Khi sếp giám sát bạn...

14/12/2006 21:51 GMT+7

Giới nhân viên văn phòng Hàn Quốc đang chịu sự theo dõi gắt gao của giới chủ. Không có gì thoát khỏi con mắt của nhà điều hành, cho dù họ đang uống ngụm cà phê hay ăn qua loa vài thứ cho đỡ đói.

Kim, 28 tuổi, hiện là chuyên viên nghiên cứu cho một công ty điện tử. Như bao nhân viên khác, anh được công ty phát cho một thẻ ID và dùng nó để quẹt vào chiếc máy đặt ở cửa ra vào mỗi ngày để chấm công. Không có thời gian ăn sáng vì phải vội vã đến công ty, thế là anh tranh thủ chút thời gian ăn vội thứ gì tại quầy ăn của nhân viên. Anh cho biết: "Nếu hôm nào tôi đến chỗ làm sau 8 giờ kém 10 thì tôi sẽ nhận được e-mail nhắc nhở từ phòng nhân sự. Sếp tôi muốn nhân viên phải đến sớm hơn giờ bắt đầu làm việc để chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy". Vì những e-mail nhắc nhở kiểu này đều gửi đính kèm đến cho trưởng phòng nên Kim buộc phải đi làm sớm hoặc bỏ ăn sáng. Một số phòng ban đóng cửa quầy ăn trước khi giờ làm việc bắt đầu 20 phút để tránh tình trạng nhân viên đi làm trễ.

Woo, 30 tuổi, làm việc cho một ngân hàng. Vào tháng 9, công ty của anh đã lắp đặt một số thiết bị mới, có tốc độ xử lý cực nhanh giúp rút ngắn thời gian in, scan và copy tài liệu. Chúng lại có hẳn một bộ nhớ trong ổ cứng, ghi lại tất cả các dữ liệu như bao nhiêu tờ giấy đã được in ra và in vào thời điểm nào. Thế là từ dạo đó, Woo rất cẩn thận trong việc in ấn giấy tờ vì nếu bị phát hiện có hành động hao phí tài sản cơ quan, Woo sẽ bị nhắc nhở hoặc cảnh cáo. Trở lại trường hợp của Kim, anh ăn trưa xong và trở về bàn làm việc kiểm tra e-mail. Một người bạn đã gửi thư cho Kim và hỏi anh công việc dạo này thế nào. Kim trả lời một cách vắn tắt và không nói thêm bất cứ chi tiết nào về công việc hiện tại vì công ty của anh lưu lại mọi e-mail của nhân viên và có thể mở ra kiểm tra bất cứ lúc nào. Do đó, anh luôn sử dụng tài khoản e-mail khác khi gửi thư cho người ngoài công ty.

Lee, 30 tuổi, làm việc cho một ngân hàng đầu tư nước ngoài và đại đa số đồng nghiệp đều là nữ. Cô tiết lộ mình và các nhân viên khác đã phát hiện một chiếc máy camera được đặt tại khu vực nghỉ ngơi của nhân viên vào ngày 24.10. Lãnh đạo công ty cho biết đây chỉ là biện pháp an ninh, nhưng thật ra mọi cổng ra vào và những khu làm việc quan trọng đều đã được lắp đặt camera. Tại khu vực nghỉ ngơi của nhân viên, mọi người chơi bóng bàn, uống cà phê, thoải mái nói chuyện phiếm với nhau, thậm chí có một số nữ nhân viên thay quần áo tại đây.

Công ty của Choi, 26 tuổi, quản lý theo kiểu khác. Mỗi buổi sáng, nhân viên an ninh sẽ dán một miếng sticker lên các máy điện thoại có chức năng chụp hình của nhân viên và khi ra khỏi chỗ làm, họ sẽ cẩn thận kiểm tra miếng sticker từng điện thoại một. Nếu nhân viên nào chụp hình bằng điện thoại di động, miếng sticker sẽ hiện lên dấu xước nhẹ. Đây là biện pháp nhằm tránh trường hợp rò rỉ thông tin do nhân viên sử dụng "con dế" để chụp hình trong công ty.

Mặc dù bị theo dõi gắt gao nhưng các nhân viên cũng cố tìm cách "ăn gian". Điển hình như trường hợp của Kim khi anh làm việc ngoài giờ. Nếu muốn được tính thêm giờ, nhân viên phải làm việc trên 2 tiếng ngoài giờ làm chính và sẽ là 2 giờ 30 phút nếu nhân viên này ăn tối tại cơ quan. Thế là dù công việc chỉ mất 1 giờ 30 phút là xong, Kim cứ nấn ná thêm để cho trọn 2 tiếng. Và để không mất thêm nửa giờ vào việc ăn tối, anh sử dụng coupon ăn uống nhà hàng dành cho khách đến công ty.

Khoảng 16 triệu nhân viên văn phòng Hàn Quốc đang bị giám sát cực kỳ chặt chẽ từng giây phút tại sở làm. Một ông sếp thừa nhận: "Chúng tôi lưu trữ tất cả dữ liệu về thói quen của nhân viên nhằm bảo vệ an toàn cho công ty chúng tôi và cải thiện khả năng làm việc của họ". Jang Yong-suk, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc, đánh giá những kiểu quản lý trên không chỉ là hành động vi phạm nhân quyền mà còn khiến năng suất làm việc giảm. Ông đánh giá một cách khôi hài rằng nhân viên văn phòng thế kỷ 21 không cần phải lên lịch làm việc vì đã có công ty làm phần việc đó cho họ. (Chosun Ilbo)

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.