Có một quỹ học bổng mang tên anh

15/12/2005 17:32 GMT+7

Các chương trình công tác xã hội, đặc biệt là Qũy học bổng Nguyễn Thái Bình hàng năm là một mặt họat động quan trọng của báo Thanh Niên. Xuất phát từ quan niệm rằng, không chỉ bằng nội dung mà thông qua các hoạt động xã hội để thiết lập chiếc cầu nối gắn bó với bạn đọc.

Từ nhiều năm qua, Quỹ học bổng mang tên liệt sĩ, sinh viên yêu nước Nguyễn Thái Bình vẫn từng ngày lớn mạnh theo sự trưởng thành và vươn xa của tờ báo. Bắt đầu từ năm học 1990 - 1991, chỉ khởi nguồn với 40 suất nhỏ nhoi đến nay học bổng Nguyễn Thái Bình đã trở thành một quỹ học bổng quy mô lớn, nằm trong Quỹ bảo trợ tài năng trẻ do Trung Ương Đoàn điều hành, trợ giúp mỗi năm cho hàng trăm sinh viên nghèo vượt khó, hiếu học trên cả nước…

Từ một quỹ mang tên anh...

* Năm học 1990 - 1991: Báo Thanh Niên trao tặng cho 40 học sinh - sinh viên nghèo, học giỏi ở một số tỉnh, thành, mỗi suất  270.000 đ/năm học.

* Năm học 1991 - 1992: Trao cho 40 học sinh - sinh viên nghèo, học giỏi ở một số tỉnh, thành, mỗi suất 270.000 đ/năm học.

* Năm học 1992 - 1993: Số suất học bổng tăng gấp 3 lần so với năm trước, mỗi suất nâng lên 450.000 đ/năm học.

* Năm học 1993 - 1994: Trao tặng 160 suất, mỗi suất 900.000đ/năm học cho các học sinh - sinh viên của tất cả các tỉnh, thành. Như vậy, kể từ năm 1993, học bổng Nguyễn Thái Bình đã thật sự có qui mô cả nước, tất cả các tỉnh, thành phố đều có học sinh, sinh viên nghèo được cấp học bổng Nguyễn Thái Bình.

* Năm học 1994 - 1995: Đã trao 247 suất cho sinh viên - học sinh nghèo các tỉnh, thành, mỗi suất học bổng được nâng lên 1.000.000 đ/năm học. Ngoài ra, còn trao tặng 69 suất học bổng cho tất cả các thủ khoa các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước.

* Năm học 1995 - 1996: Trao 160 suất, mỗi suất 1.000.000 đ/năm học. Từ năm học này, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình dành riêng 5 suất cho con em người dân tộc ở các vùng cao.

* Năm học 1996 - 1997: Trao 200 suất, mỗi suất 1.000.000 đ/năm học.

* Năm học 1997 - 1998: Trao 225 suất, mỗi suất 1.000.000 đ/năm học.

* Năm học 1998 - 1999: Trao 226 suất, mỗi suất 1.000.000 đ/năm học.

* Năm học 1999 - 2000: Trao 228 suất, mỗi suất 1.000.000 đ/năm học.

* Năm học 2000 - 2001: Trao 257 suất, mỗi suất 1.000.000 đ/năm học.

* Năm học 2001 - 2002: Trao 260 suất, mỗi suất 1.000.000 đ/năm học.

* Năm học 2002 - 2003: Trao 250 suất, mỗi suất 1.000.000 đ/năm học.

* Năm học 2003 - 2004: Trao 367 suất, trị giá 348 triệu đồng.

* Năm học 2004 - 2005: Trao 350 suất,  trị giá 336 triệu đồng.

Tính đến hiện nay, Tổng cộng Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình đã trao 3.199 suất, với số tiền 3.025.600.000 đồng. Như vậy, đã có hơn 4.100 học sinh - sinh viên trong cả nước được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình, trong đó có nhiều em học giỏi, xuất sắc được chọn đi du học nước ngoài hoặc có việc làm ổn định và thành đạt trong cuộc sống.

