Những hòn Vọng… thê thời nay - Kỳ 3: Tiền vợ vào túi người dưng

24/12/2008 11:37 GMT+7

Khi “vắng cơm”, nhiều người đàn ông có vợ đang ở nước ngoài thường đi tìm “phở”. Có một câu hát cửa miệng quen thuộc trong những tiệc rượu: “Gió sao gió mát sau lưng/ Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này!”.

Kết thúc tiếng “dô!... dô!...” là họ thường tìm đến những nhà nghỉ ở bãi biển Xuân Thành - Nghi Xuân hoặc nhà hàng cơm phở xứ Voi - Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Thuê ôsin về... ngủ chung

Ở phía Nam trên đoạn đường QL 1A dài khoảng 3 cây số giáp ranh giữa Cẩm Xuyên và Kỳ Anh có đến trên trăm nhà hàng cơm phở, nơi ấy các đối tượng có vợ đi lao động nước ngoài thường mang tiền đến nhậu nhẹt, chơi bời.

Nguyễn Văn Phước (*) sinh năm 1968 có vợ là Trần Thị Thảo cư trú gần Chợ Voi. Họ có 3 con. Vợ làm nông, chồng mua thêm máy xát kiếm cám nuôi lợn nhưng thu nhập chẳng ăn thua.

Có lợi thế sức khỏe lẫn nhan sắc, chị Thảo đã quyết chí sang Đài Loan làm giúp việc. Năm đầu, chị Thảo gửi về cho chồng gần 50 triệu đồng. Ở nhà anh Phước vẫn duy trì việc nuôi lợn và chạy máy xát.

Giữa năm 2007, ở xứ Cồn Cao - Dốc Voi có hàng trăm nhà hàng cơm phở nuôi cả đàn em út. Công an hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên bắt hai vụ chứa mại dâm đưa ra xét xử. Các nhân viên nhà hàng đi vào hoạt động bí mật.

Vợ đi vắng, anh Phước thường đến quán giải sầu. Lâu lâu, Phước nhờ chủ tìm hẳn cho một nhân viên tên là Hồng người tận miền Tây - Nghệ An, tuổi ngoài 20, trắng trẻo, khỏe mạnh, đưa về giúp việc tại gia. Khi về sống chung trong nhà, Hồng khá hòa đồng với những đứa con của gia chủ. Hồng được ông chủ rất yêu, sắm cho cả nhẫn vàng. Anh Phước giao cả xe máy cho Hồng để đưa đón các con đi học.

Để che mắt các con, anh Phước bố trí Hồng ngủ phòng riêng nhưng đêm khi các con đã ngủ, anh ta lại kéo ôsin vào phòng mình ngủ chung. Lâu ngày, chuyện đến tai ông bà ngoại... Từ đó chị Thảo không gửi tiền về cho chồng nữa.

Anh Trần Văn Tuyến (sinh năm 1974), ở huyện Kỳ Anh có dáng người to cao, đẹp trai, làm nghề thợ mộc. Họ mới có một con gái, ở chung với ông bà nội. Rồi người vợ đi Đài Loan, đến nay đã được 2 năm. Biết chồng hoang phí, vợ không gửi tiền cho Tuyến mà gửi nhờ mẹ chồng cất giữ.

Nại lý do nghề làm thợ mộc cần có tiền mua gỗ dự trữ để làm lâu dài, Tuyến yêu cầu mẹ rút tiền để nhập gỗ. Nhưng rồi tiền bán sản phẩm thu về chui hết vào túi của đám em út trẻ đẹp ở các nhà hàng, quán cà phê, cơm phở.

Sợ đàn ông vì chồng phụ bạc

Trên đường Phan Đình Phùng - TP Hà Tĩnh, tại một ngách đâm về phía Bắc có một căn nhà hai tầng mặt tiền của chị Lê Thị Hằng, tuổi chừng giữa tam tuần. Chị Hằng nhiều năm sống ở nước ngoài về vẫn còn giữ được nét mặn mà của một phụ nữ nhan sắc.

 
“Phố Voi”, nơi nhiều ông chồng có vợ xa xứ thường tìm đến giải sầu

Nhiều đàn ông thỉnh thoảng qua lại, buông ra những lời tán tỉnh, nhưng chị tuyên bố: “Tôi ghét cay ghét đắng đàn ông”. Lý do, toàn bộ tiền chị dành dụm ở nước ngoài gửi về cho chồng tên là Bích chỉ mua được ngôi nhà, số còn lại anh ta chuyển cho một phụ nữ quê ở huyện Thạch Hà. Bích và người phụ nữ này sống với nhau như vợ chồng.

Khi chị Hằng về nước, hai bên đưa nhau ra tòa, tài sản chia đôi.

Nhận nhà, chị phải trả lại cho chồng khoảng 200 triệu đồng, dù đó là nhà mua bằng tiền của chị gửi về. Hai đứa con tòa cũng chia nhưng đứa lớn không chịu ở với bố. Chị nhận nuôi cả hai con.

Tiền đóng góp nuôi con người chồng cũng chây ỳ không nộp. Chị Hằng cay đắng tâm sự: “Đời tôi chỉ yêu, lấy và sống hết mình với một người đàn ông nhưng anh ta đã đối xử tệ bạc với tôi như vậy... Nay tôi không còn tin tưởng một người đàn ông nào khác”.

Chị Lê Thị Loan quê ở thị trấn Kỳ Anh cũng là một phụ nữ khỏe mạnh. Chị Loan được người cậu đưa sang Nga bán hàng ở chợ Vòm, làm ăn khá phát đạt. Ngôi nhà mặt tiền QL1A được giao cho chồng là Lê Xuân Thứ trông coi. Vợ sang xứ người được mấy bữa, anh Thứ đã cặp bồ với một cô chủ quán gội đầu. Mảnh đất mà vợ chồng chị Loan ở là của bố mẹ bên ngoại cho.

