Người thực hành văn hóa ở Hội An

08/04/2012 03:23 GMT+7

“Tôi chỉ là một người thực hành, hằng ngày làm những việc cụ thể, cố gắng cho đúng và có ích, xứng đáng với cái thành phố vô cùng yêu quý của mình”, ông Nguyễn Sự nói trong ngày nhận giải Phan Châu Trinh.

“Tôi chỉ là một người thực hành, hằng ngày làm những việc cụ thể, cố gắng cho đúng và có ích, xứng đáng với cái thành phố vô cùng yêu quý của mình”, ông Nguyễn Sự nói trong ngày nhận giải Phan Châu Trinh.

Bí thư Thành ủy Hội An người vừa đủ cao, gầy và đen đậm. Ông không lúng túng nhưng rõ ràng rất bồi hồi khi đứng trên bục nhận giải thưởng của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh năm nay. Giải thưởng ấy, ông biết rõ nó đều trao cho những bậc cao minh, tài năng, đức độ và có đóng góp rất lớn. Nhưng quả thực, Hội An- tác phẩm mà ông truyền cảm hứng quá đẹp, quá xứng đáng để trao giải.

Thực ra mà nói, việc gì nếu hợp lòng dân thì khó bao nhiêu cũng làm được

Ông Nguyễn Sự

Truyền cảm hứng

Năm 1998, Nguyễn Sự bỗng giật mình vì Hội An đêm mất điện đẹp lạ lùng với ánh nến bập bùng trong đèn lồng. Ý nghĩ chạy nhanh trong đầu ông, mấy trăm năm trước, khi Hội An trở thành thương cảng đầu tiên của Đàng Trong để giao tiếp với thế giới rộng lớn, chắc người Hội An cũng đã bước ra thế giới trong ánh nến như vậy. Sáng hôm sau, ông quyết ngay việc tắt đèn, đi bộ đêm rằm. Cũng phải nói thêm, tại Hội An ngày rằm, những hàng ăn sáng hầu như chỉ bán đồ chay.

Hội An không chỉ có phố cổ, mà còn khu du lịch sinh quyển Cù Lao Chàm. Chuyện Cù Lao Chàm với Nguyễn Sự cũng nhiều chương, lắm hồi không kém. Nhiều năm trước, ông ra đảo, thấy dân trên đảo vẫn chặt cây rừng về làm củi đun. Ông vận động mọi người làm than tổ ong để nấu, có vậy mới giữ được rừng. Ông còn kêu gọi mọi người bỏ thói quen lên núi xuống biển đi vệ sinh.

Nhưng có một món quà mà chính ông cũng không ngờ lại tới với Cù Lao Chàm từ một quyết sách: bỏ túi nilon.

“Hồi đó, túi nilon phát triển mạnh lắm. Sáng sớm, người dân Cù Lao Chàm đi chợ, mua cà phê sáng cũng bỏ vào bao nilon mang về nhà”, ông Sự nhớ lại. “Nhưng làm sao mà cấm họ. Phải vận động. Thực ra mà nói, việc gì nếu hợp lòng dân thì khó bao nhiêu cũng làm được”.

Ông họp toàn bộ 500 dân trên đảo lại rồi thuyết phục. Rằng, tài nguyên đất nước không thể nói chung chung được. Phải bỏ túi nilon thôi để giữ biển, giữ rừng sạch. Nói xong rồi ông hỏi, bà con có làm được không. Người dân đồng thanh được.

Sau buổi họp, hơn ngàn chiếc giỏ đi chợ được phát cho từng người dân. Còn có thêm cà mèn (cặp lồng) để mua đồ nước như cà phê.

“Bây giờ, thấy ai cầm túi nilon là người dân phê bình liền”, ông Sự nói. “Đã bốn năm rồi, Cù Lao Chàm không xài túi nilon. Đó là hòn đảo duy nhất của đất nước này không xài túi nilon. Túi nilon không xài nữa thì biển trong lành trở lại. Nó không quấn vào san hô. Bữa nay san hô phát triển trở lại gần bờ rồi. Có những bãi lội nước đến đầu gối là có thể nhìn thấy san hô”.


