Bình phong 'có con quỷ' ở lăng Ngô Quyền

05/03/2014 09:00 GMT+7

GS Trần Lâm Biền cho rằng hình hổ trên bình phong mới được làm tại lăng Ngô Quyền không khác gì... con quỷ. Dòng họ Ngô thì không muốn có cả hổ lẫn bình phong. Còn Ban Quản lý di tích lại không quan tâm đến họ.

GS Trần Lâm Biền cho rằng hình hổ trên bình phong mới được làm tại lăng Ngô Quyền không khác gì... con quỷ. Dòng họ Ngô thì không muốn có cả hổ lẫn bình phong. Còn Ban Quản lý di tích lại không quan tâm đến họ.

 Bình phong
Bình phong trước lăng Ngô Quyền khiến người dân Đường Lâm bức xúc - Ảnh: Phạm Mỹ

GS Trần Lâm Biền đã vô cùng tức giận khi nhìn thấy tấm bình phong mới tại lăng Ngô Quyền tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Trên tấm bình phong đó có một con vật mà theo thiết kế được gọi là hổ. Nhưng theo ông Biền, con vật đó hoàn toàn “không có tư cách con hổ”. “Nó giống như một con báo lai chó sói. Đặt ở đó mà không phải là hổ để chặn cái xấu, không ngăn được cái xấu thì nó là con quỷ”, ông Biền nói.  

“Không nên tồn tại cái bình phong đấy”

 
Rõ ràng ở đây ta thấy tư tưởng làm lấy được. Nó có hai nguyên nhân. Một là không hiểu biết. Hai là tìm cách thanh toán cho hết tiền của nhà tài trợ

GS Trần Lâm Biền

Ông còn bức xúc vì ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Đường Lâm (nhà quản lý), khăng khăng cho rằng bình phong có con hổ này là do ông tư vấn mà có. “Tôi có xuống đó nói chuyện với người dân. Tôi cho rằng lăng này nên có bình phong thì sẽ phù hợp với kiến trúc của một ngôi miếu thờ kiêm lăng mộ. Tôi cũng nói trên bình phong mặt trước nên có hổ, mặt sau có ngũ phúc. Nhưng tôi chưa từng thấy bản vẽ cụ thể nào của họ (Ban Quản lý di tích Đường Lâm - NV). Nếu được hỏi, tôi sẽ tư vấn rất kỹ lưỡng rằng bình phong nên đặt ở đâu, hình dáng ra sao, vị trí thế nào. Nhưng Ban Quản lý di tích hình như ngại hỏi thì phải chi tiền nên chỉ muốn làm cho xong”, ông Biền nói.

Trong khi đó, ông Dương Hữu Số, người trông coi ở lăng, lại vô cùng lo lắng. Lo vì căn phòng cho người trông coi lăng lại cao hơn cả hậu cung vua. Vì thế, ông quyết định không vào đó ở. GS Biền cho rằng, về nguyên tắc kiến trúc cổ, không ai làm chỗ ở cho người trông lăng cao hơn như vậy cả, sẽ tổn thọ, ngay cả việc chọn chỗ để hóa vàng, làm nhà vệ sinh cũng phải dựa theo hướng gió, nhằm tránh khí xấu thổi vào nơi thờ tự.

Song nỗi bức xúc của ông Biền, nỗi lo của ông Số hẳn không thấm vào đâu với sự nhấp nhổm không yên lòng của dòng họ Ngô. Theo Cục Di sản, khi lập dự án tôn tạo tu bổ lăng Ngô Quyền, dòng họ Ngô đã cam kết sẽ đóng góp 30% tổng kinh phí đầu tư công trình, tương đương 10 tỉ đồng. Trong khi có vai trò quan trọng cả về tài chính và tinh thần như thế, dòng họ Ngô lại không hài lòng với những thay đổi hiện tại tại lăng. Ông Ngô Vui, đại diện của dòng họ, cho biết: “Không nên tồn tại cái bình phong đấy. Cũng không nên có cái rãnh nước chạy quanh lăng. Cái đó về tâm linh là người ta kiêng”.

Cũng theo ông Vui: “Họ nói ông Biền nhầm lẫn bình phong của bậc đế vương với dân thường. Ông Ngô Quyền là đế vương thì bình phong chính là dãy núi trước mắt. Tóm lại, ý kiến của con cháu trong dòng họ đều muốn dỡ bỏ cái đó”.

Trên thực tế, thiết kế được Cục Di sản phê duyệt đã có tấm bình phong này. Theo Cục, nó “hoàn toàn hợp với nguyên tắc tu bổ tôn tạo, cũng như khoa học”. 

 Bình phong
Con vật “không có tư cách con hổ” trên bình phong

Nhà tài trợ, dân không được giám sát

“Cơ chế hiện nay chúng tôi không hài lòng. Chúng tôi bỏ tiền giai đoạn đầu để Hà Nội chấp nhận đầu tư công trình đó. Ngoài tiền bỏ ra làm dự án ban đầu, chúng tôi cũng phải làm văn bản hứa bỏ 30% kinh phí. Nhưng chúng tôi bị gạt ra ngoài cuộc”, ông Vui cho biết.

Trên thực tế, dòng họ Ngô đã không có một vị trí gì trong điều hành, triển khai dự án ở lăng Ngô Quyền. “Đấy là một sự bất hợp lý. Chúng tôi đã trao đổi với Ban Quản lý di tích, muốn sửa đổi thế nào cũng phải thương thảo bàn bạc chứ”, ông Vui nói.

Bản thân dòng họ Ngô cũng từng kiến nghị được tham gia ban điều hành. Họ thậm chí còn bàn bạc để cắt cử người tham gia. Song khi làm thì chỉ một mình Ban Quản lý di tích Đường Lâm tự biên tự diễn. “Không có cái ban điều hành nào cả, theo tôi biết. Vì nếu lập ra ban điều hành phải có đại diện của dòng họ. Chỉ trên đấy ban quản lý và nhà thầu làm với nhau thôi”, ông Vui cho hay.

Ông Vui cũng cho biết, dân làng ở địa phương Cam Lâm (nơi có lăng Ngô Quyền) muốn có đại diện là giám sát nhân dân theo quy chế hiện hành mà cũng không được.

Ông Trần Lâm Biền bức xúc: “Rõ ràng ở đây ta thấy tư tưởng làm lấy được. Nó có hai nguyên nhân. Một là không hiểu biết. Hai là tìm cách thanh toán cho hết tiền của nhà tài trợ. Tất cả chỉ vì cái chuyện này này...”, ông Biền vừa nói vừa vê vê mấy đầu ngón tay mô phỏng việc đếm tiền.

Trinh Nguyễn

>> Đường Lâm lại nóng vì lăng Ngô Quyền
>> “Ma làng” thời đổi mới
>> Giận quá hóa... lãng phí
>> Dân làng Đường Lâm chưa hài lòng
>> Làng Việt giữa trời u 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.