Như trường hợp em Lê Hoàng Long, cựu học sinh trường Lê Quí Đôn (TP.HCM) được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình - báo Thanh Niên dành cho thủ khoa Đại học năm 1994, nay là người Việt Nam đầu tiên đạt giải thưởng Giảng dạy dành cho sinh viên sau đại học năm 2003 - 2004 tại Hoa Kỳ; em Nguyễn Thanh Vũ, 10 năm liền là học sinh xuất sắc toàn diện trường chuyên nổi tiếng Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) - Giải 3 trong kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý toàn quốc, được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình đã đậu cả 3 trường Đại học với số điểm cao, tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông loại xuất sắc, em được Ban giám đốc Chi nhánh Nhà máy Thiết bị Bưu điện (Postef) nhận vào làm việc ngay. Hiện nay em là Phó phòng kinh doanh của đơn vị. Trần Minh Đặng (TP Hồ Chí Minh) nhận học bổng Nguyễn Thái Bình năm học 2000 - 2001, sau đó Đặng liên tiếp đạt những thành tích đáng nể như:  Sinh viên xuất sắc 5 năm liền của tỉnh An Giang; đạt Giải thưởng “Sao Tháng Giêng” năm 2001 - 2002; đạt danh hiệu Thanh niên Tiên tiến toàn quốc ngành Văn hóa năm 2002 - 2003 và nhiều bằng khen, giải thưởng khác về công tác phong trào. Đặng hiện là Chuyên viên Phòng Tổ chức, Bí thư Đoàn Nhạc viện TP.HCM, vừa chính thức kết nạp vào Đảng đầu năm 2004.

Bạn Lê Xuân Giao nhận học bổng Nguyễn Thái Bình từ năm lớp 10 chuyên Anh trường THPT Lê Hồng Phong, tốt nghiệp THPT loại xuất sắc, Lê Xuân Giao thi đậu cùng lúc 2 trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM và ĐH Kiến Trúc. Giao được trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM cử tham gia chương trình “Học kỳ trên biển” với sinh viên Mỹ. Năm 2002, đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp tiếng Đức, được trường giữ lại làm giảng viên. Bạn Bùi Thị Minh Châu (Ninh Thuận) nhận học bổng Nguyễn Thái Bình khi đang là học sinh lớp 11C1 trường THPT Chu Văn An, TX Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Năm học 2004 - 2005, Minh Châu đạt danh hiệu học sinh giỏi với số điểm tổng kết cả năm cao nhất khối 12. Ngoài ra Châu còn đoạt giải  Nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Văn và thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT với số điểm 61/60 điểm. Ngày 16/8/2005, Minh Châu được cử đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn ngành giáo dục, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng thưởng bằng khen tại Đại hội. Hiện Minh Châu đang là sinh viên năm thứ 1, khoa Quan hệ Quốc tế Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM.

Là sinh viên đợt đầu tiên tại tỉnh Phú Yên được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình năm học 1994 - 1995, bạn Dương Thị Thu Thủy nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, liên tục đoạt các giải báo chí, gần đây nhất là giải báo chí viết về trẻ em năm 2004 - 2005 do Phân viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội tổ chức, hiện Thủy là phóng viên báo Phú Yên. Bạn Nguyễn Minh Tiến Kỳ trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2003 đã trúng tuyển cả 3 trường đại học và được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình. Gia đình nghèo, được bạn đọc báo Thanh Niên đóng góp giúp đỡ, tạo điều kiện cho Tiến tiếp tục học đại học. Hiện nay, Tiến là sinh viên năm thứ 3, ngành Bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Dược TP.HCM.
Tại buổi lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam đã tuyên dương 20 gương mặt “Thanh niên sống đẹp”, có nhiều bạn trong đó từng nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của báo Thanh Niên. Một số trường hợp đã ra trường với việc làm ổn định, có bạn đang ngồi trên ghế giảng đường nhưng gặp lại, tất cả đều nhắc về kỷ niệm đó như một dấu ấn trong cuộc đời khi nhận được sự sẻ chia từ tấm lòng bạn đọc của Báo.


