Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần II: “Ấm” nhưng chưa đủ “nóng”

18/12/2006 22:48 GMT+7

Gần hai mươi ngày qua, những người yêu sân khấu náo nức hòa mình vào không khí của Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần II, thật may là khá ấm áp với những khán phòng không có nhiều chỗ trống. Tuy nhiên...

Nghệ sĩ "ta" hờ hững

Trái với dự đoán lo âu của nhiều người, trong suốt những ngày diễn ra liên hoan, lượng khán giả tại Nhà hát lớn và Nhà hát Tuổi Trẻ đã không làm bẽ mặt chủ nhà, cho dù hầu hết đều cầm vé mời trên tay. Và nếu so sánh thì công chúng có vẻ kiên nhẫn hơn kỳ liên hoan trước. Hiếm thấy ai bỏ về giữa chừng, ngay cả với những vở kém hấp dẫn. Điều thú vị, các hội thảo tổ chức sau từng đêm diễn - một sáng kiến tuyệt vời như nhận định của đạo diễn người Pháp Alain Destandau đã thu hút khá đông cử tọa cùng những cuộc thảo luận sôi nổi không hề mang tính xã giao. Người ta thấy soạn giả Tất Đạt gần như ngày nào cũng có mặt, phát biểu cực hăng, NSND Lê Khanh tình nguyện làm chân đưa micro, diễn viên Thanh Thúy lặn lội từ Nam ra Bắc... Các nghệ sĩ nước ngoài còn chăm chỉ hơn, đặc biệt là Pháp và Australia, theo dõi vở và "bám" hội thảo từ đầu đến cuối, khiến các phiên dịch viên phải "chạy" hết công suất.

Tú tài và đao phủ (Nhà hát Thượng Hải - Trung Quốc) (ảnh: Hy Lam)

Nhưng lẽ ra, không khí liên hoan đã có thể "nóng" hơn. Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát tuồng Việt Nam đều có vở tham dự, nhưng đội ngũ cổ động viên chỉ lác đác dăm người và đoàn diễn xong thì cũng mất hút luôn. Các đơn vị nghệ thuật khác hầu như không có mặt. Trước ngày liên hoan khai cuộc, NSND Doãn Hoàng Giang ước tính, phải mất khoảng 5-10 năm nữa may ra công chúng mới "ngấm" thử nghiệm. Nhưng ngay những người làm sân khấu còn hờ hững thế này thì...

Quá khe khắt với thử nghiệm?

So với kỳ liên hoan trước, 4 vở của Việt Nam tham dự liên hoan lần này, chất thử nghiệm có phần sắc nét hơn. Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử để lại ấn tượng về những động tác hình thể khá biểu cảm. Nơi đất ở dấy lên những luồng tranh luận dữ dội về cách dàn dựng của đạo diễn trong những "pha" nhạy cảm. Hồn quê là sự kết hợp ngọt ngào giữa rối nước với gái quê, trai làng, cuộc sống êm đềm nơi thôn dã. Huyền thoại cuộc sống gây sửng sốt bởi màn phô diễn hoành tráng của hình thể, trống, ánh sáng, phim ảnh... Điều thú vị là trong khi các nghệ sĩ quốc tế không tiếc lời khen ngợi tài nghệ của chủ nhà thì giới chuyên môn trong nước lại săm soi kỹ lưỡng từng vở một, nhất quyết không để lọt lưới một hạt sạn nào. Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử bị chê quá dài dòng;  Nơi đất ở - thiếu tính thử nghiệm; Huyền thoại cuộc sống - thủ pháp tung ra quá ào ạt, lời thoại thiếu tính văn học... Đến mức mà NSND Trọng Khôi đã phải bật dậy lên tiếng: Không nên đòi hỏi quá cao với thử nghiệm. Chúng ta đang đi những bước đầu tiên, chỉ cần một chi tiết sáng tạo ở kịch bản hay đạo diễn là đáng quý rồi. NSND Doãn Hoàng Giang thì khéo léo khích lệ: Người đi tiên phong thường là người "lãnh đạn". Còn chủ trì hội thảo không dưới một lần phải hạ hỏa cử tọa bằng kế... giải lao.

Rất may, sự xuất hiện đúng lúc của Tú tài và đao phủ - Nhà hát Thượng Hải (Trung Quốc) và Vòng cát - Nhà hát Monte Charge (Pháp) đã làm dịu xuống những tranh cãi tưởng như bế tắc. Vòng cát là một kết hợp táo bạo giữa nghệ thuật mặt nạ với nghệ thuật tuồng. Độc đáo hơn, diễn viên song ngữ trên sân khấu. Khi ngồi viết kịch bản, đạo diễn Alain Destandau đã chặt phăng tất cả những chi tiết rườm rà, để lại một câu chuyện dễ hiểu. Theo lời ông thì ở Pháp, những người làm thử nghiệm có thể đi theo một trong hai xu hướng: một là kịch bản và hai là thủ pháp dàn dựng. Xin nói thêm, Vòng cát đã diễn tới gần 50 suất tại Pháp, có bán vé. Tú tài và đao phủ - nội dung mang tính triết lý sâu sắc nói về những biến cố xảy ra trong cuộc sống của một tú tài và một đao phủ, họ phải đổi nghề và cuối cùng tìm lại được ý nghĩa cuộc sống. Cảnh nối tiếp cảnh, mạch lạc và đẹp như một bài thơ. Kết thúc mở. Người xem đồng hành cùng nhân vật suốt những thăng trầm của số phận và đón nhận vở diễn với một tư thế chủ động - điều mà kịch nói truyền thống chưa làm được. Soạn giả Lê Duy Hạnh bày tỏ lòng ngưỡng mộ: Nếu không có Tú tài và đao phủ, có lẽ đến hết liên hoan chúng ta vẫn hỏi nhau: thử nghiệm là như thế nào? Cũng xin nói thêm, Nhà hát Thượng Hải (một trong những đơn vị đi đầu về thử nghiệm) quy tụ 200 diễn viên, sở hữu 3 rạp hát và mỗi năm dàn dựng 20 vở. Không biết những thông số này có tác động gì không mà tại liên hoan, người ta nghe giới sân khấu loan báo một tin vui: Từ năm nay, sẽ tổ chức liên hoan sân khấu thử nghiệm phạm vi trong nước trước khi nâng tầm lên quốc tế.

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.