Gánh nặng kép suy dinh dưỡng và béo phì

05/04/2012 08:27 GMT+7

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến về tình trạng VN đang phải đối mặt tại lễ công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010 diễn ra hôm 4-4 ở Hà Nội.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến về tình trạng VN đang phải đối mặt tại lễ công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010 diễn ra hôm 4-4 ở Hà Nội.

Đối tượng chịu nguy cơ bệnh tật này nặng nề nhất chính là trẻ em.

Nguy cơ lớn các bệnh tim mạch, huyết áp

Mức độ bữa ăn thừa đạm quá nhiều ngay từ giai đoạn đầu đời của trẻ khiến trẻ ở thì tương lai bị đe dọa bởi đủ thứ bệnh tật nguy hiểm với gánh nặng kinh phí điều trị. Trong khi vi chất sắt, vitamin A chỉ đạt 65-70% so với yêu cầu thì tỉ lệ dung nạp protein ở trẻ 2-4 tuổi vượt xa so với tiêu chuẩn, đến mức 115%.

“Nhiều phụ huynh cố tình không hiểu bữa ăn ban ngày sẽ giúp trẻ hấp thụ tốt nhất. Việc nhồi nhét ăn đêm sẽ tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa của trẻ, không tốt cho sức khỏe. Để trẻ hơi đói một chút đi ngủ còn tốt hơn nhiều lần việc ép ăn quá no vào thời điểm tương tự”, ông Tiến nói. Theo ông Tiến, các gia đình khá giả đang mắc sai lầm vì cho con cái sử dụng thức ăn bừa bãi khiến tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân - béo phì vượt quá mức 5% - mức đặt ra khống chế trong chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

TS Lê Danh Tuyên, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẳng định “lối thoát” hiệu quả nhất để tránh “bệnh vì ăn” chính là bữa ăn đa dạng thực phẩm, không “khuôn, gói” vào một vài loại nhất định. “Bữa ăn phòng bệnh hiệu quả phải bảo đảm chất đạm không quá 20%, chất béo không quá 25% khẩu phần ăn hằng ngày. Thức ăn có nguồn gốc từ cá cần được chú trọng vì chứa các loại axit béo không no - một chất rất quý cho sức khỏe. Riêng mức tiêu thụ rau trung bình phải đạt 300g/ngày”, TS Tuyên hướng dẫn.

Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo người dân không nên chỉ “chung thủy” ăn tinh bột là món gạo truyền thống mà có thể xen kẽ các loại ngũ cốc, các thực phẩm nguồn gốc củ, quả, hạt.

Bổ sung sắt vào thực phẩm nguồn gốc bột mì

Đó là thông tin TS Lê Danh Tuyên cho biết trong cuộc trao đổi bên lề hội nghị với Tuổi Trẻ. Theo TS Tuyên, thế giới đã đánh giá việc bổ sung vi chất vào thực phẩm là một trong 10 đầu tư hiệu quả nhất cho sự phát triển, nên ngành y tế chắc chắn phải có những can thiệp dự phòng.

Do vậy, một số thực phẩm từ bột mì như bánh mì, bánh ngọt đang được các chuyên gia VN kết hợp với nước ngoài tìm giải pháp kỹ thuật bổ sung vi chất sắt. Ngoài ra, theo ông Tuyên, hằng năm miền Trung phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề của thiên tai, lũ lụt, việc cứu trợ đồng bào chủ yếu thông qua mì gói. “Nhưng mì gói chỉ giúp người dân vượt qua cơn đói, các vi chất trong đó rất thấp. Đó là lý do viện đang nghiên cứu đưa các vi chất vào mì gói như từng đưa iốt vào muối, sắt vào nước mắm”, ông Tuyên nói.

“Viện dinh dưỡng cũng có trách nhiệm xây dựng một tháp dinh dưỡng mới, hợp lý hơn thay thế tháp dinh dưỡng hiện tại. Tháp dinh dưỡng mới sẽ chú trọng vào việc hướng dẫn dinh dưỡng cho từng loại đối tượng, chú trọng vào khối lượng rau, hoa quả, giới hạn dinh dưỡng từ thực phẩm có nguồn gốc động vật, những khuyến cáo từ lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ”, TS Tuyên nói.

Phòng suy dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ

Ông Rajen Kumar Sharma, quyền trưởng đại diện UNICEF tại VN, cho rằng hiện vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu được sự nguy hiểm của suy dinh dưỡng thể thấp còi. Thực tế, tình trạng suy dinh dưỡng này không chỉ ảnh hưởng sức khỏe đứa trẻ tại thời điểm đó, mà còn kéo dài hậu quả nghiêm trọng cả khi đứa trẻ đã trưởng thành. Khi trưởng thành, sự phát triển thể chất và trí tuệ của những đứa trẻ đã chịu cảnh suy dinh dưỡng sẽ bị hạn chế ở mức rất thấp.

“Phụ huynh chỉ cần lưu ý một điều dinh dưỡng cho đứa trẻ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, từ khi trong bụng mẹ cho đến khi 2 tuổi, là chỉ số uy tín phản ánh tiềm năng phát triển của đứa trẻ sau này”, ông Rajen Kumar Sharma khẳng định. Hiện tại tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em VN là 17,5%; 20/63 tỉnh, thành có mức suy dinh dưỡng trẻ em trên 20% - xếp ở mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.