Đàn ông mặc váy

27/04/2014 09:00 GMT+7

Trong năm 2014, nếu bạn có dịp viếng thăm Scotland, chắc chắn hình ảnh những đấng mày râu mặc kilt sẽ hiện diện khắp nơi bởi năm nay được chọn là năm tìm lại truyền thống của người Scotland, với hàng loạt sự kiện kỷ niệm đặc biệt.


Dàn nhạc kèn túi trong lễ đón giao thừa của người Scotland (được gọi là Hogmanay)

Vài ngày trước lúc lên đường sang Scotland, cả người thân lẫn bạn bè đều nói chuyện với tôi về đề tài đàn ông mặc váy. Một số bạn đồng nghiệp thì bông đùa: “Chừng nào mà thấy hình cậu mặc váy trên Facebook thì biết là đã sang đấy an toàn rồi nhé”. Có cô bạn dọa dẫm: “Tớ mà thấy cậu mặc váy bên đấy là nghỉ chơi không nói chuyện luôn đấy”. Riêng bố mẹ tôi lại dặn dò theo kiểu nửa đùa nửa thật: “Nhớ chụp hình mặc váy để gửi về cho nhà mình đem in ra treo trong phòng con”.

Diện đồ kiểu Scotland

Đến nơi, tìm hiểu mới biết đằng sau thứ trang phục thú vị này là rất nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử thăng trầm cũng như nền văn hóa đặc trưng của xứ sở cao nguyên Scotland.

Được làm từ lông cừu Scotland, mỗi chiếc váy kilt đều được trang trí với những họa tiết carô (còn gọi là tartan) với đủ mọi kích cỡ và màu sắc khác nhau, tùy theo phong cách thiết kế của người dệt cũng như yêu cầu của khách hàng. Mỗi một dòng họ tại Scotland đều có mẫu tartan riêng của mình. Giá cả của những chiếc váy này cũng có đủ loại, từ tầm 30 - 40 bảng Anh (tương đương 1 - 1,3 triệu đồng) dành cho loại hàng lưu niệm cho đến tầm 400 - 500 bảng (tương đương 13 - 17 triệu đồng) dành cho loại cao cấp. Nếu định mặc váy để dự lễ của người Scotland, bạn còn phải mua thêm áo vest đúng kiểu Scotland cũng như hàng loạt phụ kiện khác như chiếc túi nhỏ có gắn lông hay tua rua để đeo đằng trước váy (thay cho túi quần), đôi vớ len dài gần tới gối, đôi giày da có họa tiết đặc biệt, con dao găm nhỏ để kẹp vào vớ, hay chiếc ghim trang trí cài lên váy, thường là mang hình thanh kiếm claymore nổi tiếng của người Scotland. Những khoản này cộng lại có thể làm cho giá cả của một bộ trang phục đúng chất Scotland tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá một chiếc váy kilt!

Hào hùng giữa chiến trận

Không phải ngẫu nhiên mà trong những món phụ kiện cho váy kilt lại có con dao găm hay ghim trang trí hình cây kiếm. Đối với người Scotland, kilt là biểu tượng cho nam tính và tinh thần chiến binh. Từ thế kỷ thứ 16, khi ngành dệt len tại châu Âu bắt đầu phát triển mạnh, hình ảnh các chiến binh

Scotland mặc váy đã bắt đầu xuất hiện trong các tư liệu lịch sử. Sau đó, trong những cuộc chiến có người Scotland tham gia, hình ảnh này càng lúc càng xuất hiện nhiều hơn, và chiếc váy kilt dần dà trở thành một thứ đồng phục chính thức của những binh sĩ Scotland.


Trước cửa một buổi tiệc cưới tại ngôi làng New Lanark nằm gần thành phố Glasgow - Ảnh: T.T.M

Đến năm 1746, sau khi bình định vùng cao nguyên Scotland, vương quốc Anh đã đặt ra lệnh cấm đàn ông Scotland không được mặc váy kilt, trừ những người đang phục vụ trong quân đội Anh. Lệnh cấm nhằm triệt tiêu tinh thần phản kháng của người Scotland, người Anh đã đặt ra những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc là ngồi tù 6 tháng cho lần vi phạm đầu tiên và 7 năm lưu đày nếu tái phạm. Mãi tới năm 1782, lệnh cấm của người Anh mới được dỡ bỏ, với một bản thông cáo đi kèm: “Đây là một tin vui cho tất cả những trái tim của vùng cao nguyên: các anh em không còn phải mặc mấy thứ trang phục ẻo lả của dân đồng bằng nữa.”

Do cuộc sống khó khăn của vùng cao nguyên, thường xuyên có rất nhiều thanh niên Scotland gia nhập vào các trung đoàn dành riêng cho họ trong quân đội Anh, còn được gọi là những trung đoàn Cao nguyên. Trong những cuộc chiến trên khắp thế giới từ châu Mỹ cho đến châu Á mà đế quốc Anh một thời tham gia, các trung đoàn Scotland bao giờ cũng được đặt ở vị trí tiên phong hay xung kích. Đó là vì các vị chỉ huy cho rằng “dân Scotland không biết khổ là gì, mà nếu có bị tổn thất thì cũng chả sao”. Thế là dần dà hình ảnh những người lính dũng mãnh trong chiếc váy ca rô cộng với chiếc kèn túi đã trở thành một biểu tượng nổi tiếng của đất nước Scotland.

