Những ngày này, ở Mỹ

17/12/2005 17:04 GMT+7

Nửa giờ trước khi Hiệp định Thương mại có hiệu lực Tôi đi Mỹ lần này theo lời mời của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Không chỉ đối với Hàng không Việt Nam mà đối với tất cả chúng ta, việc ta ký mua 4 chiếc Boeing 777 là sự kiện rất quan trọng. Cần biết rằng, sau sự kiện 11/9, Hãng Boeing chỉ mới bán được 30 máy bay loại nhỏ cho Trung Quốc, trong khi Vietnam Airlines mua 4 chiếc Boeing 777 này trị giá tới 680 triệu USD.

Ở Washington, người ta chứng kiến lúc 14h ngày 10/12/2001, lễ ký kết hợp đồng mua bán diễn ra tại Bộ Thương mại Mỹ giữa Tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển và ông Mulally, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, có sự chứng kiến của Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Don Evans và sự có mặt của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng. Lúc đó, Hiệp định Thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam còn nửa tiếng nữa mới bắt đầu có hiệu lực. Đài truyền hình CNN đưa ngay tin này trong ngày. Phát biểu trong buổi ký, Bộ trưởng Vũ Khoan nói rằng, ông mong trong một ngày gần đây tại trụ sở Bộ Thương mại Việt Nam, phía Mỹ "sẽ ký mua một khối lượng hàng lớn của Việt Nam tương tự như sự kiện ngày hôm nay tại Bộ Thương mại Hoa Kỳ".

Khi gọi điện thoại mời tôi đi Mỹ chứng kiến sự kiện quan trọng này, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh nói với tôi bằng một giọng nhiều xúc cảm: "Chúng ta sẽ chứng kiến một bước ngoặt mới của Hàng không Việt Nam tại Mỹ". Một nhà doanh nghiệp Mỹ thường lui tới Việt Nam cũng nói, nếu Vietnam Airlines có thêm 4 chiếc máy bay Boeing 777 thì vị thế của hãng sẽ rất khác. Và theo kế hoạch năm 2002, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục mua thêm máy bay mới và thuê thêm 2 chiếc Boeing 777 nữa và sẽ mở đường bay trực tiếp đi Mỹ vào năm 2005. Chắc chắn khi ấy hãng sẽ có Boeing 747 như các hãng lớn trên thế giới hiện nay đang sử dụng cho những đường bay xa.

Các nhà quan sát cho rằng đây là một hợp đồng thương mại đầu tiên được ký kết trong khuôn khổ hiệp định song phương mà trị giá riêng của hợp đồng này đã lớn gần gấp đôi giá trị hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam trong năm 2000 (chỉ vỏn vẹn 368 triệu USD), đủ thấy tầm vóc của bản hợp đồng không chỉ mang ý nghĩa riêng cho Hàng không Việt Nam.

Trong đại sảnh của Bộ Thương mại Mỹ, lúc chứng kiến lễ ký giữa hai hãng hàng không, Bộ trưởng Vũ Khoan nói một câu ví von rất có ý nghĩa: "Còn 30 phút nữa hiệp định mới có hiệu lực mà chúng ta đã ký với nhau một hợp đồng lớn như thế này. Boeing 777 sẽ đưa quan hệ Việt - Mỹ lên một tầm cao chín, mười cây số và động cơ để bay cao, bay xa của chúng ta là quan hệ bình đẳng và cùng có lợi...". Anh Victor Dương, một Việt kiều ở Bắc California xúc động nói: "Người Việt ở Mỹ không có gì sung sướng bằng khi vào phi trường San Francisco hoặc Los Angeles mà thấy được dòng chữ Vietnam Airlines".

Thương hiệu Việt Nam

Các doanh nhân Việt Nam và Mỹ đều háo hức đón chờ thời điểm hiệp định có hiệu lực. Nhiều hàng hóa Việt Nam, nhất là quần áo, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ sẽ có mặt tại Mỹ bên cạnh thủy hải sản, các loại nông sản được xuất sang thị trường này từ nhiều năm nay. Tôi tin những sản phẩm "made in Vietnam" có mặt tại Mỹ sẽ có chất lượng và mẫu mã không thua kém nhãn hiệu sản phẩm cùng loại xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc...

