Những chàng trai biển

22/12/2008 14:34 GMT+7

Hàng trăm lần bị bão quăng quật nhưng bão đã không làm gì được những chàng trai trẻ, ngược lại càng tôi luyện sức mạnh tinh thần và đôi tay họ.

Kiếp hải hồ

Ngay sau khi tàu Cái Lân 4 từ Solomon cập cảng Quy Nhơn, tôi liền có mặt.

Cabin nhỏ của thuyền trưởng Nguyễn Văn Sơn và thuyền phó Nguyễn Trọng Tăng chứa nhiều sách, các phương tiện liên lạc vệ tinh và vài món quà lưu niệm sau chuyến đi biển xuyên đại dương. Tôi không khó để nhận ra đó là những linh vật của xứ sở Solomon. Cá sấu tượng trưng sức mạnh. Rùa biển nói lên sự may mắn. Cá heo biểu tượng trí thông minh. Có thể do lâu ngày không gặp đồng hương đất liền nên hai anh rất vui, không ngớt nói cười.

Ai đó thương hồ, giang hồ, những người trẻ như Sơn và Tăng chọn kiếp hải hồ. “Tàu này hạ thủy năm 2006, dài 103m, rộng 17m, trọng tải 6.500 DWT, loại trung bình. Cách nay 7 tháng, tàu và 22 thuyền viên xuất bến tại cảng Sài Gòn, qua Ấn Độ rồi Indonesia, Malaysia, Solomon. Ở lại Solomon 6 ngày, ăn 4.150m3 gỗ của Công ty Thanh Hòa, từ 26.11 tàu lên đường về Việt Nam, đến 10.12 cập cảng Quy Nhơn...”, Sơn nói.

 

Bảy năm đi biển, mỗi năm hứng ít nhất 16 cơn bão, tính ra tôi bị bão quăng quật đến 110 lần.
Thuyền phó tàu Cái Lân

Tôi hỏi về những cơn bão vừa qua, Tăng tiếp lời: “Thường tàu vào Ấn Độ Dương nấp gió Tây nam, vào Trung Quốc nấp gió mùa Đông bắc. Đi tàu sợ nhất gió mùa, chúng thường kéo dài trên chục ngày, trong khi bão chỉ một vài ngày là qua. Nhưng cũng có khi tàu không tránh kịp, đi sâu vào tâm bão. Nơi đó, biển rất yên gió rất lặng nhưng chính là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất. Năm 2006, tàu suýt gặp bão Chanchu. Hồi đó, tàu tôi đi, chạy từ Singapore về Nhật, nghỉ lại TP.HCM 1 ngày do đài báo tin bão sẽ vào miền Trung. Hôm sau, tin báo bão chuyển hướng Bắc đông bắc, tàu tiếp tục đi. Nhưng tầm ảnh hưởng của bão rất mạnh và rất rộng. Gió bão xé đứt dây chằng cột, đèn rơi bể khắp nơi. Mấy thủy thủ Hàn Quốc tái xanh mặt mày. Tôi gắng gượng đi kiểm tra tàu. Lúc ấy, tàu cách tâm bão 280 hải lý. May mà sau đó bão chuyển hẳn hướng Bắc, tàu chúng tôi thoát bão nhưng thật đau lòng khi nghe tin gần 250 ngư dân bị thiệt mạng khi nấp bão gần đảo Đông Sa”.

Nỗi lòng đời thủy thủ

Tốt nghiệp kỹ sư điều khiển tàu biển, năm 23 tuổi Tăng bắt đầu đi biển. Anh từng đi trên các tàu nhiều quốc tịch, lênh đênh mấy năm ở Trung Đông, nhiều năm mòn gót ở Ấn Độ, trải qua rất nhiều loại công việc: bảo quản tàu, gõ rỉ sét, đi boong, phụ lái, học sĩ quan, lái, thi sĩ quan... Năm nay anh tròn 30 tuổi, là Đại phó (Chief Officer), chuyên điều khiển hướng tàu đi cho người lái trên tàu Cái Lân 4.

Nếu Sơn sau 10 năm đi biển, giữ chức thuyền trưởng, vẫn còn độc thân thì thuyền phó Tăng đã có vợ - hiện là giáo viên trường ĐH Hàng hải Hải Phòng - và con trai đầu đã 15 tháng tuổi. “Ngày đi, cháu mới 7 tháng tuổi, nay về chắc do lạ, sẽ gọi bố bằng... chú!”. Anh cười và rất thật lòng: “Tôi định đi 3 năm nữa sẽ lên bờ làm quản lý. Xa đất liền mãi, việc nhà chẳng có tay mình, thương vợ thương con”.

Đời thủy thủ viễn dương nhiều khám phá thú vị pha lẫn chút phiêu lưu. Các anh cho biết các trang thiết bị trên tàu bây giờ hiện đại hơn trước rất nhiều. Như tàu Cái Lân 4, bất cứ lúc nào cũng có thể e-mail, điện thoại với đất liền qua vệ tinh địa tĩnh toàn cầu. Trên các tàu loại lớn, như tàu dầu Master Ship của Nhật dài 358m rộng 58m, trọng tải 250.000 DWT mà Tăng từng đi còn có hệ thống chưng cất mỗi ngày 10-20 tấn nước biển thành nước ngọt. Nhưng cũng theo hai anh, hiếm ai làm việc trọn đời trên tàu biển. Thường làm đến thuyền trưởng vài năm, khi lớn tuổi là họ lên bờ, do vậy hiện không có chức nào cao hơn thuyền trưởng.

Câu chuyện của hai anh gợi trong tôi suy nghĩ, Việt Nam cần có thêm vài trường ĐH Hàng hải như ở Hải Phòng, vài viện nghiên cứu biển như ở Nha Trang, nhiều trung tâm đào tạo thuyền viên như ở nước ngoài để kịp thời bổ sung đội ngũ trên tàu. Nói biển là hướng ra của Việt Nam trong thời kỳ mới mà thiếu tàu, thiếu người thì biết làm sao!

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.