SSEAYP ký sự - Bài cuối: "SSEAYP thay đổi đời tôi"

14/12/2008 18:46 GMT+7

Chia tay SSEAYP 2008, các thành viên gặt hái được khá nhiều điều hữu ích sau hành trình và quan trọng hơn, cầu nối hữu nghị với thanh niên các nước càng bền chặt hơn...

Đối mặt với sóng lớn

Ngày 29.11, đoàn rời Việt Nam đến Philippines. Philippines có tổng cộng 7.107 hòn đảo, trong đó 3 đảo chính tập trung nhiều dân cư nhất là Luzon, Visayas và Mindanao. Chỉ có khoảng 2/5 đảo có tên.

Theo lịch trình, ngày hôm sau (30.11) tất cả thành viên sẽ có một ngày nghỉ ngơi, không phải tham gia bất cứ hoạt động nào. Dù cả đoàn được khuyến cáo phải uống thuốc say sóng, vì vùng biển từ Việt Nam qua Philippines có sóng lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, nhưng những cơn sóng to cũng làm hầu hết các thành viên mệt mỏi. Sáng 30.11, bữa ăn sáng được phục vụ rất đặc biệt nhằm hạn chế việc say sóng, còn phòng ăn thì trống rỗng dù trên tàu có hơn 320 thành viên tham dự.

Tàu lắc lư theo những đợt sóng lớn, bọt biển tung trắng xóa. Cả ngày hôm đó, khá nhiều bạn đã không chịu nổi phải ôm chăn màn ra hành lang tầng 1 và tầng 2 để ngủ. Những bạn nằm giường C (tầng trên) càng bị lắc lư nhiều hơn. Nếu trong phòng đã có một thành viên say sóng thì các thành viên còn lại sẽ dễ bị theo, nên các hành lang chật kín người nằm. Có bạn đã nói vui: "Đây là hành trình thử sức trẻ".

Tình trạng này kéo dài đến hai ngày sau khiến mọi người dường như không còn sức lực. Tuy nhiên các bạn đã nhận được sự chăm sóc đặc biệt của các thành viên cùng cabin nên tình cảm càng thắt chặt hơn. Đây cũng là điều không may cho các thành viên Philippines, vì đêm 1.12 là "Đêm Philippines", các bạn sẽ biểu diễn văn nghệ. Dù vậy các bạn đã hoàn thành xuất sắc đêm diễn và được nhiều thành viên đến cổ vũ. Bị say sóng là điều ám ảnh đối với nhiều thành viên, vì còn khá nhiều hoạt động trên tàu trước khi tàu cập cảng Tokyo. Chính vì vậy, ngay trong buổi tối của ngày đầu tiên rời cảng Manila, Ban điều hành đã họp và thống nhất đổi hải trình, thay vì từ Manila về thẳng Tokyo, thì tàu phải đi qua eo biển Đài Loan để có sóng êm hơn.

SSEAYP chưa kết thúc

Chiều 3.12, bắt đầu chương trình homestay ở Philippines. Gia đình nuôi của tôi ở khá xa trung tâm thủ đô Manila, mất hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Gia đình nuôi gần giống với một gia đình ở miền quê Việt Nam, đời sống giản dị, nhưng giàu tình cảm. Tiếng Anh gần như là ngôn ngữ thứ 2 ở Philippines nên chúng tôi không khó khăn trong giao tiếp. Chúng tôi được mẹ nuôi là giáo viên trung học dẫn đi thăm thú một số nơi trong thị trấn và tìm hiểu về đời sống của người dân vùng ngoại ô này.

Sau 2 ngày trải nghiệm homestay ở Philippines, 4 giờ chiều 5.12, Nippon Maru nhổ neo rời cảng Manila trở về cập cảng Tokyo vào lúc 10 giờ sáng ngày 10.12. Khi đến Nhật, lịch làm việc cũng tương tự, thậm chí có lần đoàn Việt Nam phải thức đến 3 giờ sáng để họp. Khi lên tàu, dù lịch làm việc tập thể với các nước hầu như đã chuẩn bị kỹ, nhưng cũng khá vất vả cho mỗi thành viên, vì màu cờ sắc áo nên phải thể hiện hết mình. Riêng việc mặc đồng phục cũng là mối bận tâm lớn. Đoàn Việt Nam có đến 12 bộ đồng phục, rất dễ lẫn lộn và phải lo cả đến việc giặt ủi, vì có ngày phải thay đồng phục đến 3 lần.

Dù vậy, như đã nói, sau SSEAYP các thành viên có được rất nhiều thứ mà ít có chương trình nào có thể mang lại. Câu nói "SSEAYP changes my life" (SSEAYP thay đổi đời tôi) vẫn được các cựu thành viên sử dụng khi nhắc đến SSEAYP.

Ngày 11.12, sau bữa tiệc chia tay, thành viên các nước đáp máy bay về nước, kết thúc hành trình SSEAYP 2008 trong 52 ngày. Sau thời gian sống và làm việc chung trên tàu Nippon Maru, giờ chia tay đầy lưu luyến. Những cái ôm hôn nồng thắm, những giọt nước mắt chảy trên gương mặt mỗi người. Họ nói với nhau lời chia tay, cũng như hứa hẹn trao đổi, tham khảo những việc sẽ làm sau SSEAYP. Với họ, SSEAYP chưa kết thúc, thậm chí mới chỉ bắt đầu cho khá nhiều hoạt động vì cộng đồng của thanh niên...

Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.