Tới thời kỳ Thế chiến thứ nhất, những người lính Scotland còn được đối phương là quân Đức “ưu ái” tặng cho biệt hiệu “những quý cô đến từ địa ngục” hay “những con quỷ mặc váy”. Tới giữa Thế chiến thứ hai, chiếc váy kilt mới chấm dứt xuất hiện trên chiến trường, sau khi nhiều sĩ quan quân y bày tỏ sự lo ngại về vấn đề sức khỏe của binh sĩ khi để hở “khu cấm địa”.

Tranh luận về “khu cấm địa”

Ngày nay, chuyện có nên để trống “cấm địa” khi mặc kilt hay không vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi ở Scotland. Hồi năm 2010, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra tại Scotland, sau khi Hiệp hội bảo tồn Tartan kêu gọi những ai mặc kilt thì cũng nên mặc nội y, để bảo đảm vệ sinh và thuần phong mỹ tục. Đáp trả lại, Hiệp hội những nhà dệt kilt đã phát biểu: “Việc bảo đảm sự tự do thoải mái là rất tốt cho sức khỏe. Chúng tôi luôn khuyên các khách hàng của mình không cần phải mặc gì cả”.

Nói chuyện lịch sử dông dài là thế, nhưng tôi vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng cho câu hỏi: “Tại sao đàn ông Scotland lại mặc váy?”. Trong một lần đi bar với mấy người bạn Scotland, tôi đã mạnh dạn nêu ra câu hỏi trên, và nhận được hàng loạt lời giải thích thú vị như: ngày xưa cái váy kilt còn to và dài hơn bây giờ, có thể đóng luôn vai trò là cái mền cho những người chăn cừu trên cao nguyên; ngày xưa chưa có khóa kéo, còn nút quần thì lại đắt đỏ, người Scotland lại nổi tiếng tiết kiệm nữa, thế nên mặc váy là giải pháp tốt nhất...

Đặc biệt, có bạn nam còn giải thích một cách đầy tự hào rằng: “Cậu có biết là trong tiếng Anh, khi nói “hòn bi” của ai đấy hơi bị to thì ý nói người đấy cực kỳ dũng cảm không? Cậu thấy đấy, dân Scotland chúng tớ toàn là những người có “bi” to, thế nên bọn tớ buộc phải mặc váy cho nó thoải mái, nếu mặc quần thì cả quần lẫn “bi” có khi bị hỏng mất”.

Luận điểm này tưởng chừng chỉ để “trà dư tửu hậu” nhưng hóa ra lại có cơ sở khoa học hẳn hoi. Hồi năm 2013 vừa qua, đã có một công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên Tạp chí Y khoa Scotland với tựa đề (dẫn nguyên văn): “‘Đàn ông đích thực thì mặc váy kilt: quan điểm cho rằng mặc kilt sẽ ảnh hưởng lên sức khỏe sinh sản đúng được tới đâu?”. Kết luận của cuộc nghiên cứu này đã làm nam giới Scotland vô cùng hoan hỉ: việc mặc váy sẽ làm cải thiện đáng kể môi trường xung quanh các “hòn bi”, từ đó cải thiện chất lượng “tinh binh” và nâng cao khả năng sinh sản. Đúng sai thế nào có thể còn phải tranh luận tiếp nhưng kết luận này đủ để đấng mày râu Scotland có thêm lý do để diện váy trên phố.

Anh quốc bị “đồng hóa” ngược

Mặc dù bị khuất phục bởi nước Anh, nhưng người Scotland vẫn không bao giờ quên khẳng định sự kiêu hãnh của mình. Một trong những câu chuyện nổi tiếng minh chứng cho điều này là khi nhà văn người Anh Samuel Johnson biên soạn một trong những cuốn từ điển tiếng Anh đầu tiên, ông đã đưa ra định nghĩa về cây yến mạch như sau: “Thứ ngũ cốc mà ở nước Anh chỉ dùng để nuôi ngựa, nhưng lại là thức ăn của tất cả dân Scotland”. Thế là một người bạn của tác giả, vốn là một nhà văn Scotland, đã đáp lại: “Đúng vậy, thế nên nước Anh mới có ngựa tốt còn Scotland mới có đàn ông đích thực”. Giới quý tộc và nhà giàu Scotland, vốn trước đó chạy theo những mốt thời trang của châu Âu, nay lại trở thành những người đi đầu cổ động việc mặc kilt để giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong số này có văn hào Walter Scott, người đã viết nên cuốn tiểu thuyết Ivanhoe.

Năm 1822, Vua George IV trở thành vị vua nước Anh đầu tiên mặc váy kilt nhân chuyến viếng thăm của ông tới Scotland. Sau này, người kế vị ông là Nữ hoàng Victoria còn yêu thích văn hóa Scotland tới mức bà cho các hoàng tử của mình mặc váy kilt. Thế là trong suốt thời gian trị vì của bà, giới quý tộc Anh cũng xuất hiện mốt mặc váy.

Trần Tuấn Minh
(từ Scotland)

>> Trực thăng đâm vào hộp đêm ở Scotland
>> Scotland sẽ trưng cầu việc tách khỏi Anh
>> Scotland vận động tách khỏi Anh
>> Thúy Vy tham gia các hoạt động tại Scotland
>> Phim của đạo diễn Scotland lên ngôi tại London
>> 121 người đẹp đến Scotland 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.