Khẳng định một sân chơi của giới trẻ

18/12/2005 16:29 GMT+7

Giải bóng đá trẻ U.21 Báo Thanh Niên vừa kết thúc. Có lúc chúng ta dự đoán những đội mạnh như CA TP Hồ Chí Minh, Hải quan hoặc một đội nào có nhiều các cầu thủ đẳng cấp cao sẽ thắng. Nhưng những bất ngờ vừa qua của bảng xếp hạng đã cho chúng ta những suy gẫm thú vị.

Đội U.21 Thanh Hóa tuy có việc gian lận tuổi của 3 cầu thủ (sự cố đáng tiếc đó, chúng ta đã xử lý thích đáng), song nếu loại 3 cầu thủ khai man tuổi, U.21 Thanh Hóa vẫn là đội được xếp hạng mạnh nhất. Rồi phải kể đến Sông Lam Nghệ An và Gạch Đồng Tâm, rồi Hải Phòng. Có thể nói cầu thủ của các đội này đều ở vào lứa tuổi 17, 18, 19, 20. Họ chưa nhiều kinh nghiệm trận mạc, nhưng phong cách thi đấu lăn xả, sự chơi hết sức mình và vô tư, những đường nét đáng yêu trong lối chơi để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Nó lý giải tại sao một giải trẻ chơi không sắc sảo bằng các giải vô địch quốc gia, nhưng sân bóng luôn luôn có số lượng khán giả đông. Theo như tổng kết của lãnh đạo sân Thống Nhất thì tiền bán vé vào sân lãi nhiều hơn giải hạng nhất, hạng nhì quốc gia.

Đích thực là nó xuất phát từ phong trào của các địa phương, tuy chưa phải là đã tuyển chọn bằng những biện pháp tốt nhất. Sức sống của U.21 là ở chỗ nó gắn với hơi thở và tiềm lực có thật của bóng đá trẻ. Được, tốt, hay, dở, ta có thể dựa vào đây mà tính toán.

Có một tờ báo đã đăng một bài cho rằng 10 ngày thì làm sao tuyển được nhân tài. Rằng không nên xã hội hóa thể thao như việc giao các giải chuyên nghiệp cho các đoàn thể quần chúng. Họ không biết rằng từ U.11, U.16, U.21 đến cúp quốc gia đều giao cho Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và các tờ báo của giới trẻ đã làm tốt và làm hết mình hay sao? Tại sao đến giờ này còn có những tiếng nói lạc lõng kiểu đó?

Việc xử lý đội U.21 Thanh Hóa là rất cân nhắc, nhưng đó là việc bắt buộc phải làm. Không làm có nghĩa rằng chấp nhận cho sự nghiệp thể thao, sự nghiệp bóng đá luôn bị đùa giỡn với sự giả dối, và sự giả dối luôn là kẻ thù của một nền thể thao đích thực, nhất là sân chơi đó dành cho lớp trẻ với mục đích đào tạo một lớp kế thừa có nền tảng đạo đức, có chuyên môn cao để có thể sánh kịp với nền thể thao và bóng đá khu vực, cũng như quốc tế. Việc đưa đội Thanh Hóa ra khỏi giải, trước hết là ray rứt của những người tổ chức giải, khi tự mình phải cắt ra khỏi cuộc chơi một đội có lối đá hấp dẫn nhất, đã lọt vào bán kết trước tiên.

Dù sao giải vẫn diễn ra trong bầu không khí lành mạnh. Các đội trẻ thụ hưởng hơi thở và nhịp đập của phong trào bóng đá trẻ cả nước, ngày càng khẳng định chính mình chứ không phải đi vay mượn. Nó được sự ủng hộ và thiện cảm từ 98% công luận và khán giả. Và chính vì thế, ta có quyền hy vọng vào tương lai của bóng đá trẻ.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 13/8/2000)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.