Có đẩy lùi được “thảm họa” biểu diễn?

28/12/2011 11:11 GMT+7

Đó là câu hỏi đầy bức xúc đang được đặt ra nhưng chưa thể có câu trả lời.

Đó là câu hỏi đầy bức xúc đang được đặt ra nhưng chưa thể có câu trả lời.

Hội nghị nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TPHCM tổ chức tại TPHCM trong ngày 27-12. Tham dự có đông đảo các nhà nghiên cứu, các đại diện ngành văn hóa - nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương cùng đại diện của 122 đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Cố tình tạo xì-căng-đan

Vắng mặt những người cần nghe

Đối tượng nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực biểu diễn cần dự hội nghị này lại hoàn toàn vắng mặt. Nhiều tham luận lên án báo mạng và những trang tin điện tử xuất hiện tràn lan với những thông tin giật gân nhận được sự đồng tình của hội nghị. Thế nhưng tiếc thay trong hội nghị này không thấy bóng dáng của một đại diện nào của các cơ quan quản lý chức năng thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, Sở Thông tin - Truyền thông. Hội nghị cũng không có lãnh đạo các đài truyền hình, phương tiện truyền bá mạnh nhất về hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Thực trạng xuống cấp thẩm mỹ trong biểu diễn nghệ thuật đã được 15 bản tham luận mổ xẻ theo nhiều góc độ khác nhau nhưng chung nhất vẫn là lên án các hành vi: Ăn mặc hở hang trên sân khấu; biểu diễn phản cảm; hát nhép; giễu cợt ngoài kịch bản; làm phim ẩu; biểu diễn thời trang chui; báo mạng tung hê những vấn đề nhạy cảm; ca sĩ kém tài muốn nhanh nổi tiếng bằng cách tạo xì-căng-đan và một số báo mạng hùa theo, khai thác những thông tin lá cải; nạn thương mại hóa truyền thông…

Tham luận của nhà biên kịch Chu Thơm chỉ trích mạnh mẽ: “Chạy theo tiêu chí “Không thảm họa bất thành nổi tiếng”, một số nghệ sĩ và người mẫu thời trang kém tài năng đã cố tình tạo ra “thảm họa” để mưu cầu sự nổi tiếng cho mình. Thậm chí, khi bị công chúng chỉ trích, tẩy chay, coi các tác phẩm ấy là “rác rưởi”, họ không những không hề thấy xấu hổ mà còn lấy làm tự hào vì “thảm họa” của mình tạo ra được nhiều người quan tâm, biến nó thành chiêu quảng bá không mất tiền, giúp họ tăng nhanh tiền cát-sê biểu diễn ngay sau đó”. Ông Chu Thơm cũng phân tích thêm nguyên nhân góp phần làm tăng tình trạng “thảm họa” trong biểu diễn nghệ thuật thời gian qua là các cấp quản lý văn hóa từ Trung ương đến địa phương yếu kém về năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm nên đã để lọt lưới những chương trình biểu diễn nghệ thuật phản cảm. Mặt khác, các phương tiện truyền thông, báo mạng… vì câu khách đã thi nhau khai thác chuyện đời tư, chuyện tình cảm nhăng nhít, chuyện bê bối ở hậu trường của nghệ sĩ rồi tôn vinh họ với đủ thứ danh hiệu kể cả“Nữ hoàng đồ lót”... Tất cả những điều đó đã khiến cho tình trạng “thảm họa”trong hoạt động văn hóa nghệ thuật ngày càng gia tăng và thêm nặng nề.

Báo động đạo đức truyền thông

Theo đánh giá của các đại biểu, sự biến tướng này chung quy đều do thiếu sự quản lý chặt chẽ.

Theo nhà báo Lương Xuân Đức, Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân: “Sự chồng chéo, lỏng lẻo trong cơ chế quản lý dẫn đến sự thiếu kiểm soát chặt chẽ”.Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, nói: “Vấn đề cấp phép biểu diễn cho chương trình ca nhạc của ca sĩ Chế Linh cũng cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý. Điều này làm mất đi lòng tin nơi công chúng”.

Theo nhà báo Phan Tùng Sơn, Báo Quân Đội Nhân Dân: “Đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận trong giới báo chí, truyền thông đang có những vấn đề đáng báo động. Hình ảnh những phóng viên cầm máy ảnh, quỳ, ngồi chĩa ống kính lên sân khấu để săm soi, chụp cận ảnh những kiểu đặc tả sự hở hang, “lộ hàng” của nghệ sĩ rồi tung lên báo mạng thật sự gây phản cảm, khiến cái nhìn của một bộ phận công chúng đối với nghề báo bị méo mó”.

Ông Trần Thanh Long, Giám đốc Công ty Thời trang PL, lại nêu ra một nguyên nhân thực tế: “Công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý rất kém. Khi phúc khảo, hội đồng thẩm định yêu cầu cắt sửa nhưng khi biểu diễn không có cán bộ kiểm tra thì đâu vẫn hoàn đấy. Đó là kẽ hở để những chương trình biểu diễn kém chất lượng, trang phục hở hang của nghệ sĩ, người mẫu… phơi ra trước mặt công chúng”.


Ca sĩ Thúy Uyên mặc trang phục phản cảm trình diễn trên sân khấu bị cơ quan chức năng xử phạt. Ảnh: Đào Trang

Nâng cao thẩm mỹ bằng cách nào?

Hàng loạt vấn đề về tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn đang đặt ra vô cùng cấp bách đối với công tác quản lý Nhà nước, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, với mong muốn hội nghị sẽ tập trung đánh giá, tổng kết, kiến nghị những giải pháp thiết thực, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu lực quản lý Nhà nước trong nghệ thuật biểu diễn, nâng cao tính thẩm mỹ trong hoạt động biểu diễn, chống các hành vi phản cảm, phản văn hóa... thì một số tham luận chỉ nêu được thực trạng mà thiếu những giải pháp mang tính đột phá.

Từ đó, theo NSND Lê Huy Quang: “Chúng ta cần ít nhất 5-10 năm nữa mới có thể làm được việc nâng cao thẩm mỹ ấy bởi lẽ quá trình nhận thức của mỗi người cũng cần có thời gian để thực hiện”.

Vì vậy, một trong những giải pháp được hầu hết tham luận đề cập là “nâng cao ý thức của cả người trình diễn lẫn khán giả bằng việc đào tạo căn cơ. Tức là nghệ thuật cần được giáo dục từ nhỏ, tại học đường. Khi được giáo dục từ nhỏ, tư duy nhận thức của mỗi người cũng sẽ phát triển một cách chuẩn mực, đúng hướng” như trình bày của ca sĩ Thanh Thúy.

Hội nghị cũng nhắc nhiều đến giải pháp “hình thành các quy định pháp luật chế tài đối với những trường hợp vi phạm” nhưng như nhận định của nhà biên kịch Chu Thơm: “Luật chỉ có tác dụng với người ngay. Vì vậy, cách duy nhất là kêu gọi cái tâm của mỗi người đối với công việc, nghề nghiệp mà họ theo đuổi là chính”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.