Học bổng Nguyễn Thái Bình đã tiếp sức cho rất nhiều bạn học sinh sinh viên tiếp tục được cắp sách đến trường

Thành công trên con đường học hành và lập nghiệp, giờ đây họ cùng nhau quay lại chung sức với báo Thanh Niên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp vào Quỹ học bổng với mong ước chắp cánh bay xa cho những sinh viên nghèo hiếu học. Đó là bạn Nguyễn Thị Huyền Trân được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình năm 1991 - 1992, hiện là Thạc sĩ kinh tế ngành quản trị, trưởng nhóm kinh doanh ngành hóa nhựa tập đoàn SOJTZ của Nhật tại Việt Nam, Huyền Trân đã hai lần trở lại báo Thanh Niên tham gia đóng góp cho Quỹ học bổng . Đó là Nguyễn Thị Hồng Lan (Khánh Hòa) nhận học bổng Nguyễn Thái Bình năm học 1994-1995, Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 1996 - 1997 và được tuyển thẳng vào đại học. Hồng Lan tốt nghiệp Đại học Y Dược và hiện công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Đó là Trần Huỳnh Thanh Thảo (TP Hồ Chí Minh), 12 năm liền là học sinh giỏi, đậu cùng lúc hai trường đại học và là thủ khoa kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2004 của Trường Đại học Bách Khoa. Đó là hai chị em Nguyễn Thụy Khánh Đoan - Nguyễn Thụy Phương Dung, xuất thân là những cô bé bán vé số nghèo đậu một lúc nhiều trường đại học. Nhà nghèo, 3 lần được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình. Khánh Đoan đã có nhiều cố gắng trong học tập và tiếp tục được nhận học bổng của Chính phủ Úc về ngành Quản lý môi trường. Hiện nay bạn là Trưởng phòng Công nghệ môi trường của Công ty NIKE Việt Nam. Còn Phương Dung được Chính phủ Úc thông báo nhận học bổng toàn phần sau đại học để theo học khóa cao học về quản lý. Phương Dung tâm sự: “Em nhớ ngày ấy, trong suốt thời sinh viên của em, 1 triệu đồng/năm học của học bổng Nguyễn Thái Bình đối với em là một khoản tiền rất lớn, đã hỗ trợ cho em rất nhiều về vật chất, động viên tinh thần và giúp em học tập. Em luôn hứa với lòng mình là phải cố gắng học tập để xứng đáng với ý nghĩa của một học bổng mang tên người  thanh niên trí thức yêu nước và tấm lòng của báo Thanh Niên. Học bổng Nguyễn Thái Bình là một trong những “bệ phóng” vững chắc cho em đạt đến những ước mơ..”.

Trong “vườn ươm” học bổng Nguyễn Thái Bình còn rất nhiều tấm gương vuợt khó học giỏi rất xúc động mà trường hợp Hồ Hữu Xuyên là một điển hình. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo ở Kim Long (Huế). Chị gái của Xuyên phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không đủ tiền chu cấp. Em của Hồ Hữu Xuyên là học sinh giỏi thành phố 3 năm liền không đủ tiền đóng học phí nên không vào trường chuyên được... Những khó khăn đó đã thôi thúc Xuyên học giỏi để không phụ lòng cả gia đình ưu ái cho Xuyên học đến nơi đến chốn. Hồ Hữu Xuyên trở thành thủ khoa Trường Đại học Kiến trúc với số điểm 29 với 3 môn thi (năm học 93 - 94) và cũng là Á khoa của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Nhờ có học bổng Nguyễn Thái Bình của báo Thanh Niên em đã vượt qua được hoàn cảnh và được tổ chức USAID của Úc chấp nhận cấp học bổng du học.

