị trường khác khi càng ngày, số lượng lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị giữ lại do phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh ở các nước càng ít đi.

Tầm nhìn đến năm 2020…

Theo phân tích của Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc, càng ngày, xu hướng tiêu dùng của thế giới càng nghiêng về hàng thủy sản vì tính chất an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp (ít gây các loại bệnh tật như tim mạch, béo phì, ung thư). Đặc biệt, trong những năm tới đây, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU sẽ tăng rất cao do hạn ngạch khai thác đã bị cắt giảm.

Thị trường đã được mở, Việt Nam lại có nguồn cung cấp sản phẩm tốt, cộng với hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản đủ năng lực thì khả năng tăng trưởng XKTS trong các năm tới là điều dễ hiểu. Hiện thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 105 quốc gia và vùng lãnh thổ. Toàn ngành có 171 doanh  nghiệp được cấp chứng chỉ đủ tiêu chuẩn xuất hàng vào thị trường EU, 295 doanh nghiệp được phép xuất khẩu hàng vào Hàn Quốc và 300 doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống tiêu chuẩn vệ sinh chất lượng quốc tế (HACCP) đủ điều kiện xuất khẩu hàng thủy sản vào thị trường Mỹ. Đây được coi là một thế mạnh để thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới.

Trước khi kết thúc năm 2005, ngành thủy sản cũng đã tổ chức khởi động chương trình XKTS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Trước mắt, năm 2006, ngành thủy sản đặt chỉ tiêu XKTS đạt 2,67 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh, để đạt tới chỉ tiêu xuất khẩu XKTS 4 tỷ USD vào năm 2010, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp điều kiện sản xuất, đảm bảo 100% doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sẽ tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm phối chế trong cơ cấu sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu (chiếm trên 65-70%).

Bên cạnh các sản phẩm thủy sản chủ lực hiện nay, hàng loạt các loài thủy sản khác như ếch, cá lóc, cá trê, cá rô phi cũng được đưa vào cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thủy sản ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Theo Quang Phương
(Báo Sài  Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.