Ông Nguyễn Sự trước lễ nhận giải Phan Châu Trinh - Ảnh: Trinh Nguyễn

Quy luật của nghịch lý

Một triết lý văn hóa mà ông Sự chia sẻ nhiều lần trên các báo là câu chuyện của người bán chè đêm ở Hội An. Đường nấu chè được pha từ loại mật thô nhất còn đen xỉn với  đường phèn.

“Đó là bản lĩnh kết hợp được một cách hoàn toàn, nhẹ nhàng như không, những đối lập gay gắt nhất, cực đoan nhất, để làm ra cái kỳ diệu bình thường hay cái bình thường kỳ diệu”, ông Sự nói.

Sự kết hợp giữa đường tối hạ cấp với đường tối cao cấp để tạo nên tác phẩm chè đậu ván lạ lùng vừa bình dân vừa quý phái. Vâng, văn hóa Hội An là vậy, văn hóa non nửa thiên niên kỷ nay mà cư dân Hội An đã kiên trì và tinh tế tạo được cho mình là vậy, bình dân mà quý phái, quý phái mà bình dân, giản dị mà sang, sang trong giản dị.

“Người Hội An bặt thiệp và sành sỏi. Nhưng họ cũng thong dong, biết và thích sống chậm, lại thật thà (lại một kết hợp đối nghịch nữa: sành sỏi với thật thà). Họ muốn giữ cho thành phố của mình yên tĩnh mà năng động... Trong thế giới quá rối động ngày nay, một không gian như vậy chính là sản phẩm hay nhất, có giá trị cao nhất họ có thể bán cho khách du lịch bốn phương”. 

“Có lẽ điều anh Sự lo lắng nhất cũng đang dần đến, tuy nhiên anh cũng đã có hướng giải quyết”, nhà văn Nguyên Ngọc nói. “Đó chính là những người nhập cư tới Hội An ngày một nhiều. Họ tới, mua nhà ở Hội An mỗi lúc một đông hơn. Trước tới giờ, họ luôn bị “Hội An hóa”. Người phương Tây, người Hoa, người Nhật đều thế. Nhưng khi số lượng tăng lên một ngày nào đó sẽ phát sinh vấn đề”.

“Anh Sự cho là nên giữ lại những không gian cổ, và cương quyết không bán. Nhà nước nên mua lại để nếu cần cho người ta thuê. Nhưng phải giữ để không gian không bị mất. Một giá trị văn hóa đã tồn tại mấy trăm năm phải giữ”.

Ngày nhận giải Phan Châu Trinh, Nguyễn Sự đã hứa một điều thoáng nghe tưởng như nghịch lý - dằn ước muốn tăng GDP để tránh đổ vỡ. “Cũng là một bài toán nữa mà Hội An phải hóa giải: giữa tăng trưởng đồng tiền và tăng trưởng hạnh phúc. Tôi nghĩ tôi có thể nói bài toán đó, Hội An có thể hóa giải được”.

“Xin hứa, vì cũng như mỗi người dân thành phố quê tôi, tôi biết Hội An là của mọi người, là thành tựu văn hóa, là tài sản chung của đất nước. Giải thưởng hôm nay được trao cho người mang tên tôi, như một đại diện, cũng là vì thế. Mỗi người Hội An biết rõ trách nhiệm tinh thần ấy của mình. Nên thay mặt bà con quê mình, xin hứa”.

Ông Nguyễn Sự sinh năm 1957 tại Hội An. Là lãnh đạo thân thiết với nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa giáo dục, lại gắn bó với nhân dân, ông đã trở thành người truyền cảm hứng cho Hội An, một trong những không gian văn hóa độc đáo.

Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục cho ông Nguyễn Sự vì những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hội An.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.