Cùng nhận học bổng như Hồ Hữu Xuyên còn có Nguyễn Thị Hồng Thương (Đà Nẵng), sinh viên trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Thương cho biết: “Đối với tôi, hạnh phúc nhất trong cuộc đời là được nhận học bổng mang tên anh Nguyễn Thái Bình. Hôm ấy, tôi vui và xúc động lắm. Số tiền ấy giữa lúc khó khăn của một sinh viên xa nhà thật sự vô giá. Tôi chi tiêu rất dè xẻn, bởi đây là công sức của bao người gởi gắm và nguyện cố gắng học thật tốt". Cuối cùng, đề tài tốt nghiệp của Hồng Thương được Hội đồng công nhận loại giỏi và Hồng Thương được giữ lại trường giảng dạy. Đặc biệt nhất có gương mặt còn trở thành người của công chúng như Thái Văn Dũng (ca sĩ Quang Dũng) khi còn là cậu học trò nghèo ở Bình Định đã nhận học bổng Nguyễn Thái Bình để đi học và bây  giờ đã trở thành ngôi sao ca nhạc. Mặc dù vậy, anh vẫn không quên những tháng ngày khốn khó, luôn đồng hành cùng báo Thanh Niên làm công tác xã hội từ thiện, tham gia nhiệt tình trong các chương trình quyên góp quỹ học bổng. Bên cạnh đó, anh còn phối hợp với lãnh sự quán Canada tổ chức chương trình văn nghệ gây quỹ giúp nạn nhân chất độc da cam và thành lập quỹ đồng hành Quang Dũng giúp người tàn tật và người già neo đơn...

Và còn, còn rất nhiều nữa những tấm gương được trao học bổng Nguyễn Thái Bình vẫn đang từng ngày học tập, lao động, cống hiến trong sự nghiệp dựng xây, bảo vệ Tổ quốc khắp mọi miền đất nước.

... Đến chân dung người thanh niên mà Quỹ học bổng mang tên

Nhớ anh, tự hào về một quĩ học bổng mang tên anh, một buổi sáng chúng tôi đưa các em sinh viên được nhận học bổng về thăm căn nhà nhỏ gần cầu Khánh Hội - khung trời từng in dấu ấn những năm tháng tuổi thơ cơ cực của Nguyễn Thái Bình. Vợ chồng bác Nguyễn Văn Hai - Lê Thị Anh (thân phụ và thân mẫu của anh ra đứng đón chúng tôi ngay đầu hẻm. Bác Hai cho biết: Cũng chính cánh cổng này ngày xưa hai bác đã từng chờ anh mỗi lúc đi xa về. Lần giở từng trang bút tích anh để lại, những hình ảnh bị ố vàng theo thời gian, bác Hai rưng rưng nước mắt: “Thằng Bình ngày xưa ngoan và hiền lắm. Nó thương người nghèo khổ và chăm học lắm. Mỗi lần nhận được tiền học bổng nó thường rủ hết mấy đứa em... đi ăn. Tội nghiệp lắm. Cứ nhớ lại càng thương”...

Thông minh, sáng dạ từ hồi theo học tại Trường Petrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong), Nguyễn Thái Bình từng được mọi người biết đến như một tài năng trẻ, từng là sinh viên xuất sắc của Trường Nông Lâm Súc. Anh là một trong số ít những người Việt Nam thi đỗ vào Trường Đại học Washington trong thời gian này, và là sinh viên tốt nghiệp bằng kỹ sư hạng danh dự, được chọn đi tham quan hầu hết các tiểu bang của nuớc Mỹ. Trên các tờ báo thể thao và thời sự của Mỹ, cứ đến mỗi mùa tranh giải vô địch bóng đá giữa các Trường đại học là không thể thiếu tên tuổi của Nguyễn Thái Bình. Chỉ nặng khoảng 55kg nhưng anh vẫn tự tin buớc lên võ đài thi đấu quyền Anh với sinh viên ngoại quốc và chiến thắng để chứng tỏ một điều: Người Việt Nam không chịu thua kém bất kỳ ai trong mọi lĩnh vực...

