Đắk Lắk giữ được nhiều bộ cồng chiêng quý có từ hàng chục đời nay

06/11/2007 13:04 GMT+7

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 3.375 bộ chiêng đủ, với chất liệu bằng đồng thau, trong đó có nhiều bộ cồng chiêng quý được giữ gìn hàng chục đời nay, mỗi bộ cồng chiêng có giá trị bằng 5 đến 7 con voi, hoặc hàng chục con trâu bò. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc Êđê, M'nông, J'rai còn sở hữu hàng trăm bộ cing kram.

Mới đây, tỉnh Đắk Lắk đầu tư 6 tỷ đồng thực hiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2007-2010, chủ yếu là trang bị 150 bộ cồng chiêng cho 150 nhà văn hóa cộng đồng thôn, buôn ở vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ kinh phí cho các gia đình, nghệ nhân có công gìn giữ, truyền dạy đánh cồng chiêng, lưu truyền các bài chiêng cổ trong cộng đồng, phục hồi không gian diễn xướng cồng chiêng, ngày hội văn hóa cồng chiêng, liên hoan, triển lãm cồng chiêng...

Thực hiện Chỉ thị “Về việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng” và Nghị quyết “Về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2007-2010” của tỉnh, các ngành, các địa phương đã đầu tư kinh phí, tổ chức nhiều lớp dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc Êđê, M'nông, J'rai. Nhờ vậy, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 700 đội cồng chiêng ở các thôn, buôn làng đồng bào dân tộc, trong đó có 200 đội chiêng trẻ từ 8 đến 16 tuổi.

Các huyện Krông Ana, Krông Bông, Cư M'Gar đã đầu tư kinh phí mời các nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi là người dân tộc Êđê, M'nông về các nhà sinh hoạt cộng đồng truyền dạy các bài chiêng cổ cho các cháu thanh, thiếu niên là người bản địa. Hàng năm, huyện, tỉnh đều tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, liên hoan dân ca - dân vũ, nhạc cụ dân tộc, tổ chức “buôn vui chơi, buôn ca hát“, hoặc tạo ra không gian văn hóa cồng chiêng bằng cách phục hồi các lễ hội truyền thống như lễ làm nhà mới, xuống đồng, ăn lúa mới, đặt tên con... Tỉnh trích ngân sách và các nguồn vốn tài trợ khác mua nhiều bộ chiêng cấp cho các nhà văn hóa cộng đồng.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.