Những ách tắc lớn chờ tháo gỡ

05/12/2007 00:44 GMT+7

Hôm qua 4.12, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2007, một hoạt động thường niên trước thềm hội nghị "Nhóm tư vấn các nhà tài trợ" (CG) đã được Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội.

Giám đốc WB tại Việt Nam, ông Ajay Chhibber mở đầu phiên họp bằng nhận xét: "Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thực sự trở nên rất hấp dẫn với các nhà đầu tư. Theo điều tra của UNCTAD (một tổ chức thương mại và phát triển thuộc Liên Hiệp Quốc), Việt Nam đứng thứ 6 trên thế giới về mức độ hấp dẫn đầu tư với các tập đoàn xuyên quốc gia. Và theo điều tra về môi trường kinh doanh của WB thì Việt Nam xếp thứ 3 ở châu Á".

"Chỉ riêng trong năm 2007, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt tới 16 tỉ USD, tăng 20%, bằng 1/4 GDP, và rất đáng chú ý là con số đó chứng tỏ đầu tư trong nước đã lớn hơn đầu tư nước ngoài. Nó thể hiện sự trỗi dậy của các nhà đầu tư Việt Nam. Nhưng điều này không ngẫu nhiên mà có, thực sự là có sự chủ động về chính sách của Chính phủ", ông Ajay nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Giám đốc WB Việt Nam, Việt Nam đang gặp những trở ngại lớn trong việc thực hiện cam kết của WTO, xử lý những ách tắc lớn về cơ sở hạ tầng giao thông, điện lực... "Giải quyết tốt những vấn đề này sẽ giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên toàn cầu", ông khẳng định.

Kết quả điều tra về môi trường kinh doanh do Ban Thư ký VBF tiến hành từ tháng 10.2007 do ông Sin Foong Wong, Giám đốc Công ty tài chính quốc tế (IFC) trình bày, cho thấy thái độ chung của 237 DN (trong đó 70% DN Việt Nam) đánh giá môi trường kinh doanh năm nay là "tạm được". Đại đa số DN cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trong năm tới, chỉ 10% trả lời là không mở rộng. Các DN đánh giá cao việc các cơ quan Chính phủ đã có cố gắng để cải thiện các chính sách cho việc tiếp cận dễ dàng hơn đất đai và nguồn vốn. Tuy nhiên, có 6 lĩnh vực được các DN đánh giá là "kém nhất": cơ sở hạ tầng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hiệu quả dịch vụ hành chính, hệ thống thuế và quản lý thuế, nguồn nhân lực và môi trường pháp lý.

"Điều rất đáng chú ý là năm nay, bất cập về nguồn cung lao động có tay nghề chuyên môn cao đã được các DN xếp vào một trong những vấn đề phải giải quyết ngay. Đây thực sự là vấn đề đang gây quan ngại sâu sắc, nó đã trở thành yếu tố cản trở phát triển và tính cạnh tranh của DN" - ông Sin Foong Wong cho biết.

Một trong những vấn đề mà nhiều DN, đại diện các nhà tài trợ nói đến tại VBF năm nay là việc thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam. Bà Anne Laure Nguyen, đại diện cho Nhóm Sản xuất và phân phối của CG nói cụ thể: "Thông tư 09 đã hạn chế các DN chỉ được sử dụng một nhà phân phối đơn lẻ đã được cấp phép cho mỗi nhóm hàng nhập khẩu, khiến DN vô cùng lo ngại và dễ phát sinh cách hiểu khác nhau". "Trong khi đó, cam kết tại điều 147 của báo cáo Ban Công tác gia nhập WTO ghi rõ DN có thể được nhận hàng hóa, dịch vụ từ một hoặc nhiều hơn các nhà phân phối Việt Nam được cấp phép". Trả lời các câu hỏi này, ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công thương nói: "Việt Nam là nước đang phát triển và trong lộ trình cho phép, Việt Nam được mở cửa từ từ trong lĩnh vực phân phối". Tuy nhiên ông cũng thừa nhận là trong việc triển khai các quy định trên có những vướng mắc, lúng túng nhất định từ phía các cơ quan của Việt Nam. "Chúng tôi xin tiếp thu và để nghiên cứu xem xét" - ông Khu nói.

Phía đại diện các nhà tài trợ cũng đặt nhiều câu hỏi về sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn như Công ty thông tin di động...; sự chậm trễ trong việc nâng cấp các cảng biển, đường giao thông; một số bất cập trong chính sách thuế giá trị gia tăng... Đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam thừa nhận một số yếu kém trong việc quản lý, sự chậm trễ trong việc hủy bỏ, sửa đổi một số chính sách bất hợp lý, trong việc đẩy nhanh tiến độ các công trình cơ sở hạ tầng. Nhưng điều có thể dễ dàng cảm nhận ở VBF năm nay là cả hai phía dường như có sự hiểu biết nhau hơn và dễ đi đến thống nhất, ghi nhận rõ những điểm bất cập của chính sách.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.