Một nhân cách - một cá tính

04/12/2007 23:14 GMT+7

Lần đầu tiên tôi đọc tác phẩm của Phạm Tiến Duật là chùm thơ được giải ở Báo Văn Nghệ năm 1969-1970: Tiểu đội xe không kính, Nhớ, Gửi em cô thanh niên xung phong, Lửa đèn. Ngay sau đó là Vầng trăng quầng lửa, tập thơ đầu tay của ông, có thể coi là hiện tượng độc đáo của văn chương Việt Nam đương đại, một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất thời ấy.

Trước đó, những người lính chúng tôi, trong điều kiện chiến tranh, mới chỉ được đọc những giọng thơ mượt mà, dù viết về chiến trường khốc liệt cũng rất trữ tình. Vầng trăng quầng lửa lại mang một giọng điệu, một âm vang chiến trận khác hẳn: bộn bề ngổn ngang, tươi rói hiện thực, đầy lửa khói, một cách nói trực diện mà vẫn lãng mạn, bay bổng. Đọc thơ mà như ngửi thấy, nghe thấy, nhìn thấy âm thanh, mùi vị, sắc màu chiến trường: "Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn/Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón/Em đóng cọc dài quanh quanh hố bom/Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn/Giọng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để... Cạnh giếng nước có bom từ trường/Em không rửa ngủ ngày chân lấm/Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà...". Ngay tập thơ đầu tay, Phạm Tiến Duật đã làm nên một phong cách văn chương không lẫn với ai. Cũng qua tập thơ này, người ta có thể hình dung ra con người tác giả.

Hiệp định Paris vừa ký kết (tháng 1 năm 1973), Phạm Tiến Duật từ chiến trường ra Bắc, trong một đêm ông thả bộ bình thản bên một người bạn, đêm thanh bình, không bom súng, mà sao đầu và con tim ông lại rung lên dữ dội để rồi hoài thai tác phẩm Vòng trắng nặng trĩu ưu tư: "Khói bom lên trời thành một cái vòng đen/Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng/Tôi với bạn đi trong im lặng/Đêm hòa bình đầu tiên/Không mất mát nào lớn hơn cái chết...".

Sau khi bài thơ được tạp chí Thanh Niên công bố, không những tác giả mà ban biên tập cũng gặp rắc rối. Với tôi, trong sự mường tượng của mình, nhờ bài thơ ấy mà chân dung nhà thơ càng hoàn chỉnh hơn. Không chỉ trung thực khi thể hiện niềm vui, tinh thần lạc quan mà trung thực cả khi bộc lộ sự mất mát, đớn đau.

Sau này, khi đã về làm việc ở một số cơ quan báo chí tại thủ đô, đáng lẽ phải giấu bớt con người thật, đậm đặc cá tính của mình trong cái vỏ nhẵn nhụi, thì chắc chắn ông sẽ thăng tiến rất nhanh trên con đường quyền lực. Đằng này, ông vẫn hồn nhiên thể hiện mình, y chang như thời chiến trường. Đương nhiên ông phải trả giá. Cái chức to nhất ông đảm trách là Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Nghe tên có vẻ to tát, thực ra nó chỉ nhỉnh hơn một tờ tạp chí văn nghệ cấp tỉnh.

Lần đầu tôi gặp Phạm Tiến Duật là quãng năm 1979-1980. Hồi ấy tôi ở Bộ Tư lệnh hải quân, đóng ở Hải Phòng, nhưng hay về Hà Nội công tác. Lần nào về Hà Nội tôi cũng ghé Báo Văn nghệ. Cứ trông thấy tôi đứng thập thò ở cửa một phòng nào đó, Phạm Tiến Duật cũng gọi: "Vào đây, lính biển! Có gì mới không?". Phạm Tiến Duật ở ban thơ, Ngô Ngọc Bội và Bế Kiến Quốc ở ban văn. Nhưng có lần tôi chứng kiến Ngô Ngọc Bội và Bế Kiến Quốc đang loay hoay về một truyện ngắn có vẻ gai góc, nếu động bút cắt sửa thì mất đi hồn cốt của tác giả, không sửa thì tổng biên tập chưa chắc đã duyệt. Phạm Tiến Duật liền bày cho hai người cách "lừa" tổng biên tập để truyện ấy được duyệt. Chứng kiến việc ông đầu têu cho nhà văn kia như thế, tôi lại thấy cái nhược điểm ấy ở ông khá là ấn tượng.

Tôi rất thích câu Phạm Tiến Duật nói trong Tổng tập Nhà văn Quân đội: "Muốn trung thực mà không hiểu biết cũng không thể trung thực được". Điều này thật đúng với ông. Và cũng đúng với nhiều người.

Vĩnh biệt nhà thơ Phạm Tiến Duật

Nhà thơ Phạm Tiến Duật (ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mãi mãi ra đi vào lúc 8 giờ 49 phút sáng qua 4.12. Ông sinh ngày 14.1.1941 tại Thanh Ba, Phú Thọ. Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng Phạm Tiến Duật đã không trở thành một thầy giáo mà khoác súng ra trận. Thời gian sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn lịch sử cũng là thời gian Phạm Tiến Duật sáng tác rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Thống nhất đất nước, ông về làm việc tại Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Cho đến hôm nay, những bài thơ như Ở hai đầu núi, Bài thơ về tiểu đội xe không kính... của Phạm Tiến Duật vẫn là những tác phẩm gối đầu giường của nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Tang lễ của nhà thơ Phạm Tiến Duật được cử hành vào sáng 11.12.2007 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

H.L

Lê Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.