Vợ đi vắng, ở nhà anh Thứ làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi cho cô uốn tóc mượn để thế chấp vay hơn trăm triệu đồng. Rồi hai người đưa nhau về quê ở Hương Sơn kinh doanh buôn bán. Khi về nước, chị Loan ngậm đắng nuốt cay, bỏ ra khoản tiền lớn mới chuộc lại được giấy tờ nhà đất.

Quá khứ chưa ngủ yên

Chúng tôi đến xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh hỏi tìm nhà chị Phan Thị Lâm và không tin được một người phụ nữ hai lần đi Đài Loan mà phải ở trong một ngôi nhà còn tạm bợ, chật hẹp, thua kém cả những ngôi nhà của dân quê. Tiếp chúng tôi là đứa bé 15 tuổi tên Hồ Văn Nhân, con đầu của chị Lâm.

 
Bao năm bôn ba xứ người kiếm sống nhưng mẹ con chị Lâm vẫn phải ở ngôi nhà tạm bợ vì người  chồng bội bạc

Nhân cho số điện thoại của mẹ và nói thêm: “Mẹ cháu đi làm phiên dịch cho một xí nghiệp sản xuất của người Đài Loan ở một huyện miền núi Thanh Hóa. Bác muốn gọi điện cho mẹ thì phải sau 8 giờ đêm mẹ mới về phòng. Ban ngày mẹ đi làm ở cách xa trung tâm huyện, không có sóng”.

Liên lạc được, tôi nghe Lâm kể lại cuộc đời mình hoàn toàn trái ngược với những gì mà tôi nghe người khác kể. Thiên hạ nói là Lâm bỏ chồng, nhưng theo Lâm, anh ta đã đi theo một người đàn bà khác.

Cuộc nói chuyện giữa tôi và Lâm qua máy di động dài gần cả tiếng đồng hồ. Tôi xin phép Lâm được ghi âm lại toàn bộ, đưa hình ảnh và ngôi nhà của cô lên báo. Hôm đó, cô ngần ngại, nhưng sáng hôm sau cô đồng ý nhưng cần phải nói đầy đủ là phía bên nhà chồng mọi người vẫn đối xử rất tốt với mẹ con cô.

Họ chia tay nhau chỉ vì người chồng yêu một phụ nữ khác. Tài sản và công sức Lâm gây dựng nên ở TP Hồ Chí Minh, cô để lại cho chồng và người phụ nữ ấy. Lâm không có lỗi trong sự tan vỡ. Cô còn nhớ bức thư viết cho chồng vào năm 2004. Lâm đọc cho tôi qua điện thoại di động, giọng ngắt quãng nhiều lần vì tiếng khóc.

Xin trích một đoạn trong bức thư ấy: “Anh Tường ơi! Cuộc sống của gia đình mình rồi đây còn được hạnh phúc vững bền  hay là đau thương, tan rã đều do chính anh quyết định. Sau này hai con chúng ta có được vui tươi, yêu đời, lớn khôn trong vòng tay ôm ấp của bố mẹ hay không, đều xuất phát từ sự suy nghĩ và việc làm hôm nay của chính anh. 

Em cầu xin anh hãy quên đi những cảm xúc lãng mạn, phù phiếm với người khác, thì hạnh phúc chân thật của gia đình mình mới  trọn vẹn...

Anh ơi! Xin anh nghĩ kỹ những lời em đã viết ở đây để suy tư mà tỉnh ngộ lo cho hạnh phúc của các con sau này”.

Thư viết đã hơn 4 năm, nhưng vẫn in sâu trong tâm khảm người phụ nữ bất hạnh nay mới có cơ hội thổ lộ. Vẫn giọng nghẹn ngào, Lâm cho biết: “Cách đây mấy hôm em có điện vào cho đứa con trai thứ hai, cháu kể với mẹ là bố bị bà Thúy  đánh cho một trận, con thương bố lắm và rất nhớ mẹ muốn về ngoài quê sống với mẹ và anh”.

Điều trớ trêu, Lâm là một phụ nữ khỏe mạnh, có nhan sắc. Trước đây cô đã chấp nhận lấy người chồng đôi chân bị dị tật bẩm sinh không lao động nặng được mà phải vào Sài Gòn bán vé số. Theo lời Lâm thì cô đã dành cho chồng những tình cảm thắm thiết.

Phía nhà chồng đối xử rất tốt với Lâm. Số tiền cô gửi về cho anh em ruột của chồng vay, nay dù hai vợ chồng đã ly dị nhau nhưng họ vẫn trả lại cho Lâm chứ không giao lại cho chồng cũ của cô.

Hiện tại Lâm đang đi làm phiên dịch cho xí nghiệp sản xuất vàng mã của một người Đài Loan đặt ở chốn núi rừng tít mù huyện Quan Hóa - Thanh Hóa. Mỗi tháng ngoài ăn uống còn được trả công gần 2 triệu đồng.

Theo thống kê, những người đi XKLĐ của Hà Tĩnh mỗi năm gửi về khoản tiền khoảng từ 800 đến 850 tỷ đồng, trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh mỗi năm chỉ khoảng 700 tỷ. Số gia đình đổi đời từ XKLĐ là rất lớn. Tuy nhiên, cũng có không ít người chồng  ở nhà do vắng vợ đã lâm cảnh rượu chè bê tha, tìm của lạ...khiến gia đình ly tán, tan vỡ. 

Kỳ 1: Vợ mình mà chẳng dám ôm!
Kỳ 2: Những gia cảnh bi thương

Theo Võ Minh Châu / Tiền Phong

*Tên các nhân vật trong bài đã được đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.