Các Việt kiều ở đây khi đưa tôi vào một siêu thị của Mỹ để mua hàng về làm quà tặng đã bật cười nói với tôi rằng các anh thường về Việt Nam mua áo quần và giày dép sản xuất từ Việt Nam qua đây để dùng và làm quà cho bà con bên này. Người ta còn thích thú với một loại dầu gội đầu từ trái bồ kết ở quê nhà mà họ còn quý hơn cả các loại dầu gội đầu hàng hiệu đắt tiền từ các hãng nổi tiếng của Pháp và Mỹ.

Nếu các doanh nhân Việt Nam hiểu biết nhiều hơn về thị trường Mỹ, vốn rất đa dạng và tiêu thụ mạnh vào bậc nhất thế giới thì tôi nghĩ ta sẽ chiếm được ưu thế hơn so với các nước bạn hàng khác. Tôi đã thấy ở Atlantic Super-market của một người Việt giàu có ở Washington, gạo Thái Lan được mang nhãn hiệu Việt Nam, nước mắm Thái Lan ở Mỹ cũng được mang tên "nước mắm Phú Quốc"... Qua đó mới biết, không ít loại hàng hóa của ta đã từng nổi tiếng đến mức người ta đã dùng thương hiệu Việt Nam để thu hút người tiêu dùng thế giới.

Không có chỗ cho những tiếng nói lạc lõng

Khi nói chuyện với tôi trên chiếc chuyên cơ của Hàng không Việt Nam trong chuyến bay từ New York đến San Francisco để dự khai trương văn phòng đại diện của Hàng không Việt Nam và dự các cuộc tiếp xúc khác, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tâm đắc nhất vẫn là các cuộc trao đổi với các quan chức Mỹ, các nhà doanh nghiệp Mỹ và đặc biệt là các giáo sư và sinh viên tại Trường Nghiên cứu quốc tế, một phân viện của Đại học Johns Hopkin, trung tâm giáo dục nổi tiếng của nước Mỹ. Tại đây, Phó thủ tướng nói: "Lâu nay, ở Mỹ khi nói đến Việt Nam người ta thường chỉ nhắc đến cuộc chiến tranh với những kỷ niệm đau buồn, một cuộc chiến tranh không đáng có, nhưng ngày nay người ta đã nói và nghĩ đến Việt Nam như một đất nước, một dân tộc và một nền văn hóa". Ông đề nghị các bạn sinh viên ở đây rằng: "Các bạn hãy nhìn Việt Nam với một tầm nhìn xa hơn và rộng hơn". Ông đã đề cập đến các cuộc chiến tranh trong lịch sử Việt Nam nhằm bảo vệ quyền sống, quyền độc lập tự chủ và giành quyền phát triển đất nước và ông hy vọng rằng đây là những cuộc chiến đấu cuối cùng để bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Về quan điểm chống khủng bố của Việt Nam mà nhiều giới ở Mỹ hiện đang quan tâm, ông nhấn mạnh: "Nhân diễn đàn này, một lần nữa thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc trước những đau thương mất mát mà nhân dân Mỹ đã gánh do hậu quả của cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9. Việt Nam lên án và phản đối hành động dã man phi nhân tính đó. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế, hợp tác với Mỹ trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc để đấu tranh, ngăn chặn và loại hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố ra khỏi đời sống nhân loại. Việt Nam khẳng định là chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nuôi dưỡng, dung túng bọn khủng bố chống các nước. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu các nước không nuôi dưỡng, dung túng bọn khủng bố chống Việt Nam".

Như vậy là một quan điểm rõ ràng, với giới hạn của một bài báo, tôi không trích dẫn được nhiều thêm. Song, những tiếng nói lạc lõng phụ họa với những luận điểm sai trái chống lại đất nước của một vài cá nhân người Việt ở Mỹ là không có đất đứng ngay trong chính cộng đồng người Việt, chứ chưa nói có tác động gì đối với người Mỹ và xã hội Mỹ.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 19/12/2001)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.