Mùa hè năm 1970, anh về thăm gia đình rồi sau đó quay lại Mỹ tiếp tục học. Ngày 10/2/1972, Nguyễn Thái Bình và 10 sinh viên Việt Nam khác đã chiếm giữ Tòa lãnh sự của chính quyền Sài Gòn ở New York, đồng thời ra tuyên bố yêu cầu trả tự do cho bà Ngô Bá Thành - Chủ tịch phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, ông Huỳnh Tấn Mẫm - Chủ tịch Tổng hội sinh viên miền Nam Việt Nam, ông Lê Văn Nuôi - Chủ tịch Tổng đoàn học sinh, ông Nguyễn Xuân Lập - Chủ tịch Hội Liên hiệp sinh viên Phật tử... Trước những hoạt động mạnh mẽ của Nguyễn Thái Bình, cơ quan USAID và chính quyền Sài Gòn đã quyết định trục xuất anh về nước. Nhưng để anh về Sài gòn, hòa nhập vào phong trào đấu tranh tại chỗ sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, khi chiếc Boeing 747 mang số 841 qua Nhật Bản đã không dừng tại Tokyo như đã định mà thẳng về Sài gòn. Tên William Henry Mills - một nhân viên an ninh Mỹ giả dạng hành khách đã nổ súng hạ sát anh Bình rồi ném xác anh qua cửa sổ máy bay.

Ghé thăm Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (Cần Giuộc, Long An) - nơi gắn bó với anh những ngày tháng tuổi thơ - và tận mắt chứng kiến các thiếu thốn về cơ sở vật chất khiến chúng tôi thật sự xúc động. Những căn phòng học bức tường đã loang lổ, bàn ghế trong phòng học sao vẫn còn đơn sơ quá. Đồ dùng giảng dạy và các trang thiết bị vẫn còn thiếu rất nhiều. Qua sự vận động Nhà Xuất bản Giáo dục tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi vừa gởi tặng cho trường một tủ sách và tự dặn lòng tiếp tục hỗ trợ cho nhà trường trong thời gian sắp tới. Sau đó, chúng tôi đưa các em sinh viên ra viếng mộ anh.

Bao nhiêu năm sau chiến tranh, mộ phần của Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình vẫn còn khiêm tốn nằm trên doi đất nhỏ giữa một cánh đồng, tuy nằm không cách xa con đường làng là mấy nhưng đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Mọi người phải xắn quần lên cao để lội bùn, rồi dùng cây phát lối đi mới tới được. Bác Hai cho biết: "Do lúc chôn cất anh, địch lùng sục dữ quá nên gia đình phải âm thầm đưa về tận quê xa xôi như thế này. Bây giờ cỏ dại mọc nhiều nên lối vào chưa đắp được..”. Nghe vậy, chúng tôi càng thấy thương cho anh. Được biết mặc dù Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương cũng muốn qui tập anh về yên nghỉ nơi Nghĩa trang Liệt sĩ khang trang hơn nhưng gia đình không muốn đưa phần mộ của anh xa những người thân ở quê nhà. Chúng tôi đã tổ chức trao học bổng ngay bên mộ phần của anh. Giữa khói hương lan tỏa, buổi lễ trao học bổng Nguyễn Thái Bình được tổ chức đơn giản nhưng trang nghiêm và xúc động. Bí thư Đoàn trường Sư phạm Mẫu giáo Trung Ương 3, Trần Thị Ngọc Dung, thay mặt các bạn nhận học bổng đã cám ơn sự quan tâm của báo Thanh Niên đối với các tài năng trẻ và mong rằng quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình sẽ mãi là người bạn đồng hành với các bạn học sinh - sinh viên trong cả nước. Bạn Nguyễn Bá Minh Tuấn (SV Nhạc viện TP Hồ Chí Minh) tâm sự: “Về thăm quê hương và mộ phần anh Bình, em càng thấy rõ sự mộc mạc, giản dị của một tấm gương vĩ đại. Biết nhiều về anh Bình nhưng thực sự bây giờ em mới hiểu hết sự hy sinh vô bờ của anh...”.

*********

Hai mươi năm, sức vóc của tờ báo ngày càng lớn mạnh theo thời gian, bên anh Bình, chúng tôi càng tự hào về anh, tự hào với một Quỹ học bổng mang tên liệt sĩ Nguyễn Thái Bình - một sinh viên yêu nước, xuất thân từ con nhà nghèo nhưng vẫn vươn lên học giỏi, sẵn sàng xả thân cho quê hương, trở thành một tấm gương sáng cho bao thế hệ thanh niên Việt Nam học tập.

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.